Thường thì người ta hay sử dụng quả chuối để chế biến thành các món ăn như: Chuối nấu ốc đậu, ba ba om chuối đậu, hoặc quả chuối thái mỏng ăn kèm với tái dê, tái thỏ…, còn hoa chuối thì làm nộm hoặc ăn kèm
với món miến lươn. Nhưng ở làng Trữ, người ta còn dùng cả thân cây chuối và củ cây chuối để chế biến thành một món ăn mà có lẽ đã gắn bó không biết với bao lớp người Trung Trữ. Không chỉ những dịp hội hè, đình đám mà ngay cả ngày thường người dân Trữ cũng làm món “Chuối nấu xương”. Thực ra, để là món này cũng không quá cầu kỳ, phức tạp, nguyên liệu chủ yếu là thân cây chuối bóc lấy lõi non (hoặc củ cây chuối) đem thái mỏng ngâm với nước có pha thêm ít chanh, sườn lợn (nếu có một ít xương ống thì càng ngọt nước) ninh nhừ, vớt hết bọt đen (để cho nước trong), gia giảm thì có thêm lá mùi tầu, hành hoa, mì chính và mẻ cái.
Lấy chuối thái đã ngâm rửa sạch cho vào nồi xương đã ninh trước đó, chêm mắm muối tiếp tục nấu đến khi chuối trong nồi chín mềm, mẻ cái lọc lấy nước, cho từ từ vào nồi, nếm đủ độ chua, sau cùng cho mùi tàu, hành hoa và một ít mì chính, trước khi bắc ra khỏi bếp ta thêm một ít rượu trắng. Yêu cầu của món ăn là chuối phải mềm, trắng, chua chua thơm mùi mẻ cái.
Nói không quá, một năm tôi mới được đôi ba lần thưởng thức món chuối nấu xương một cách ngon nhất, đó là vào ngày giỗ họ Đinh Thế 14 tháng 7 âm lịch và giỗ Đại chi III hàng năm. Ngon ở chỗ, nước xương dùng để nấu chuối được ninh từ xương của cả con lợn được mổ thịt để làm cỗ nên nước rất ngọt. Hàng trăm mâm cỗ, mâm nào cũng có hai bát chuối nấu xương, nhưng vất vả nhất là mấy bác phục vụ, vì hầu như mâm nào cũng gọi thêm “Cho thêm bát chuối nấu”.
Khi về Hà Nội, tôi vẫn được ăn món chuối nấu nhưng thực ra không ngon bằng người Trữ nấu, vẫn nguyên liệu và gia giảm như thế, cây chuối thì cậu mợ Long hay các bác bên đằng nội cho, xương thì ra chợ mua về nấu, nhưng vẫn thấy thiêu thiếu một thứ gia vị gì đó, phải chăng là tình người làng Trữ.
(Đinh Thế Dũng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!