Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Ca dao Ninh Bình

Người Ninh Bình cần cù trong đời sống lao động và tài hoa trong cách thể hiện đã lưu truyền một khối lượng lớn ca dao phong phú. Ngoài những câu ca dao được lưu truyền ở nhiều nơi, người Ninh Bình đã sáng tác những câu ca dao riêng vừa hòa vào trong kho ca dao chung của dân tộc, vừa giữ lại nét tài hoa và đằm thắm riêng biệt của mình. Bà đề tài nổi bật được thể hiện trong ca dao Ninh Bình là: Tình yêu quê hương đất nước, tình lứa đôi và tình cảm gia đình.
Tự hào về quê hương, người dân Ninh Bình đã có những lời giới thiệu duyên dáng về mảnh đất Ninh Bình như sau:

Ai về qua đất Ninh Bình
Mà xem phong cảnh hữu tình nên thơ.
Nước non, non nước như mơ,
Càng nhìn Dục Thúy càng ngơ ngẩn lòng.

Dân gian còn mượn lời chàng trai để nói một cách thiết tha với người yêu mình về quê hương tươi đẹp:

Mình về đường ấy thì xa
Để anh bắc cầu sông Cái đi qua Ninh Bình
Đất Ninh Bình có chùa non nước
Núi Phi Diên, Hồi Hạc xung quanh
Em về em chớ quên anh

Tình yêu quê hương ở đâu cũng vậy, không chỉ là niềm tự hào về cảnh đẹp của non sông mà còn là niềm tự hào về lịch sử, truyền thống của cha ông. Đất Ninh Bình là nơi sinh ra một vị vua tài giỏi, người có công tạo lập một triều đại độc lập và tự chủ trong lịch sử dân tộc. Đây là nơi có Cố đô Hoa Lư của hai triều vua Đinh - Lê, là nơi khởi nghiệp lớn của Nhà Lý, nơi này từng định liệu kế sách, tập hợp nghĩa binh anh hùng hào kiệt dẹp loạn 12 sứ quân, dựng nền chính thống, là nơi xuất phát các đạo hùng binh phá Tống Bình Chiêm. Non nước ấy,trong lòng mỗi người dân Ninh Bình và cả người dân tộc cả nước đẹp như mợt bản anh hùng ca. Ca dao ở đây đã thể hiện niềm tự hào đó, khi thì bằng những lời nhắn nhủ:

Ai là con cháu Rồng Tiên
Tháng hai mở hội Trường Yên thì về
Về thăm đô cũ Đinh - Lê
Non Xanh, nước biếc bốn bề như tranh.


Khẳng định là những câu dặn dò:

Dù ai buôn đâu, bán đâu
Nhớ ngày mở hội rủ nhau mà về
Dù ai bận rộn trăm nghề
Tháng hai mở hội thì về Trường Yên


Bên cạnh những câu ca dao tràn đầy niềm tự hào về non sông và lịch sử, là những lời chan chứa về tình cảm về cuộc sống lao động hàng ngày. Người Ninh Bình đã từ đời nay qua đời khác vật lộn với những khó khăn khắc nghiệt của thiên nhiên để sinh tồn, đã dặn dò con cháu mình bằng những câu ca dao rất thấm thía:

Quê ta đồng trắng, nước trong
Lúa gạo thì ít, rêu rong thì nhiều
Dặn con phải nhớ lấy điều
Muốn cho no ấm phải sớm chiều siêng năng


Nhận thức được khó khăn và điều kiện sống, người Ninh Bình đã có ý thức sâu sắc về sự tự nguyện, chăm chỉ trong công việc đồng áng hàng ngày cà giá trị lao động đó mang lại:

Rạng ngày vác cuốc ra đồng
Tay cầm mồi lửa tay thòng sừng trâu
Ruộng đầm nước cả bùn sâu
Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa
Việc làm chẳng quản nắng mưa
Cơm ăn để đổi muối dưa qua ngày.

Chính những cái nền tảng đạo đức lấy giá trị lao động làm chuẩn mực đó, con người nơi đây đã bộc lộ quan điểm thẩm mỹ của mình. Cô gái Ninh Bình bộc bạch những suy nghĩ hết sức giản dị về bản thân mình:

Em là con gái đồng chiêm
Gieo mạ cấy lúa, lại thêm trồng màu
Ươm tơ, dệt vải nhuộm màu
May áo bền chắc theo trâu cày bừa


Trong cuộc sống lao động vất vả, con người cần chung lưng đấu cật chia sẻ, cảm thông. Người con trai đồng chiêm Ninh Bình đã có sự đồng cảm sâu sắc với các cô gái chân chất và họ đã có những câu ca dao bày tỏ tình cảm rất mộc mạc:

Rủi riu anh đẩy anh đun
Được tôm, được tép sớm hôm nhọc nhằn
Nhọc nhằn anh chẳng ngại ngùng
Chỉ thương em ở phòng không một mình.


Hoặc những câu ca dao trữ tình nói về sự chia sẻ vất vả nhọc nhằn trong lao động:

Anh lên Tam Điệp, anh men non Trình
Củi than nhem nhuốc với tình
Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.




Từ sự đồng cảm đó mà con trai, con gái Ninh Bình đã cùng chung sức xây dựng cuộc sống:

Kể chi trời rét đồng sâu
Có chồng có vợ rủ nhau đi bừa
Bây giờ trời đã hồ trưa
Chồng vác lấy cày, vợ dắt lấy trâu.
Một đoàn chồng trước vợ sau
Trời rét mặc rét, đồng sâu mặc đồng


Bên cạnh đó còn có sự tinh nghịch trong ca dao Ninh Bình:


Anh là con trai Hải Phòng
Chạy tàu phỉ hổ ở trong Ninh Bình
Thấy em duyên dáng tương xinh
Anh thuận nhân tình, anh nắm cổ tay
Nắm rồi khẽ lắc cổ tay
Anh hỏi câu này: có lấy anh không

Ca dao đã thể hiện được nhiều chiều cảm xúc của con người, đó là lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn. là chiều sâu thẳm trong tình cảm lứa đôi, sự gắn bó sâu nặng với lao động, trong mối quan hệ xã hội.
(Nguồn: Dư địa chí Ninh Bình)
In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!