Di tích

Ngày 29 tháng 12 năm 1990,  Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 1539/QĐ công nhận “DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA TRUNG TRỮ, XÃ NINH GIANG, HUYỆN HOA LƯ, TỈNH HÀ NAM NINH” (nay là tỉnh Ninh Bình). Trong đó bao gồm cả Đình làng Trung Trữ và hang miếu Nội (Đình, Chùa, Miếu Nội của làng Trung Trữ đã được xếp hạng khu di tích lịch sử cấp Nhà nước).
Chùa Trung Trữ: Xa xưa, chùa tọa lạc ở đầu núi Gòi (núi có nhiều con còi còi, còn có tên chữ là Cẩm Quy - con rùa). Chùa có tên ban đầu là chùa Bần (nghèo) dựng năm nào không rõ. Theo một số cụ cao niên ở gần chùa kể lại, phía đông nam xóm Nam có khu vườn chùa, ngày xưa vợ chồng ông bà Khúc Minh không có con, nhận làm sãi chùa, đi đâu ông bà cũng có nhau, nên có câu “quấn quýt như ông bà Khúc Minh”.
Khi chuyển chùa về cửa động Anh Linh xây mới vào năm Dương Đức nhị niên (1673), có mang theo hai pho tượng Tam Thế bằng gỗ bày trong hốc đá xanh cạnh cửa hang và hai pho tượng Hộ Pháp đứng hai đầu hồi Tụng Đường. Chùa mới mang tên chữ là “Anh Linh Sơn Động tự”. Trong bia kí “Kiến Anh Linh Sơn Động tự” có ghi: Ngẫm thấy chùa phế rồi lại hưng, do kính tín Đạo Phật… Bia minh ghi lại để lưu truyền cho đời sau. … trước đây, chùa bị hỏng nát do vật đổi sao dời. Nơi đây bờ lăng không còn nữa, hang động cũng biến dạng chưa tu sửa lại được…
Chùa Trung Trữ
Về vị trí của chùa mới, khi tôn tạo làng có mời Hòa thượng trùm tăng huyện Gia Viễn, hiệu Huệ Nhật - Phật hiệu Chân Kinh đến bàn bạc. Với dáng tươi cười mãn nguyện, vị Hòa thượng nói: “Tốt lành thay. Tốt lành thay. Cảnh đẹp Động Anh Linh đúng là vật báu lâu đời của chùa động ta. Qua xem phong cảnh thấy án núi nguy nga, cỏ cây sầm uất, trước mặt có án Chu Tước hình chim phượng; đằng sau là huyền vũ thế núi cao vời vợi; phía trái có sông rạch như rồng uốn khúc, dân thôn trù mật, nảy sinh lá ngọc cành vàng; bên phải có Bạch Hổ, đền đài chanh vanh rực ánh hồng soi trên làn nước biếc. Cảnh trí chẳng khác gì nơi bồng hồ lãng uyển, khách đến thăm tất phải sinh lòng kính tâm ái niệm”. Các cụ xây chùa với ước nguyện rất cao đẹp, bia kí ghi “Thượng phù Quốc mạch, hạ phúc sinh dân”(trước là phù Quốc gia, sau là làm phúc cho dân). Việc xây dựng và tôn tạo chùa phần lớn do nhân dân công đức. Điều này đã được ghi trên bia đá đặt phía bắc tiền đường chùa.
Thờ tự trong chùa
1. Khu vực chùa chính, gồm 3 lớp: Tam quan với cửa chính và hai cửa tả môn hữu môn. tầng hai là gác chuông. Chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh tam niên (1795). Theo đường chính đến 5 gian tiền đường còn gọi là bái đường, tiếp là tụng đường.
Tiền đường: gồm 5 gian, 6 hàng cột, gồm 24 cột, dáng cao, mái thẳng, hoành vuông, vì kèo kiểu chồng giường, chạm khắc đơn giản.
Thiêu hương: khi xưa làm theo kiểu chồng diềm, 8 mái. Năm 1932 dỡ đi, làm lại 5 gian, 4 hàng cột như ngày nay, vì kèo chồng giường, hoành vuông, mái thẳng. Cửa võng được chạm long, li, quy, phượng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trên cao là 4 chữ Hán: Anh Linh Sơn Động.
Tụng đường: gốm 5 gian. Gian giữa thờ Tam Bảo (Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu) hai bên là hai tòa Hộ Pháp (ông ác bên phải, ông thiện bên trái), hai hành lang thờ Hương Cửu Tộc ( tức 9 dòng họ đến đầu tiên lập làng). Và 2 tượng đá đưa từ chùa Bần về.
Trong cùng là thạch xế động môn, xây ngay vào cửa hang đá. Hang rộng 5 mét, chỗ cao nhất 3 mét, sâu 8 mét. Cửa hang được cải tạo và xây thành 3 cửa bằng phiến đá xanh. Lòng hang được xây thành bệ để thờ Phật. Bệ thứ nhất từ dưới lên là hai vị Thiên Trấn, Thiên Nương. Bệ thứ hai bên trái là tượng Thánh Tăng, bên phải là Thổ Địa. Bệ thứ ba giữa là tượng Cửu Long, hai bên có hai tượng Hộ Pháp Chủ thiên hộ từ, giữa là tượng Thích Ca sơ sinh. Bệ thứ tư ở giữa là ADiĐà, bên trái là tượng Kim Đồng, bên phải là tượng Ngọc Nữ. Trên cùng là 3 vị Tam Thế (quá khứ, hiện tại, tương lai). Phía sau có 2 tượng nhỏ ADiĐà được tạc khi mới dựng chùa.
Ngách hang bên trái, ngoài là tượng Quan Âm tạ sơn, phía trong là tượng ÁtNanĐà, bên trái là tượng Tiêu diêu đạo sạo, bên phải là tượng Diêm khấn kì vương hộ trì ÁtNanĐà. Ngách hang bên phải là tượng Đức Ông và hai pho tượng nhỏ GiàNam chân tô hộ trì Đức Ông.
Sau tòa cửu long là hang động lớn, dài 200 mét; có đường lên trời, đường xuống thuỷ hà; có nhiều khoang với nhiều cảnh trí kỳ thú, thạch nhũ muôn hình, trên là vòm cao, dưới có nước chảy. Đây là một hang động khổng lồ. Tấm bia dựng năm Dương Đức thứ hai (1673) đã ca ngợi là “Thiên Nam đệ nhất động” (động đẹp nhất ở phía Nam).
Thông qua lòng núi sang cửa phía đông mở rộng thành một hang lớn dài 30 mét, rộng 20 mét, chỗ cao nhất 7- 8 mét, có cửa chính và cửa phụ. Ở cửa phụ nhân dân địa phương xây một ngôi miếu thờ Sơn Thần gọi là Miếu Nội và hang được gọi là hang Miếu Nội. Cửa chính của hang, năm 1965 được cải tạo thành Hội trường của Huyện uỷ Gia Khánh. Hang Hội trường có đủ chỗ cho mấy trăm người.
2. Khu vực nhà Tổ
Ở phía nam chùa chính, gồm 2 lớp. Lớp trong hai bên thờ Tổ Tây và Tổ Ta, giữa thờ Tổ truyền đạo từ Ấn Độ sang với đôi câu đối:
Thư tịch tây thiên phạ bạch mã
Tích phi đông độ tập phương bào”.
Gian bên trái thờ Sư tổ Việt Nam người đầu tiên tiếp nhận kinh kệ, áo cà sa và gậy thần xích vào Việt Nam. Gian bên phải thờ các vị sư đã tu và viên tịch tại chùa Trung Trữ.
Trước nhà thờ tổ là 3 gian tiền đường để tiếp khách và hội họp.
Phía bắc nhà thờ tổ là miếu Âm Hồn còn gọi là phủ Hàn Lâm thờ Át Nam Đà Đại Thánh - người quản lý kinh sách và sinh linh cô quả
Phía nam nhà thờ tổ là khu vực nhà ăn ở của các vị sư sãi.
3. Khu vực vườn tháp
Tháp nhỏ xây gạch ở trên cao là mộ sư Nghệ - sư đầu tiên tu tại chùa - dưới là cây tháp nhiều tầng, trong quàn hài cốt của các sư cụ: Đàm Tuấn, Đàm Khang, Đàm Ninh (Sư cụ Đàm Tuấn được Nhà nước tặng Bằng có công với nước).
Chùa Trung Trữ được trùng tu nhiều lần: Nhà tiền Đường trùng tu năm Nhâm Tý (1912), nhà tổ trong trùng tu năm Ất Sửu (1925), nhà tiền đường khu nhà tổ trùng tu năm Nhâm Tý (1926). Năm 1930 trùng tu tụng đường, sơn cột và các cửa võng, tô tượng, năm 1994 lát gạch, năm 1997 sửa chữa lớn.
Sự hình thành Đình Trung Trữ
Chúc ước đọc ngày kì phúc (15-10 âm lịch) hàng năm có đoạn: “ Nguyên bản xã cảnh thuộc bang kỳ, tịch quy thang mộc, ấp sở cư thế khoát thiên đài, đình viên kiến linh chung địa trục…” nghĩa là làng ta thuộc đất Đế đô, thuộc miền thang mộc, ở trên thế đất sáng sủa, bầu trời khoáng đãng. Đình làng dựng trên mảnh đất có khí thiêng hun đúc… Cũng theo chúc ước ghi rõ thế đất đình: “đầu đài cố long lân nguy nghiệp, viễn triều giang kỉ khúc doanh hồn. Giá tiền kình yên mã kì phong, hiệp hữu cúng Hoàng long thanh độc. Địa linh lượng thị sở chung. Nhân kiệt do chi nhi dục…” tạm dịch: Đình làng nằm trên khu đất thiêng, có khí thiêng hun đúc, gác đầu tựa long lân vời vợi, sông chầu về mấy khúc uốn quanh. Thoạt nhìn về đoàn ngựa bước lao liên, núi từng dẫy trùng trùng mở bức. Trước mặt núi Mã Yên sừng sững, bên phải trong vắt dòng Hoàng Long. Nơi đất thiêng liêng hùng vĩ ấy, nhân kiệt cũng từ đấy nảy sinh. Trong phần luận của chúc ước cũng ghi rõ niềm tin với ngôi đình này dân làng sẽ nảy sinh nhiều danh tài đỗ đạt cao, mẫn cán và thành đạt trong công việc. Về võ cũng xuất hiện nhiều lương tướng; nhà nông cũng từng mùa bội thu; lao động cũng đỡ nhọc nhằn, lương thảo chất đầy kho, ắp lẫm; trăm nghề cũng được tinh thông; thuần phong mỹ tục ngày một phát triển; cuộc sống ấm no, tình cảm chan hoà. Khói hương phụng thờ và lễ văn ngày thêm phong phú (xem bài Chúc ước).
Kiến trúc, Đình Trung Trữ được xây theo hình chữ Quốc (Hán tự), hạng mục chính là chữ Vương, nội điện theo chữ Công (Hán tự).
Nội điện: ở chính giữa thờ Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Hai vị vua đều ngồi trong long ngai, trên cửa võng long cung là bức đại tự “Tràng An hồng nhật cận” (Gần mặt trời Tràng An). Bên trái sát long cung thờ Dương Vân Nga, ngồi trong long ngai. Gian bên phải thờ Hoàng gia triều Lê, gian bên trái thờ Hoàng gia triều Đinh.
Trong khung chuôi vồ bày bàn thờ Tứ trụ triều đình (trước đây bày theo chữ Nhất, nay bày theo chữ Nhật).
Tầng ngoài nội điện: Giữa thờ bát hương cộng đồng, mỗi kì tế lễ đều rước các bát hương Đức Chúa ở chùa, bát hương Bản thổ hương sơn linh ứng đại sơn thần ở miếu Nội, bát hương An trấn khôn sơn uy linh thần ở miếu Ngoại về đặt ở đây để tế lễ (gọi là tế vị tiền).
Gian hai bên hông là tả chiêu hữu mục, phía trái thờ Hương tiên Đinh Thế Dong, phía phải thờ Hương quan Bùi Quốc Trinh.
Trên cửa vào nội điện là đại tự “Chính thống thủy” Mở đầu sự nghiệp thống nhất Sơn hà của nhà Đinh ở thế kỷ thứ X.
Trang trí trong nội điện rất uy nghiêm. Đôi hạc trắng chầu phía ngoài; hai hàng tế khí; hàng sau là cờ tiết và cờ mao; sau cùng là binh khí.
Trước Nội điện có Thạch đình với đôi rồng chầu. Trước sân là 5 gian Tế đình. Trước Tế đình là sân có xây vọng liệu. Hai bên là tả vu, hữu vu (còn gọi là giải vũ) .
Giữa cửa đình là cổng lớn gọi là Nghi môn với hai cột đồng trụ bằng đá khối khắc 3 đôi câu đối ở 3 mặt trụ.
Trước đình là hồ bán nguyệt, tương truyền có Đình, nhưng mặt tiền không còn đất, một đêm dân làng bê mốc giới (giữa Trung Trữ và Trường Yên) chôn sang bên kia bờ ngòi, lấy đất đào hồ bán nguyệt rộng 5 sào. Đình làng có ao đình thả sen hương ngát. Mãi đến năm 2003 ao đình được kè đá, và xây lại hai cầu ao. Xung quanh ao đình trồng cây. Xưa có cây đa cổ thụ (nay cỗi chết), chỉ còn cây si trước Nghi môn trồng trên hòn non bộ hình con voi, nay được thay bằng cây sanh đang phát triển, nhìn như một chiếc ngai. Hai bên là hai cây bồ đề lấy giống từ chùa Một Cột Hà Nội (cây do tổng thống Ấn Độ tặng Bác Hồ năm 1958).
Xưa, phía nam Đình là chợ. Chợ Trữ là trung tâm buôn bán của một vùng sông nước. Điềm Giang xuống; Trường Yên, Hối, Thiệu, Thanh Ngô Khê, La, Gián sang; Thành Mĩ, Đa Giá, Đới Nhân lên. Giữa chợ có đình chợ khung lim, lợp gianh. Năm 50 của thế kỉ trước để tránh máy bay địch, chợ được chuyển vào chân núi trước hang Miếu Nội. Đình chợ cũng được chuyển ra dựng tại đây. Trong kháng chiến, Trung Trữ là vùng tự do. Bê kia sông Đáy là vùng tề với bốt Hoàng Đan. Việc đi lại giữa hai vùng qua Bến Mới, nhưng rất hạn chế. Hàng lậu từ vùng tề đưa sang buôn bán ở chợ Trữ.
Quần thể đình Trung Trữ xưa còn có cánh chân mạ Áng Bái rộng 4 mẫu. Ở đây có những gò đống tượng trưng cho “cột cờ”, “sách”, “bút”, “nghiên”. Cánh chân mạ này sau tết Nguyên Đán khi đã sạch mạ, trở thành sân chơi của Hội Xuân.
Đình Trung Trữ là một quần thể kiến trúc cảnh quan đẹp, có giá trị lịch sử, văn hóa.
Đình Trung Trữ thực chất là ngôi đền thờ Thánh. Nhưng vẫn được gọi là đình làng - Nơi diễn ra các hoạt động lớn hàng năm của làng: Lễ khai xuân hạ lão ngày đầu năm, Lễ giỗ vua Đinh ngày 16 tháng Tám (âm lịch), Lễ giỗ vua Lê ngày 8 tháng Ba (âm lịch), Lễ Kỳ phúc ngày 15 tháng mười (âm lịch).
Cũng tại Đình làng là trường tiểu học, bao thế hệ học sinh làng đã học và trưởng thành từ đây.
Năm 1927 thầy giáo Nguyễn Văn Quế đã tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước của Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học;
Từ năm 1930 thầy giáo Phạm Quang Thẩm giác ngộ Cộng sản cho học sinh và nông dân;
Năm 1931 Hội đồng Hương lý làng tuyên bố tăng công gặt lên gấp đôi và giảm sưu cho các nhân đinh của làng.
Chuẩn bị khởi nghĩa, “Bảo An đoàn” tập luyện quân sự, tuyên truyền cách mạng và Ngày 18 tháng Tám năm 1945 diễn ra cuộc mít tinh lớn của Việt Minh giành chính quyền thành lập Uỷ ban Hành chính lâm thời xã Trung Sơn. Đình Trung Trữ là trụ sở của Uỷ ban.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, đình làng là nơi tập luyện của dân quân du kích, bảo vệ xóm làng.
Qua thời gian và biến cố lịch sử, đình Trung Trữ đã trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Lớn nhất vào năm 1930: theo bia trùng tu tế đình làng tổ chức thuận quyên, bán chức Chánh xã, Lý trưởng, Xã, Nhiêu…thu được 80 đồng, mua 24 phiến lim và 2 cây gỗ lim lớn, 7 vạn viên ngói để trùng tu và làm mới nhiều hạng mục. Gồm: làm lại mái từ lợp tranh sang lợp ngói mũi; Tô tượng; Đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt (Đôi rồng được đánh giá là đẹp nhất trong vùng), trang trí phù điêu cảnh sông nước, cua cá, chăn trâu, tập trận … trên mặt bích hai hồi
Năm 2000 sửa chữa lớn: chống sập và xây lại nhà giải vũ (tả vu). Sau đó làm một số công trình như kè hồ, xây lại cầu ao, đổ bê tông đường đi, xây khuôn viên, trồng cây cảnh… Tất cả các hạng mục trùng tu, tôn tạo trên đều do nhân dân đóng góp và bà con đồng hương công đức.
Đình, Chùa và Miếu Nội Trung Trữ là quần thể kiến trúc liên hoàn, đồng nhất. Một cảnh quan đẹp có giá trị lịch sử văn hóa.
(Theo trungtru.net)