Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Qua các miền du lịch Ninh Bình


Sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình, nhưng đây là lần đầu tiên tôi quyết định hành trình đi dọc theo chiều dài của quê hương. Chuyến đi này giúp cho tôi trải nghiệm nhiều điều và hiểu tại sao người ta lại ví "Ninh Bình chính là hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ".

Bởi nói đến Ninh Bình là nói đến một vùng đất đặc trưng khác biệt với đầy đủ rừng, núi, sông, hồ, đầm, đồi, đồng bằng và biển cả. ở Ninh Bình, có sự hài hòa kết hợp giữa thiên nhiên, con người và những trầm tích văn hóa được lắng đọng qua từng di tích - danh thắng. Hiếm có một vùng đất nào ở Việt Nam mà hai tiếng nước non lại nghĩa tình và sâu nặng đến thế. 
 Vân Long - vẻ đẹp ẩn 
 Điểm đến đầu tiên trong chuyến du xuân đầu năm của đoàn chúng tôi là Khu du lịch sinh thái Vân Long. Một vùng non nước hữu tình đẹp như một bức tranh thuỷ mặc hiện ra làm người ta ngỡ ngàng.
 Buổi sáng mùa xuân ở Vân Long thật kỳ diệu, những đám sương mù bảng lảng trên triền núi như muốn trì hoãn sự có mặt của ánh mặt trời ở nơi đây. Một viễn cảnh diễn ra đúng như những gì người ta nói "Vân Long là nơi rồng mây hội tụ". Cái tên Vân Long mang trong mình một mơ ước, khát vọng của con người nơi đây về cuộc sống bình yên, mưa thuận, gió hoà như "rồng gặp mây". Con thuyền nan nhỏ bé nhẹ nhàng lướt trên đầm nước mênh mang. Mặt đầm phẳng như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu rõ mồn một từng nét tạc của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như Mèo Cào, Mâm Xôi, Hòm Sách, Đá Bàn... Người chèo đò là chị Nguyễn Thị Minh, nhà bên đầm Vân Long kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện giã sử như thực, như mơ ở Vân Long về "Tứ vị hồng nương", chùa thờ phật... khiến ai cũng phải tò mò, muốn khám phá. Nhà thờ đá Phát Diệm. Ảnh: Đinh Duy Trước khi đến đây, tôi cũng đã biết Vân Long qua câu chuyện của một người nặng lòng với du lịch Ninh Bình, ông là người đầu tiên phát hiện ra giá trị và vẻ đẹp của "Vân Long" và có công lớn trong việc đưa Vân Long trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước. Từ năm 1960, một tuyến đê dài hơn 30 km được đắp bên phía tả ngạn để trị thuỷ sông Hồng, biến Vân Long thành một vùng đất ngập nước rộng đến 3.500 ha, kéo những loài chim di trú dừng chân kiếm ăn trên đường tránh rét. Những quả núi bị cô lập giữa thung nước mênh mông đã "tình cờ" trở thành cứu cánh cho nhiều loài động, thực vật thoát khỏi bàn tay triệt phá của con người. Nhưng sự tình cờ đáng giá nhất phải kể đến khi các chuyên gia nước ngoài phát hiện Vân Long có tới hơn 40 cá thể voọc mông trắng đang sinh sống. Phát hiện này làm giới khoa học ngỡ ngàng, bởi voọc mông trắng là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, có tên trong sách đỏ thế giới. Việc nghiên cứu khu vực đầm Vân Long đã cho thấy động, thực vật nơi đây rất đặc trưng cho hai hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước của vùng châu thổ sông Hồng. Và từ đó Vân Long "lột xác" trở thành một vùng sơn thuỷ hữu tình làm ngỡ ngàng từ các nhà khoa học đến khách du lịch, từ các doanh nhân đến những người dân địa phương. 
Du khách thăm Tràng An

 Mê hoặc "Kinh đô đá" Tràng An 
Mặc dù đã đến Tràng An nhiều lần và biết Tràng An qua nhiều thước phim, bức ảnh tuyệt vời, song với tôi dường như lần nào cũng như mới. Tràng An xưa là một vùng biển cổ. Sự vận động biến ảo của đất trời hơn 250 triệu năm đã bày sẵn cho Quần thể hang động Tràng An một trận đồ bát quái với "cửa sinh", "cửa tử" quanh cố đô xưa. Du khách đến đây như lạc vào cõi tiên, lâng lâng một cảm giác thoát tục. Khi bước xuống thuyền thăm Tràng An, không gian mở ra đầu tiên là một vùng non nước mây trời khoáng đạt. Đáy nước trong xanh in sắc núi. Trên những rừng cây là nơi trú ngụ của nhiều loài chim thú. Bức tranh thiên nhiên ở đây thông thoáng, êm ái, thanh cao, tươi tắn đầy hấp dẫn. Tràng An không chỉ đẹp và có giá trị nổi bật toàn cầu mà Tràng An còn linh thiêng hơn vì nơi đây gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt đóng đô ở Hoa Lư. Kinh đô Hoa Lư gồm 3 vòng thành liền nhau: thành Đông, thành Tây và thành Nam. Thành Đông nằm ở phía đông, giáp với vùng đồng bằng, là nơi bố trí cung điện nên được gọi là thành ngoại; thành Tây nằm ở bên trong giáp với vùng núi non, là nơi ở của quan lại và khu vực hậu cần nên được gọi là thành nội. Thành Nam rộng hơn, là vùng núi cao hiểm trở để phòng thủ, che chở kinh thành, hiện được gọi là Tràng An. 
Với đặc thù địa hình như vậy, kinh đô Hoa Lư được ví như "kinh đô đá" với đặc điểm: núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện. Điều này thể hiện bởi sự tận dụng triệt để những ưu thế của thiên nhiên, biến các dãy núi đá vôi làm thành quách để giảm sức người và của. Việc phát lộ ra hệ thống hang động Tràng An trong lòng đất đã dần hé mở ra quyết định lập đô của vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư vào thời kỳ đầu của một Nhà nước phong kiến tập quyền. Địa hình Tràng An là - gạch nối giữa Hoa Lư và Thăng Long, làm cho nhân dân Việt Nam có sự hồi tưởng lại những diễn biến lịch sử đã diễn ra ở kinh thành Hoa Lư và sự nối tiếp ở kinh thành Thăng Long cho đến Hà Nội sau đó. Hiện nay, Ninh Bình đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục di sản thế giới. Nếu được, Tràng An sẽ là di sản đầu tiên của Việt Nam với tiêu chí hỗn hợp và sẽ là điểm du lịch hấp dẫn mang tầm quốc tế.
Nhà thờ đá Phát Diệm. Ảnh: Đinh Duy

 Kim Sơn - biển bạc, đồng xanh 
 Rời Tràng An, trời đã xế chiều, chúng tôi lên xe và tiếp tục cuộc hành trình 30 km để đến với xứ đạo Kim Sơn, nơi có nhà thờ Phát Diệm là một công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng nhất ở Việt Nam, mô phỏng kiến trúc truyền thống kết hợp với văn hóa phương Tây. Cầu Ngói Phát Diệm là công trình kiến trúc độc đáo được lựa chọn và in hình trên tem bưu chính Việt Nam. Xe dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ ở xã Kim Tân, một xã cách biển chỉ khoảng 2 km. Cái mệt mỏi của một ngày dài du ngoạn trong phút chốc đã tan biến bởi sự tiếp đón nhiệt tình của những người bạn thân thiết. Chúng tôi tay bắt mặt mừng cứ như lâu lắm mới gặp. Mâm rượu đã được sắp sẵn với những đặc sản mà thiên nhiên đã ưu đãi cho người dân nơi đây như gỏi nhệch, tôm, cua, cá và đặc biệt là rượu Kim Sơn. Anh Khải, chủ nhà cao hứng đọc câu thơ "Còn trời, còn nước, còn non/Còn cô bán rượu anh còn say sưa". Rồi anh nói, "Buổi tối đến Kim Sơn chỉ uống rượu thôi, muốn ngắm biển phải đợi sáng sớm". Là một người sinh ra và lớn lên tại Kim Sơn, hơn ai hết anh yêu và gắn bó với mảnh đất này. Qua những câu chuyện của anh tôi hiểu rằng Kim Sơn với anh là máu thịt. Anh nói "Đến Kim Sơn phải đến vào mùa hè khoảng tháng 6 tháng 7. Khi ấy, những cánh đồng ven biển bị phủ bởi một màu xanh ngắt của cói, ánh mặt trời chiếu vào thân cói đẹp đến nao lòng. Cây cói nơi đây đã giúp cho người dân Kim Sơn nổi tiếng khắp thế giới".
 Đêm ở Kim Sơn như ngắn hơn bởi những điều kỳ thú ở mảnh đất đa dạng và hoang sơ, chứa đựng bao tiềm năng chưa được khai thác. Không ai bảo ai, chúng tôi dậy thật sớm, anh Khải và mấy người bạn trong "Hội nghệ sỹ đồng quê" đưa chúng tôi đến vùng bãi ngang - nơi tận cùng của miền Bắc. Khi có mặt ở đây lần đầu tiên chắc bạn cũng sẽ có một cảm giác thật lạ. Bao mệt mỏi lo toan cuộc sống nơi đô thị bỗng chốc như tan biến, nhường chỗ cho sự thư thái, an nhàn. Cảnh trí nơi đây rất giống với miền Tây sông nước với hệ thống kênh, rạch chằng chịt bao quanh những ngôi nhà nhỏ lợp bằng mái bổi và được nối với nhau bởi những chiếc cầu tre mỏng manh. Trước mặt là biển, là rừng cây, đồng cói. Không có một vật cản nào làm khuất tầm mắt của bạn. Trong tương lai, vùng ven biển Kim Sơn sẽ có 3 đô thị liền nhau: Thị xã Bình Minh, thị trấn Kim Đông và thị trấn Cồn Nổi. 
 Rời Kim Sơn, chúng tôi mang theo sự mặn mòi của đất, của tình người nơi đây. Để được tận hưởng cảm giác đầu đội trời chân đạp đất, nghe lặng thầm điệu ru đất nước dầu dãi 200 năm của những người đi mở cõi đặt tên Kim Sơn - Núi vàng của Việt Nam thì bạn hãy lên đường. (NBĐT)
In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!