Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Bùi Cẩm, Bùi Uyển với phong trào Cần vương


Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, cùng nhân dân và các nhân sĩ yêu nước đã đi theo Văn Thân cần vương chống Pháp, Ở Trung Trữ tiêu biểu là Bùi Cẩm và Bùi Uyển. Bùi Cẩm, sinh năm Giáp Thân (1824) Ông là con thứ sáu cụ Bùi Doãn Địch, đỗ tú tài nên thường gọi là Tú Sáu. 

Còn trẻ ông đã tỏ rõ là người hào kiệt, phóng khoáng. Cùng học với ông có Bùi Uyển là cháu gọi ông bằng chú. Hai ông đều là học trò Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị. Bùi Uyển sinh năm Nhâm Thìn (1832) kém chú 8 tuổi, là người thông minh, chăm chỉ học hành, ham thích văn chương, văn võ song toàn. Tuy tính tình có khác nhau, cả hai chú cháu đều yêu nước chống Pháp xâm lược.Hai chú cháu cùng thi một khoa Mậu Ngọ (1858) Cháu đỗ cử nhân, chú đỗ tú tài. Bùi Cẩm không thích “Quan lộ”, ông thường du ngoạn khắp nơi kết bạn với các quan lang xứ Mường, đánh phá các nhà giầu cứu giúp dân nghèo. Ông tìm bạn Nga Sơn (Thanh Hóa), Uông Bí (Hồng Gai) mưu cầu đánh Pháp. Còn Bùi Uyển theo lời khuyên của thầy học Phạm Văn Nghị, tạm ra giữ chức tri huyện Thủy Nguyên, nên gọi là Huyện Thuỷ Đường.Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Mùa xuân năm Canh Thân (1860) Phạm Văn Nghị tổ chức đội nghĩa dũng trên 400 người, tình nguyện vào Nam đánh Tây. Trong đội quân ấy có 5 cử nhân, 8 tú tài, Bùi Cẩm và Bùi Uyển tham gia đắc lực. Bùi Cẩm giữ chức xuất đội, Bùi Uyển giữ chức quản cơ.Nhưng Nhà Nguyễn đầu hàng Pháp, cuộc đi ấy của Phạm Văn Nghị không thành. Bùi Cẩm và Bùi Uyển về quê luyện tập, chờ thời cơ. Mười ba năm sau, thời cơ đã đến. Năm 1873 thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần thứ nhất. Bùi Cẩm đóng đồn Hải Lạng, nay là vùng Ninh Cường, Cồn Liêu huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Cùng với Bùi Uyển, dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Nghị đã cắm kè ở ngã ba Độc Bộ nơi tiếp giáp giữa sông Đào và sông Đáy, ngăn chặn đường tiến quân của thực dân Pháp từ Ninh Bình sang Nam Định. Ngày 5-12-1873 sau khi chiếm thị xã Ninh Bình một cách dễ dàng, Pháp đánh chiếm Nam Định. Ngày 10-12-1873 thực dân Pháp qua ngã ba Độc Bộ, Bùi Cẩm, Bùi Uyển chiến đấu quyết liệt. Quân ta bắn gẫy cột cờ tầu địch, giết chết 3 tên, làm bị thương nhiều tên. Nhưng, vì thiếu đạn, quân ta phải rút lui. Cụ Phạm Văn Nghị lui về ở ẩn tại Thạch Bàn xã Trường Yên, trồng sen, câu cá, truyền bá tinh thần yêu nước cho học trò.Cụ Bùi Cẩm lên Lạng Sơn tìm các bạn chiến đấu và mất ở đó. 



Cụ Tú Sáu Bùi Cẩm để lại cho đời nhiều bài thơ, bài phú. Thơ Phú của cụ đau đáu một tấm lòng với quê hương, đất nước bị thực dân xâm lược. Tinh thần yêu nước chống Pháp của cụ sống mãi trong lòng nhân dân. Bài thơ “Thưởng nguyệt vịnh trăng trên núi Thuyền Rồng” đầy tâm trạng và khí phách của nhà một nho yêu nước đã được khắc vào gảnh lái núi Thuyền Rồng:
Trăng chưa già núi vẫn còn non
Núi chưa khuyết, trăng tròn với núi
Rượu một bầu thơ một túi
Góp gió trăng tính cuộc non sông
Núi kia đã tạc chữ đồng

Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng?

In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!