Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Thịt nướng lá mắc mật

Người làng Trữ vốn sành ăn, dù là món đặc sản hay những món dân dã đều được chế biến tỷ mỷ, ngày nay không những món ăn phải ngon mà còn phải đẹp và hấp dẫn...
Mấy năm gần đây, nhà ông Bùi Văn Kĩnh ở xóm Nam đã lấy giống cây mắc mật từ Thái Nguyên về trồng, ông cậu tôi (ông Nguyễn Văn Long, Xóm Nam, Trung Trữ) cũng lấy cây giống
mang về trồng sau nhà; hiện nay ngoài nhà ông Kĩnh và nhà ông cậu tôi, thì còn nhiều nhà ở xóm Nam cũng đã trồng được cây mắc mật. Loại cây này cho quả chín vào tháng 5, tháng 6 âm lịch hàng năm; từ lá cây cho đến quả mác mật được sử dụng làm gia vị chế biến các món ăn cho hương vị thật đậm đà. Như món lợn quay, vịt quay, trong quá trình chế biến, người ta thường dùng lá cây mắc mật để nhồi vào bên trong con lợn, vịt rồi mới quay. Ngay trong khi chế biến, hương vị của mắc mật toả ra thơm ngậy, hấp dẫn; đến khi chín, hương vị càng quyến rũ hơn. Ngoài ra, không chỉ được dùng làm gia vị trong chế biến món lợn quay, vịt quay, lá mắc mật còn được sử dụng với món thịt nướng. Những ngày có giỗ chạp hay lễ Tết, ông cậu tôi lại làm món thịt nướng (hoặc chiên) với lá mắc mật. Thường thì, ông cậu tôi lấy lá có mầu bánh tẻ, rửa sạch, lấy một ít đem giã nhỏ rồi vắt lấy nước; thịt lợn mua loại nạc thăn, sau khi rửa sạch đem thái mỏng (khoảng 3 - 4 cm), ướp mắm muối hạt tiêu, mì chính và trộn với nước của lá mắc mật để khoảng 15 phút, sau đó lấy lá mắc mật tươi gập đôi để cặp vào miếng thịt, dùng tăm tre (loại tăm nhọn hai đầu vẫn thường dùng hiện nay) xiên mỗi xiên khoảng 4 - 6 miếng; cuối cùng là mang nướng, hoặc chiên, sau khi chiên (hoặc nướng) xiên thịt có màu vàng rộm, lá bọc bên ngoài vàng giòn mà không cháy, ăn kèm với rau thơm, rau mùi chấm ước mắm chua cay thì thật quyến rũ.
Đinh Thế Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!