Làng Trữ. P2


I. ĐÁNH GIẶC
Trung Trữ, Bãi Trữ, La Mai, La Vân, Phong Phú nói riêng và xã Ninh Giang nói chung có truyền thống chống áp bức, chống ngoại xâm. Từ cụ Vũ Đình Huấn – Đại Đô đốc của Quang Trung Nguyễn Huệ, đến cụ Bùi Cẩm, mộ quân tham gia đánh Pháp xâm lược dưới ngọn cờ của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, đã để lại gương sáng cho đời sau. Sự kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên vào năm 1931. Và, ngay sau khi thành lập chi bộ đã lãnh đạo thành công 2 cuộc đấu tranh: đòi tăng công gặt tháng Năm và cuộc biểu tình đòi giảm sưu thuế 29 tháng Sáu. Hai cuộc kháng chiến chín năm đánh Pháp, mười năm chống Mĩ chi viện Miền Nam đã lập được nhiều chiến công to lớn, xã Ninh Giang được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực LượngVũ Trang Nhân dân.
I. 1 Đại Đô đốc Vũ Đình Huấn với đồn Gián Khẩu.
Đại Đô đốc Ân quang hầu Vũ Đình Huấn là danh nhân văn hóa Ninh Bình. Ông quê ở ấp Tràng An huyện Phù Cát, phủ Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Ông tham gia khởi nghĩa Tây Sơn từ rất sớm và lập nhiều chiến công. Vũ Đình Huấn góp phần lập phòng tuyến Tam Điệp vào cuối năm Mậu Thân (1788) và chỉ huy đánh đồn tiền tiêu Gián Khẩu .Năm 1789, quân Tây Sơn dừng chân ăn tết sớm tại Tam Điệp rồi bất ngờ ngược theo đường Thạch Thành (Thanh Hóa) vòng xuống Phủ Đồi, Nho Quan (Ninh Bình) về Sơn Hà, Sinh Dược (đêm 30 tết qua đây, Quang Trung vào chùa Bái Đính thắp hương Nguyễn Minh Không – để ghi dấu sự kiện này dân địa phương đặt tên cho đoạn đường trước chùa là đường Ba Mươi). Đô đốc Vũ Đình Huấn chỉ huy một cánh quân theo đường Quèn Ổi về ém quân tại núi Dếnh, núi Dược, núi Cô Phong lấy núi Chùa Trung Trữ (Trung Phong) làm đài chỉ huy, vượt sông Hoàng Long tiêu diệt đồn Gián Khẩu. Trong trận chiến này, con gái thứ ba của Vũ Đình Huấn là bà Đô đốc Vũ Thị Đức chỉ huy đội quân voi chiến đã anh dũng hy sinh tại trận địa. Bà được mai táng tại Bãi Vải và dân địa phương tôn vinh bà là Thần Thành Hoàng, lập đền thờ bà. Nay là đình Khiến xóm Phú Xuân thôn Thượng Hoà xã Gia Thanh huyện Gia Viễn. Nơi đây quanh năm cây cỏ xanh tươi, hương trầm nghi ngút tưởng nhớ một nữ tướng Tây Sơn, người con gái Quy Nhơn Bình Định tài hoa nằm lại trên Đất Bắc.Đại phá quân Thanh, Đại Đô đốc Vũ Đình Huấn ở lại Bắc Hà, trấn giữ phòng tuyến Nho quan – Gián Khẩu – Vị Xuyên. Ông đặt tên cho núi Chùa là Trung Phong (núi giữa làng ngọn cao chót vót), lấy nó làm vọng tiền tiêu. Lấy bãi hạ lưu Hoàng Long làm nơi huấn luyện binh sĩ. Dấu ấn Tây Sơn còn ghi đậm tại Trung Trữ là đường cái Tây Sơn và ngòi Tây Sơn. Đây là đường và ngòi dân địa phương đào đắp cho quân Tây Sơn đi.Ở lại Đất Bắc, Vũ Đình Huấn lấy vợ thứ họ Hà người Trung Trữ, sinh 2 con trai là Vũ Đình Văn, Vũ Đình Thư. (hai ông đều tuyệt tự). Mộ bà thứ họ Hà táng tại chân núi Gòi. Bà vợ thứ ba tên là Từ Trinh họ Nguyễn người làng Bãi Trữ, sinh 1 con trai là Vũ Đình Cố. Sau trở thành cụ thuỷ tổ họ Vũ Đình ở phía Bắc. Họ Vũ Đình phát triển ở hai tỉnh Bình Định, Ninh Bình, nên gọi là họ Vũ Song Bình.Họ Vũ Đình làng Bãi Trữ, xây từ đường thờ vị Đô đốc Tây Sơn Vũ Đình Huấn. Từ đường họ Vũ Đình Bãi Trữ được tỉnh Ninh Bình công nhận là “Di tích lịch sử”.Vua Quang Trung phong Ân Quang Hầu và cấp 40 mẫu ruộng cho Đại Đô Đốc Vũ Đình Huấn– cánh đồng này dân gọi là cánh đồng Hầu.Sau khi vua Quang Trung đột ngột qua đời, triều đại Tây Sơn suy yếu dần, Nguyễn Ánh nhân cơ hội liên tiếp tấn công, thành Phú Xuân thất thủ. Được tin, Vũ Đình Huấn mang quân vào nam ứng cứu, giao chiến với Nguyễn Ánh ở sông Gianh. Do lực lượng chênh lệc, Vũ Đình Huấn bị Nguyễn Ánh bắt. Nguyễn Ánh ra sức mua chuộc, nhưng Vũ Đình Huấn một mực không theo. Vũ Đình Huấn lâm bệnh và mất. Con cháu đưa hài cốt cụ về mai táng tại nguyên quán.Ca ngợi công đức Vũ Đình Huấn, khi thăm từ đường họ Vũ Đình Bãi Trữ, Hoàng Giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị đề tặng bài trướng và hai câu đối. Câu đối dịch nghĩa như sau:Trung thành đế chế ra giữ bắcTrọn nghĩa thiên triều vào cứu namVà:Đô đốc danh thơm tràn đất bắc
Quy Nhơn lừng lẫy khắp trời nam.
I. 2. Bùi Cẩm, Bùi Uyển với phong trào Cần vương.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, cùng nhân dân và các nhân sĩ yêu nước đã đi theo Văn Thân cần vương chống Pháp, Ở Trung Trữ tiêu biểu là Bùi Cẩm và Bùi Uyển.Bùi Cẩm, sinh năm Giáp Thân (1824) Ông là con thứ sáu cụ Bùi Doãn Địch, đỗ tú tài nên thường gọi là Tú Sáu. Còn trẻ ông đã tỏ rõ là người hào kiệt, phóng khoáng. Cùng học với ông có Bùi Uyển là cháu gọi ông bằng chú. Hai ông đều là học trò Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị. Bùi Uyển sinh năm Nhâm Thìn (1832) kém chú 8 tuổi, là người thông minh, chăm chỉ học hành, ham thích văn chương, văn võ song toàn. Tuy tính tình có khác nhau, cả hai chú cháu đều yêu nước chống Pháp xâm lược.Hai chú cháu cùng thi một khoa Mậu Ngọ (1858) Cháu đỗ cử nhân, chú đỗ tú tài. Bùi Cẩm không thích “Quan lộ”, ông thường du ngoạn khắp nơi kết bạn với các quan lang xứ Mường, đánh phá các nhà giầu cứu giúp dân nghèo. Ông tìm bạn Nga Sơn (Thanh Hóa), Uông Bí (Hồng Gai) mưu cầu đánh Pháp.Còn Bùi Uyển theo lời khuyên của thầy học Phạm Văn Nghị, tạm ra giữ chức tri huyện Thủy Nguyên, nên gọi là Huyện Thuỷ Đường.Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Mùa xuân năm Canh Thân (1860) Phạm Văn Nghị tổ chức đội nghĩa dũng trên 400 người, tình nguyện vào Nam đánh Tây. Trong đội quân ấy có 5 cử nhân, 8 tú tài, Bùi Cẩm và Bùi Uyển tham gia đắc lực. Bùi Cẩm giữ chức xuất đội, Bùi Uyển giữ chức quản cơ.Nhưng Nhà Nguyễn đầu hàng Pháp, cuộc đi ấy của Phạm Văn Nghị không thành. Bùi Cẩm và Bùi Uyển về quê luyện tập, chờ thời cơ.Mười ba năm sau, thời cơ đã đến. Năm 1873 thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần thứ nhất. Bùi Cẩm đóng đồn Hải Lạng, nay là vùng Ninh Cường, Cồn Liêu huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Cùng với Bùi Uyển, dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Nghị đã cắm kè ở ngã ba Độc Bộ nơi tiếp giáp giữa sông Đào và sông Đáy, ngăn chặn đường tiến quân của thực dân Pháp từ Ninh Bình sang Nam Định. Ngày 5-12-1873 sau khi chiếm thị xã Ninh Bình một cách dễ dàng, Pháp đánh chiếm Nam Định. Ngày 10-12-1873 thực dân Pháp qua ngã ba Độc Bộ, Bùi Cẩm, Bùi Uyển chiến đấu quyết liệt. Quân ta bắn gẫy cột cờ tầu địch, giết chết 3 tên, làm bị thương nhiều tên. Nhưng, vì thiếu đạn, quân ta phải rút lui.Cụ Phạm Văn Nghị lui về ở ẩn tại Thạch Bàn xã Trường Yên, trồng sen, câu cá, truyền bá tinh thần yêu nước cho học trò.Cụ Bùi Cẩm lên Lạng Sơn tìm các bạn chiến đấu và mất ở đó.Cụ Tú Sáu Bùi Cẩm để lại cho đời nhiều bài thơ, bài phú. Thơ Phú của cụ đau đáu một tấm lòng với quê hương, đất nước bị thực dân xâm lược. Tinh thần yêu nước chống Pháp của cụ sống mãi trong lòng nhân dân.Bài thơ “Thưởng nguyệt vịnh trăng trên núi Thuyền Rồng” đầy tâm trạng và khí phách của nhà một nho yêu nước đã được khắc vào gảnh lái núi Thuyền Rồng:Trăng chưa già núi vẫn còn nonNúi chưa khuyết, trăng tròn với núiRượu một bầu thơ một túiGóp gió trăng tính cuộc non sôngNúi kia đã tạc chữ đồng
Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng?
I.3. Tiếng mõ Sộp – Ngày 29 – 6 – 1931
Trung Trữ là đất hiếu học. Thời Minh Mệnh, ông Bùi Quốc Trinh học giỏi nhưng nhà nghèo. Ông chuyên giã gạo thuê lấy tiền ăn học. Sau khi đỗ đạt làm quan Án Sát, về quê ông tặng 4 xóm 4 cối đá giã gạo. Ông mua mấy chục mẫu ruộng làm đất “học điền”, xây nhà “học xá” để làm lớp học và hội họp.Noi gương ông, con cháu đều hiếu học. Năm học 1925 – 1926 cả tổng La Mai chỉ có 1 trường tiểu học La Mai. Số học sinh Trung Trữ đông hơn La Mai và các làng khác, các bô lão trong làng làm đơn xin với Tuần phủ Ninh Bình cho chuyển trường về Trung Trữ hoặc mở thêm trường mới. Năm học 1926 – 1927 trường Tiểu học Trung Trữ được thành lập tại đình Trung Trữ. Thầy giáo Nguyễn Văn Quế người Sơn Tây được điều về đây dạy học. Thầy Quế đã tuyên truyền ảnh hưởng của Quốc Dân đảng ở Trung Trữ, khơi dậy lòng yêu nước, căm ghét Pháp xâm lược trong nhân dân. Thầy đã gây dựng được 1 tổ gồm 8 người, là các ông: Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Bùi Hồng Ân, Đinh Hữu Toại, Bùi Bổng, Vũ Khôi, Đinh Thế Hân, Vũ Xương.Đánh hơi thấy phong trào yêu nước, thực dân Pháp cho tay sai theo dõi, tháng Ba năm 1929 chúng bắt thầy giáo Quế khi thầy đi công tác ở Thị xã Ninh Bình. Sau đó chúng điều thầy giáo Quế lên Cao Bằng dạy học.Cuối năm 1929 thầy giáo Phạm Quang Thẩm được điều về dạy học ở trường Tiểu học Trung Trữ. Phạm Quang Thẩm đã mang ánh sáng Cách mạng về đây.Phạm Quang Thẩm quê làng Chi Phong, tổng Thái Phú, huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Đồng chí Lưu Văn Uý công nhân mỏ than Mạo Khê, bị mất việc đã cùng Phạm Quang Thẩm về Trung Trữ cùng Phạm Quang Thẩm tuyên truyền cách mạng. Do chưa bắt được liên lạc với tổ chức Đảng nên các đồng chí chưa biết chủ trương lựa chọn những người tích cực trong Thanh niện cách mạng đồng chí hội để tổ chức vào đảng Cộng sản. Đồng chí Phạm Quang Thẩm thành lập tổ chức cách mạng gồm 6 người. Đó là: Phạm Quang Thẩm, Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Bùi Hồng Ân, Đinh Hữu Toại, Đinh Thế Hân (và Vũ Xương kết nạp sau).Vào khoảng tháng 12 năm 1930 đồng chí Nguyễn Doãn Chấp (tức giáo Mã, Lý Đình Rù, Hai Nghệ…) quê Thanh Hóa, Tỉnh uỷ viên Ban chấp hành tỉnh đảng bộ Nam Định phụ trách thôn bộ bắt liên lạc với Phạm Quang Thẩm. Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lựa chọn những hội viên tích cực của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tổ chức một chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng, gồm 5 người: Phạm Quang Thẩm, Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Đinh Hữu Toại, Bùi Hồng Ân, do đồng chí Phạm Quang Thẩm làm bí thư.Đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Gia Khánh và cũng là một trong các chi bộ thành lập sớm ở Ninh Bình. Từ chi bộ Trung Trữ cơ sở cách mạng lan truyền sang các thôn Thanh Khê, Bạch Cừ huyện Gia Khánh, Thượng Hòa, Địch Lộng huyện Gia Viễn. Chi bộ đã lấy hang Miếu Nội Trung Trữ làm nơi thành lập. Đồng chí Phạm Quang Thẩm đã viết lên vách hang đá hai chữ “Việt Cường” bút danh của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp – nêu cao tinh thần tự cường của dân tộc. Từ đây hang miếu Nội còn có tên là hang Việt Cường – tên gọi của các đồng chí cách mạng.Sau đó chi bộ thành lập các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Phụ nữ giải phóng. Đồng chí Phạm Quang Thẩm lấy hang “Giai nhân” ở núi Chùa làm nơi đọc sách báo của thanh niên.Sau khi đã thống nhất và chắp nối các tổ chức cách mạng ở vùng nông thôn hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định, Tỉnh uỷ Nam Đinh quyết định ra tờ báo bí mật phục vụ chỉ đạo phong trào cách mạng ở vùng nông thôn, lấy tên là “Hưởng ứng” với ý nghĩa là hưởng ứng phong trào Xô Viết nghệ Tĩnh. Đầu năm 1931 Tỉnh uỷ Nam Định đã chuyển cơ sở in báo từ thôn An Cừ huyện Ý Yên về hang Miếu Nội Trung Trữ. Đồng chí Phạm Quang Thẩm chịu trách nhiệm nội dung, bài vở do Tỉnh uỷ chỉ đạo. Tổ in ấn do đồng chí Lưu Văn Uý làm tổ trưởng, và các đồng chí Nguyễn Viễn, Đinh Hữu Toại, Nguyễn Ninh.Báo “Hưởng ứng” cùng với nhiều tờ truyền đơn, tài liệu tuyên truyền cách mạng được ấn hành, phong trào cách mạng ở Trung Trữ được đẩy mạnh hơn nhiều. Nhân dịp kỷ niệm ngày Lê Nin từ trần 21 – 4 chi bộ Trung Trữ đã tổ chức cắm cờ búa liềm có đề 5 chữ “Đông Dương Cộng sản đảng” trên núi Nhội và trụ cầu Gián Khẩu. Đồng thời rải truyền đơn khắp các ngả đường từ làng ra đường cái. Năm chữ Đông Dương Cộng sản đảng do đồng chí Nguyễn Ninh viết bằng tay trái ở hang miếu Nội. Tổ cắm cờ núi Nhội gồm có Nguyễn Kiện, Nguyễn Ninh, Nguyễn Tốn. Tổ cắm cờ ở cầu Gián Khẩu gồm có Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Đinh Hữu Toại và thiếu niên Đinh Văn Khoáng. Kế hoạch cắm cờ đã thành công rực rỡ.Các tài liệu, báo chí của đảng được truyền tay, thơ ca cách mạng được truyền miệng trong nhân dân. Phong trào luyện tập võ, tập quyền khá rộng rãi. Một số người đánh dao bảy, rèn dao quắm làm vũ khí chuẩn bị lên đường tranh đấu ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.Tháng 4 năm 1931, chuyển sang in báo “Dân cày” tờ báo của Tỉnh uỷ Nam Định phát hành từ 1-1- 1929. Tờ báo “Dân cày” in được 1 số ở Trung Trữ thì phong trào bị khủng bố. Tổ in thu nhỏ hoạt động không in báo cho tỉnh, chỉ in truyền đơn tuyên truyền.Ngày 6-5-1931, Tri huyện Gia Khánh về trường Tiểu học Trung Trữ bắt đồng chí Phạm Quang Thẩm. Cơ sở đảng không bị lộ, phong trào vẫn phát triển.Vụ chiêm năm 1931, hạn hán kéo dài, mùa màng thiệt hại nặng, sưu cao thuế nặng, đời sống của nhân dân ngày càng cùng quẫn. Trước tình hình đó Đảng bộ Tỉnh Ninh Bình triệu tập hội nghị liên huyện Gia Viễn, Gia Khánh, Nho Quan họp tại nhà ông Đinh Văn Đợt thôn Trung Trữ, bàn thực hiện chủ trương của Tỉnh Đảng bộ vận động quần chúng lên đường đấu tranh ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hội nghị nhất trí mục tiêu của cuộc đấu tranh là chống sưu cao thuế nặng để nhân dân đỡ khổ. Tư tưởng chỉ đạo là phải kiên quyết, dùng hình thức đấu tranh hợp pháp để đạt mục đích mà địch không có cớ đàn áp. Vì vậy phải nhẫn nại vận động nhân dân làm đơn và kéo lên Tỉnh xin khất thuế.Để tập dượt quần chúng qua đấu tranh trực diện với kẻ thù, làm cho họ tin vào sức của mình, tin vào đảng, bước đầu phải lãnh đạo nông dân đấu tranh trực diện với chủ ruộng, đòi tăng kì được công gặt, lấy cớ phải tăng công gặt mới có tiền nộp thuế cho Nhà nước. Thực hiện mục tiêu đấu tranh đòi giảm bớt sưu cao cho dân, Đảng bộ Ninh Bình nêu khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, như “khất thuế”, “ khất sưu”, xin “nộp dần”, xin “phân trưng” (tức nộp dần, nộp một nửa cho đến khi nộp hết trong một thời gian nhất định).Cuộc đấu tranh đòi tăng công gặt ở Trung Trữ trở nên quyết liệt, khi chủ ruộng và nông dân xô xát trên đường làng. Lý trưởng được thuyết phục trước, đã khéo léo khuyên nhủ chủ ruộng rút về nhà. Phần đông điền chủ đã chấp nhận tăng công gặt, nhưng còn một số ngoan cố làm đơn kiện lên Hội đồng hương lý. Sáng ngày 20 – 5 (4-4 Tân Mùi) Hội đồng Hương lý họp tại đình Trung Trữ bàn vấn đề công gặt. Chi bộ đưa một số nông dân ra đình đấu tranh làm áp lực chính trị, đồng thời giao nhiệm vụ cho hội viên nông hội đỏ có chân trong Hội đồng hương lý đấu tranh với bọn hương lý ngoan cố. Cuối cùng Hội đồng hương lý lập biên bản xác nhận công gặt từ 4 gánh lấy 3 đon lên mức 4 gánh lấy 1 bó. ( tức 8 bó lấy 1 bó).Có kinh nghiệm của cuộc đấu tranh đòi tăng công gặt, thực hiện chủ trương của đảng bộ Ninh Bình “Phát động cao trào đấu tranh chống thuế vào tháng 6 – 1931”. Tối ngày 28-6-1931 (13-5Tân Mùi) các chiến sĩ cách mạng họp nông dân tại điếm xóm Đông bàn kế hoạch sáng sớm hôm sau đi biểu tình chống thuế. Chi bộ chọn khẩu hiệu “khất sưu” cho phù hợp với tình hình. Trong cuộc họp này chi bộ đã vận động nông dân làm đơn khất sưu với lý do mất mùa, tiền công rẻ mạt, đời sống khó khăn, không công ăn việc làm. Theo kinh nghiệm của xã Vân Trình nông dân kí đơn vòng tròn từ dưới lên để địch không phát hiện người đứng đầu đơn mà bắt bớ. Có 177 người kí vào đơn. Hội nghị cử ra ban đối chất, ban trật tự, có bộ phận liên lạc trong và ngoài. Thống nhất yêu cầu, mức độ đấu tranh, đảm bảo thắng lợi. Hội nghị nhất trí lấy tiếng mõ gốc cây sộp trước cửa Miếu Nội làm hiệu lệnh.Sáng sớm ngày 29 tháng 6 năm 1931, ông Nguyễn Ngôn đánh 3 hồi 9 tiếng mõ Sộp, từng tốp từ ngõ xóm tập trung tại điếm xóm Đông, lên đường kéo về Tỉnh “khất thuế”. Đoàn có 300 người. Đến cầu Huyện nông dân các làng Thanh Khê Hạ, Áng Ngũ, Đại Áng… cũng tham gia. Đoàn biểu tình lên tới 500 người. Đoàn đến Đới Nhân, Tri huyện Phạm Lệ cho lính ngăn lại không nổi, liền về tỉnh kêu Tuần phủ và Chánh sứ. Viên Chánh sứ Morlo sai Tuần phủ Phan Đình Hòe và Cẩm Tây đem lính đón đường giải tán “đám biểu tình”. Gần đến Thị xã Ninh Bình, đoàn biểu tình bị bọn lính có vũ trang chặn lại, Cẩm tây, Tuần phủ không chịu nhận đơn. Hai bên giằng co căng thẳng. Tên Cẩm tây hô lính giương súng dọa bắn. Đoàn biểu tình cứ đi, ông Bùi Xích phanh áo ngực và hô: “Đây! cứ bắn đi! Dù chết cũng không lui”. Ông Bùi Hoa Hạnh bị Cẩm Tây hành hung, ông dùng võ suýt quật ngã tên này, nhưng bị lính bắt dẫn về nhà pha. Lập tức có tiếng hô: “Ta đi cả vào nhà pha, chết đống hơn sống một người”. Cuối cùng Tuần phủ Phan Đình Hòe đứng ra hứa sáng mai sẽ về đình Trung Trữ giải quyết.Sáng ngày 30-6-1931 chánh sứ Ninh Bình Từ Nguyên Mạc về đình Trung Trữ tìm người cầm đầu. Dân lại kéo về đình thêm đông. Thấy vậy, Từ Nguyên Mạc bảo dân làm đơn khác kí tên tại chỗ, rồi nhận đơn đem về Tỉnh.Kết quả cụ thể năm ấy được giảm 10% tiền sưu,( tức 0,25đ bằng 18 kg thóc).Mấy ngày sau, Từ Nguyên Mạc cho tay sai về Trung Trữ bắt đi 21 người. Không có bằng chứng gì, chúng vẫn mở phiên toà xử án tù 11 người từ 6 tháng đến 1 năm hoặc án treo.Khoảng tháng 9 năm 1931 đồng chí Nguyễn Doãn Chấp bị bắt tại Ý Yên trên đường đi công tác. Phong trào ở Trung Trữ mất liên lạc. Đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt gần hết. Phong trào cách mạng ở Trung Trữ tạm lắng xuống!Nhân dân Trung Trữ lấy ngày 29 tháng Sáu làm ngày truyền thống quê hương. Và, ngày này cũng là ngày truyền thống của nông dân huyện Hoa Lư.• Cụ lão thành cách mạng Lưu Văn Úy (1908-1984) người làng Chi Phong tỉnh Thái Bình cùng đồng chí Phạm Quang Thẩm hoạt động cách mạng thời kì 1930-1931, năm 1963 về thăm Trung Trữ cụ có thơ :Trung Trữ danh lam thắng cảnh hayNinh Giang lịch sử cũng nơi nàyMột chin ba mươi năm có ĐảngTung bay cờ đỏ sáng từ đâyHuyện lệ quan Tây đều bó gốiĐịa chủ cường hào phải khoanh tayBộ mặt làng thôn nay đổi mới
Đồng quê bát ngát rạng trời mây.
I. 4. Khởi nghĩa ngày 18 tháng 8 năm 1945
Giữa năm 1943 phong trào cách mạng ở Trung Trữ được phục hồi và lên dần. Tháng 7 năm 1944 đồng chí Nguyễn Tốn (tức Đông) và đồng chí Nguyễn Hiến (tức Bắc) được kết nạp vào đảng và nhận nhiệm vụ xây dựng lại cơ sở. Hai đồng chí sinh hoạt ghép với chi bộ Thanh Khê.Cuối năm 1944 đồng chí Nguyễn Văn Ất cán bộ tỉnh về công tác cùng sinh hoạt với hai đồng chí Đông và Bắc, thành lập chi bộ đảng Trung Trữ do đồng chí Ất phụ trách. Đây là lần thứ hai chi bộ đảng được thành lập ở thôn Trung Trữ.Đầu năm 1945, các tổ chức nông dân, thanh niên, phụ nữ cứu quốc được thành lập. Tháng 3 năm 1945 thành lập Mặt trận Việt Minh. Khoảng tháng 6 năm 1945 Việt Minh gây dựng cơ sở ở La Mai, La Vân và Bãi Trữ. Đội tự vệ chiến đấu có 15 đội viên. Bề ngoài mang tên “Bảo An Đoàn”, thực chất là đội tự vệ chiến đấu ở địa phương. Đêm nào anh em cũng ra hang Miếu Nội tập luyện sử dụng súng chuẩn bị chiến đấu.Đầu tháng 6 năm 1945 đội võ trang tuyên truyền tổ chức cho đồng chí Nguyễn Thị Liên cán bộ ban Tỉnh uỷ lâm thời về đình Trung Trữ diễn thuyết công khai.Tháng Tám năm 1945 trời đổ mưa mấy ngày liền, lũ rừng đổ về, nước ngập đường làng, lém vào sân. Ngày 18 tháng 8 năm 1945, nhân phiên chợ Trữ, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Trung Trữ đã nổ ra.Từ nửa buổi sáng ngày 18 Trung Trữ như rung lên: trống, chiêng, thanh la, tù và, mõ tre.. và những tiếng hô, hò reo vang vọng khắp làng. Từ các xóm hai đoàn thuyền, mỗi đoàn chừng 30 chiếc chở đầy người mang theo cờ đỏ sao vàng, gậy gộc, câu liêm, đòn càn…Theo hai hướng đổ về đình làng dự “lễ ra mắt Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời xã Trung Trữ”. “Đội Bảo an đoàn” trở lại mang tên vốn có “Đội Tự vệ Việt Minh”, súng trong tay đứng nghiêm trước kỳ đài. Ông Nguyễn Hiến bước lên bục, long trọng tuyên bố:- Chính quyền thân Nhật ở tổng, làng, bị bãi bỏ.- Mặt trận Việt Minh thành lập Uỷ ban Cách mạng lâm thời để điều hành mọi công việc bắt đầu từ hôm nay, ngày 18 tháng Tám năm 1945.- Uỷ ban gồm 5 vị:* Ông Nguyễn Hiến Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh xã làm Chủ tịch.* Ông Đinh Duy Thận bí thư Hành chính* Ông Nguyễn Tốn uỷ viên Quân sự* Ông Bùi Hữu Khang uỷ viên Văn hóa Xã hội* Bà Lê Thị Tớng uỷ viên Tài chính.Năm vị đứng thành hàng dưới tấm phông lễ ra mắt…Anh Đinh Khắc Tiệp, giơ tay hô lớn “Ủng hộ Uỷ ban Cách mạng lâm thời xã”. Tiếng hô “Ủng hộ Ủy ban Cách mạng lâm thời xã” vang lên. Sân đình ầm ầm khí thế. Kết thúc cuộc mít tinh, các thuyền lại theo hai hướng tuần hành về các xóm.Ngày 20/8/1945 Nhân dân Trung Trữ cùng nhân dân các xã, các huyện đi lấy Tỉnh
Ngày 21/8/1945 ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời các xã Bãi Trữ, La Mai, La Vân, Phong Phú. (Chỉ trong vòng 5 ngày các thôn trong xã Ninh Giang hiện nay đã giành chính quyền thắng lợi) .
I. 5. Chín năm đánh Pháp
Công binh xưởng Trung Trữ:
Vào tháng 10-1946, ông Binh Cường lính thợ của Pháp bỏ ngũ về quê đã chế thử một quả lựu đạn, ném nổ thành công. Tháng 11-1946 Uỷ ban Hành chính xã Trung Sơn quyết định thành lập tổ sản xuất lựu đạn để trang bị cho du kích của xã. Gồm các ông: Binh Cường, Đinh Trố, Đinh Tuý, Đội Xứng, Đinh Boa, Đinh Ngữu, Bùi Tuyển, Đinh Ngọc Nãi, Vũ Rơi. Địa điểm sản xuất đặt ở nhà ông Đinh Diếu, xã điều cho hai bễ lò rèn của ông Phoọng và ông Nhung. Nguyên liệu là xoong, nồi, cuốc cùn, liềm hái…do đội Thiếu niên Cứu quốc thu nhặt, quyên góp. Ban đầu lò nấu đặt ngoài trời, đốt bằng than củi, gang không chảy. Sau chuyển về 3 gian nhà tranh chuyên chăn tằm ươm tơ của bà Ký Kiểm, gang chảy nhưng có khả năng cháy nhà. Sau đó chuyển về nhà bà Lý Thức lợp ngói. Một tháng đúc được 150 vỏ lựu đạn.Ông Lương Nhân tỉnh uỷ viên, uỷ viên Quân sự (sau này là Thiếu tướng Cục trưởng Cục Hậu cần) về xem xét và quyết định thành lập xưởng sản xuất vũ khí của tỉnh Ninh Bình đặt tại chùa Trung Trữ. Điều 10 người đến nâng cao tay nghề tại Công binh xưởng K1 trung đoàn 34 đặt tại hang Luồn xã Trường Yên. Mời ông Ninh Văn Tràng thợ cả nghề đúc Tổng Xá – Ý Yên – Nam Định cùng 2 thợ, đem theo nồi nấu gang, vật liệu làm khuôn vào giúp. Ông Tài Quy chủ xưởng sửa chữa Ô tô duy nhất của Thị xã Ninh Bình lúc bấy giờ ủng hộ 1 máy nổ, 2 cỗ máy tiện, máy khoan và toàn bộ dụng cụ êtô, đe búa… Tỉnh huy động 3 thuyền ván đinh (loại 50 tấn) chuyên chở toàn bộ ống gang dẫn nước sạch bóc dỡ (tiêu thổ kháng chiến) từ Thị xã Ninh Bình về Trung Trữ làm nguyên liệu sản xuất vũ khí.Đến tháng 2 năm 1947 số thợ lên đến 50 người, gồm 40 là người Trung Trữ, sản xuất tại xưởng, ăn ngủ tại nhà mình và 10 thợ từ Tổng Xá và K1 đến đều ăn nghỉ tại nhà bà Lý Thức. Bà nuôi 10 thợ này trong 3 tháng ròng rã.Ngày 10 -2 -1947 lô lựu đạn đầu tiên 200 quả ra lò. Anh Đinh Trố ném thử tại chân núi Thuyền Rồng, lựu đạn nổ ngay khi đập làm nát bàn tay (bị nhiễm trùng, anh đã hy sinh).Điều chỉnh lại, ngày 20-2-1947 ông Vũ Xứng ném thử ở sau đình bị thương cụt bàn tay.Lần thử thứ 3, ngày 10-3-1947 Đinh Thợng xung phong ném thử tại vườn Bái, thành công mỹ mãn..Đến ngày Pháp đánh ra Ninh Bình (23-3-1947) xưởng đã sản xuất được 2.500 quả lựu đạn, 300 quả mìn cung cấp cho bộ đội, du kích trong tỉnh.`
Do xưởng sản xuất đặt tại chân núi Chùa chỉ cách bốt giặc Hoàng Đan 2 km nên tháng 5-1947 Tỉnh quyết định chuyển xưởng về làng Văn Lâm thuộc vùng núi Tam Cốc xã Ninh Hải, mang tên K2.
Rèn cán luyện binh
Ngày31-1-1947 Chi bộ đảng Trung Trữ được thành lập lại lần thứ 3.
Tháng 3-1947 Tỉnh uỷ Ninh Bình tổ chức lớp huấn luyện cán bộ tại chùa Trung Trữ, nhằm chống lại bọn phản động đội lốt tôn giáo nổi loạn ở Phát Diệm, Khánh Nhạc, đồng chí Đỗ Mười với cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Binh đã về dự. Đồng chí Đặng Kim Giang với cương vị Chủ tịch Liên khu 3 chỉ đạo dẹp bọn phản động, bắt tên Cai Khoan giải về chùa Trung Trữ.Tháng 2-1954 để chỉ đạo nhổ bốt Hoàng Đan, mở đầu cho việc giải phóng đồng bằng hạ lưu sông Đáy, đồng chí Lương Nhân chính uỷ Sư đoàn 320A đã lấy chùa Trung Trữ làm trụ sở tiền phương của sư đoàn.Thời kì chống Mỹ, chùa Trung Trữ, núi Gòi là nơi sơ tán của Tỉnh đoàn Ninh Bình, Trường Đảng tỉnh, Trường Ba đảm đang tỉnh. Hang Miếu Nội được sửa sang thành Hội trường của Huyện uỷ, UBND huyện Gia Khánh.
Ngày 14-4-1967 hang Miếu Nội là nơi họp Đại hội Đại biểu Huyện đảng bộ Gia Khánh lần thứ 9. Đại hội đã phát động tinh thần yêu nước, yêu Chủ nghĩa Xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đẩy mạnh phong trào vừa chiến đấu vừa sản xuất, chống thiên tai địch hoạ, đảm bảo đời sống nhân dân. Tại hang Miếu Nội ý chí quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược đã tỏa đi toàn huyện.
Trận chống càn đầu tiên của du kích Trung Trữ.
Ngô Quang Triên
Đến đầu năm 1948 xã Trung Sơn có một trung đội du kích 35 người (Trung Trữ 32, Bãi Trữ 1, Phong Phú 2), một đại đội dân quân (bao gồm cả Bạch đầu quân ở 3 thôn) gần 200 người, một đội cứu thương 10 người (có 6 nữ), một đội tiếp tế 8 người và một tổ quân báo liên lạc 6 người. Trung đội du kích được xã cấp 2 mẫu ruộng để sản xuất tự túc lương thực, mua vải may trang phục thống nhất. Biên chế thành 3 tiểu đội, đứng chân chủ yếu tại thôn Trung Trữ. Xóm Đông 1 tiểu đội do anh Ngô Chung làm tiểu đội trưởng, xóm Tây 1 tiểu đội do anh Vũ Như Quyến làm tiểu đội trưởng, xóm Nam 1 tiểu đội do anh Đinh Thế Thư trung đội phó kiêm tiểu đội trưởng. Ông Nguyễn Ninh xã đội trưởng kiêm trung đội trưởng du kích. Trang bị có 4 súng trường, mấy trăm quả lựu đạn, gần 100 quả mìn muỗi, 3 quả bom cải tiến thành địa lôi, còn lại là dáo mác, mã tấu, kiếm… do từng đội viên tự sắm. Trung đội du kích có nhiệm vụ chính là chiến đấu giữ làng và sẵn sàng cơ động đi chiến đấu do huyện đội điều động nếu được huấn luyện tốt các nội dung võ thuật, dùng kiếm, đao, kiếm, dáo, mác… đâm chém bù nhìn, tập sử dụng lựu đạn, chôn địa lôi, gài mìn muỗi, tập sử dụng súng và xạ kích, tập các động tác vận động: đi khom, bò, lăn…, tập chiến thuật du kích.Giữa năm 1948 tham gia đại hội “luyện quân lập công” do Liên khu 3 tổ chức, trung đội du kích Trung Sơn đoạt giải nhất khối du kích xã được Liên khu thưởng 1 khẩu súng trường .Đại đội dân quân do các bậc trung và cao niên tự nguyện tham gia. Tổ chức trung đội ở thôn, tiểu đội ở xóm. Trang bị chủ yếu là gậy, dao quắm, đinh ba… Nhiệm vụ chính là đôn đốc dân làng sơ tán, tản cư, giữ gìn an ninh, chữa cháy, bảo vệ tài sản khi dân đi tản cư.Tổ liên lạc quân báo của xã đội có 6 đội viên là thiếu niên được tuyển chọn gồm Đinh Văn Truyên sau này đổi tên là Đinh Hữu Nam, Đoàn Văn Cánh (xóm Nam), Bùi Đức Vượng, Vũ Bính (xóm Tây), Ngô Văn No (Ngô Quang Triên). Đinh Tỉnh (xóm Đông). Đinh Văn Truyên là tổ trưởng. Mỗi đội viên được trang bị 2 quả lựu đạn, 1 dao găm (tự rèn).Xã Trung Sơn nói chung, làng Trung Trữ nói riêng không xây dựng làng kháng chiến như La Mai. Ở các ngả đường từ ngoài vào làng đều làm cổng chống bằng tre khá vững chắc, lập các trạm gác hàng ngày mỗi trạm gác có 2 dân quân canh gác, kiểm tra giấy tờ. (Đội viên thiếu niên được yêu cầu tham gia nếu cả 2 dân quân chưa biết chữ). Làng Trung Trữ đã chuẩn bị chiến đấu: Đục tường làm đường cơ động nhà thông nhà để dân quân du kích vận động được nhanh, bí mật khi đánh địch. Một trong những con đường đó mà người kể chuyện này đã đi lại nhiều lần khi chiến sự diễn ra: từ chùa men theo chân núi – miếu ngoại (nay là trường Tiểu học) men theo bờ tre – vượt ngòi cạn qua đường vào sân vườn nhà ông Tràng – nhà cụ Tế Ản – nhà ông chánh Xế – nhà ông Ỉnh (Kế) – nhà cụ Sờng – nhà ông Thơ Côn – nhà ông Lang Chư – nhà ông Súy – nhà ông Thiệp (Cọc) – từ đường họ Ngô – nhà ông Ớm – nhà bà Quơn – nhà anh Trạo – nhà chú Vinh – nhà cụ Goanh (anh Diếu) – nhà cụ Lý Cửu – nhà chú Hượn – nhà chú Dưỡng rồi vượt con ngòi cạn và qua đường vào sân vườn nhà ông Túc nơi đóng quân của tiểu đội du kích xóm Đông. Trung đội du kích đào các hầm bí mật. Mỗi hầm chỉ một số đội viên biết để ẩn nấp khi làng xóm bị càn quét ác liệt. Sau này tôi được biết tiểu đội du kích xóm Đông có 2 hầm: một hầm ở vườn xoan nhà cụ Goanh (Diếu) một hầm ở sân vườn nhà ông Ộp; xóm Tây có 2 hầm: một ở sân vườn nhà anh Sanh, một ở vườn tre nhà bác Kỷ (Ỷ). Mỗi hầm đều có 2 cửa: cửa vào có nắp đạy là chum vại hoặc thúng tro đi giải hoặc mâm bún (bằng đá để vò vải sợi trong công đoạn dệt), cửa ra thông ra ao. Trên đường làng đều có dự kiến trước địa điểm để khi giặc vào, dân quân du kích chặt cây, xếp đá hộc, đặt chướng ngại vật, gài mìn muỗi…có chỗ gài vỏ lựu đạn dòng dây thép từ đống chướng ngại vật lộ ra ngoài để lừa địch “có mìn” phải dừng lại tháo gỡ, chậm bước tiến, tạo cơ hội cho du kích chặn đánh.Hai lần quân Pháp từ Nam Định theo đường sông đánh ra Ninh Bình. Lần thứ nhất vào cuối tháng Ba năm 1947, chúng bị chặn đánh mạnh ở bến Sanh – chùa He (Yên Khánh) chùa Bát, cầu Lim (TX Ninh Bình). Địch lấy Gián Khẩu làm bàn đạp đánh lên Nho Quan, nhưng 1 tầu bị tổ Badôca của Bùi Hữu Thức chỉ huy bắn cháy, chúng phải lui quân về Nam Định. Cuộc tấn công này, địch nhằm thăm dò lực lượng và khả năng kháng chiến của quân và dân ta.Sau thất bại trong chiến dịch Thu Đông năm 1947 đánh lên Việt Bắc (15/10 đến 19/12 năm 1947) quân Pháp quay lại đồng bằng mở rộng vùng chiếm đóng địa bàn lắm của người đông, đánh phá triệt hạ các cơ sở kháng chiến của ta. Để hỗ trợ cho lực lượng mở rộng vùng chiếm đóng ra Lê Xá (Bình Lục – Hà Nam); Chanh Chè (Thanh Liêm – Hà Nam; Cổ Đam ( Ý Yên – Nam Định). Ngày 17 tháng 1 năm 1948 địch dùng tầu chiến và ca nô chở 200 quân theo sông Đào, sông Đáy lên chốt giữ Gián Khẩu. Ban ngày cho tầu chạy dọc sông Đáy qua Khuốt đến Kẽm Trống thì quay lại Gián khẩu ngủ qua đêm. Mờ sáng ngày 3/2/1948 chúng bao vây và tiến công triệt phá làng kháng chiến La Mai. Hoàn tất cuộc hành quân này chúng lại rút về Nam Định.Lần thứ ba địch đánh ra vùng tự do Ninh Bình với mục đích triệt phá tiềm năng kháng chiến của ta, đánh phá triệt để các cơ sở sản xuất vũ khí của ta đặt ở vùng núi đá Văn Lâm, Vũ Lâm, Trường Yên. Mọi người đều biết tháng Ba năm 1947 địch đánh ra Ninh Bình lần thứ nhất, một xưởng sản xuất vũ khí của ta đặt tại nhà Bà Lý Thức và Chùa Trữ vẫn tồn tại, vì vậy Trung Trữ cũng là mục tiêu tấn công lần thứ 3 này của địch. Ngày 9/12/1948 địch huy động 1 binh đoàn hơn 2.000 quân gồm cả lính đánh ở địa bàn rừng núi đánh ra Ninh Bình. 1 đại đội hơn 150 tên chốt ở Gián Khẩu. Nhân dân xã Trung Sơn được lệnh tản cư. Du kích và 1 bộ phận dân quân triển khai chuẩn bị chiến đấu. Những vị trí dựng chướng ngại vật bắt đầu xếp đá, dựng đồ vật, chặt cây. Bom (địa lôi) được gài sẵn ở đầu Cầu Gỗ (xóm Đông), cống Đá Dựng (xóm Tây), Ngã tư cây gạo (xóm Nam). Một đài quan sát đặt trên đỉnh núi Chùa do 2 đội viên liên lạc – quân báo Ngô Văn No và Bùi Đức Vượng đảm nhiệm. hàng ngày 2 anh dùng chiếc ống nhòm bội số 8 (do ông Thông Đĩnh tặng xã đội) thay nhau theo dõi địch ở Gián Khẩu và sông Hoàng Long, nếu phát hiện thấy địch di chuyển quân vào làng thì gõ kẻng báo động, dùng loa báo cho dân làng, du kích biết và báo cáo với xã đội trưởng đặt sở chỉ huy ở sân Chùa để chỉ huy du kích sẵn sàng đánh địch.Khoảng 7 giờ sáng ngày 19/12/1948 đài quan sát báo cáo với xã đội có hơn 100 tên địch (106 tên) rời khỏi xóm Đáy – Gián Khẩu theo đường đồng Màu đang tiến về hướng cây đa Văn liễu. Các chiến sĩ dân quân đi đôn đốc những người dân còn lại chạy về khu vực nhà ông Vươn (xóm Nam) khi địch đến thì lội đồng sang Thanh Khê. Các chiến sĩ Du kích đưa các quả mìn đã cài sẵn vào tư thế chờ nổ, chiếm lĩnh vị trí đánh địch. Khi địch qua ngòi Vuông đến gò Con Cá, chúng không tiến theo đường Giữa Đồng đánh vào Trung Trữ mà đánh vào Bãi Trữ. Khoảng 9 giờ sáng đài quan sát báo cáo: từ làng Bãi Trữ, theo đường Đồng Hầu chúng hình thành 2 cánh. Cánh 1 có 45 tên qua nghĩa trang Bãi Trữ theo đường Đồng Hầu tiến về chòm cụ Ởm, ông Xuân; cánh 2 có 60 tên theo đường sát trại ông Tổng Bạch tiến về bến Hàng (bãi rác xóm Tây). Tổ trưởng quân báo – liên lạc Đinh Văn Truyên được xã đội trưởng giao nhiệm vụ xuống xóm Đông lệnh cho tiểu đội trưởng Vũ Như Quyến (mới lên thay tiểu đội trưởng Ngô Chung đi nhận nhiệm vụ khác). “Địch vào Trung Trữ từ hướng xóm Tây – phải có kế hoạch đánh địch từ xóm Tây sang”. Nhận lệnh, Vũ Như Quyến giao nhiệm vụ cho tiểu đội phó Ngô Tuấn tiếp tục chỉ huy tiểu đội, rồi trực tiếp dẫn các anh Đinh Suổng, Vũ Quyện và tổ trưởng quân báo xách túi đựng lựu đạn và mìn muỗi theo đường bí mật chạy về hướng xóm Tây, đến sân nhà ông Thiệp thì nghe tiếng nổ địa lôi ở hướng cống Đá Dựng và tiếng súng nổ từ phía nhà cụ Ởm, ông Xuân. Biết địch đã vào làng, 4 người bảo nhau khiêng chiếc cũi lợn nhà ông Thiệp cùng các dụng cụ cày bừa, cuốc ra đường lập một vật cản nữa và chôn một qủa mìn muỗi dưới vật cản này. Làm xong cả tổ chạy ngược lại sân nhà ông Ớm, bà Quơn chui tường sang sân nhà bà Đỡ (bà Phợn) để chặn đánh địch khi chúng đến ngã ba trước cổng nhà ông Lý Ngẫy. Địch không tiến về phía nhà ông Túc, ông Khuế vì gặp chướng ngại vật cản đường. Chúng ngoặt về phía điếm xóm Đông. Bốn du kích lưng đeo mã tấu, hai tay cầm lựu đạn chui tường về sân nhà cụ phó Lổng đợi địch. Sau khi qua chòm cụ Ởm, ông Xuân, địch chia thành 2 mũi. Mũi 1 qua cổng ông Lý Ngẫy về điếm xóm Đông, mũi 2 qua cổng nhà anh Sanh đến ngã ba nhà anh Trắc (Bút) vòng về phía điếm xóm Đông. Trên đường đi chúng phải dò giẫm, khắc phục chướng ngại vật lại bị tổ xạ kích của các anh Ngô Văn Truyện, Ky và Lê Văn Vy theo lệnh của xã đội trưởng bố trí ở sau Miếu Ngoại bắn vào sườn bọn địch nên chúng tiến rất chậm. Khoảng giữa trưa thì hai toán quân tiến từ 2 mũi gặp nhau ở sân điếm xóm Đông. Chúng nổ súng từng loạt ra xung quanh để uy hiếp du kích, xì xồ nói với nhau những gì không ai nghe hiểu. Bất thình lình theo lệnh của Vũ Như Quyến 8 quả lựu đạn từ tay 4 chiến sĩ du kích từ sân nhà cụ phó Lổng tung ra rơi trúng sân điếm chỗ có đông quân địch nhất. Bị đánh bất ngờ những tên còn sống nổ súng loạn xạ, những tên bị thương kêu rống lên. Tổ du kích luồn tường về phía sân nhà bà Lở sãn sàng đánh địch nếu chúng tiến đến ngã ba ông Phoong (rẽ sang chòm họ Ngô). Nhưng địch đã mất hết tinh thần, gom quân dìu khiêng những tên bị thương quay lại phía đường Đồng Hầu rút sang Bãi Trữ.Cánh quân địch qua trại ông Tổng Bạch sau khi đến Bến Hàng triển khai đội hình, không dám đi trên đường, chúng dàn hàng ngang lội ruộng tiến vào làng. Chiến sĩ du kích Bùi Mâu kéo căng sợi dây thép nối quả mìn tới chỗ anh ngồi có nguy cơ bị địch phát hiện, anh quyết định kéo dây cho nổ – một ánh lửa lóe sáng, một đám khói bùng lên và một tiếng nổ kinh hoàng làm cả cánh quân địch khựng lại đổ sập xuống mặt ruộng, rồi quay đầu tháo chạy tán loạn. bỏ lại hòm đựng 30 quả lựu đạn. Gần trưa chúng tập hợp lại quân, bị chỉ huy thúc ép chúng dò dẫm quay lại, hơn chục tên đột nhập vào làng, phá cổng nhà bà Lý Thức và nhà anh Vũ Như Giản sục tìm chẳng lấy được gì bèn bắn chết mấy con lợn moi lấy tim gan rồi chuồn nhanh, rút khỏi làng.Khoảng 1 giờ rưỡi chiều tiếng loa từ trên đỉnh núi Chùa vang đi: “Địch đang rút quân về Gian Khẩu mang theo 2 cáng thương. Chiều nhân dân quay về đã khá đông. Xã đội trưởng Nguyễn Ninh xuống thực địa xem xét, ông chứng kiến nhiều vũng máu, nhiều cuộn bông băng đỏ còn vương vãi vất lại trên sân điếm xóm Đông, ở cổng nhà ông Thiệp. Một hố bom khá sâu ở mố cống Đá Dựng, hai phiến đá bắc cống vỡ ra nhiều mảnh. Hòm lựu đạn chiến lợi phẩm được tiểu đội trưởng Bùi Kỷ giao lại cho Xã đội trưởng. không một nóc nhà nào bị đốt, không một người dân nào bị giết, không một chiến sĩ du kích nào bị thương vong. Du kích còn chặn đánh liên tục gây cho địch nhiều thương vong, ta thu chiến lợi phẩm 1 hòm lựu đạn 30 quả” Đó là kết luận của Xã đội trưởng báo cáo với Chủ tịch xã. Khoảng 6 giờ chiều Xã đội trưởng quay về sân Chùa gặp cụ Lý Sảng đang chờ. Cụ xin ủng hộ du kích 3 con dê trong đàn dê 20 con chăn thả trên núi Chùa. Ông xã đội mời cụ vào xơi nước và cảm ơn cụ.Hôm sau tôi (Ngô Văn No) được giao nhiệm vụ xuống Thư Điền gửi báo cáo cho huyện đội. Tôi được biết Huyện đội trưởng, huyện đội phó xuống Văn Lâm, Vũ Lâm, Trường Yên nắm tình hình chiến đấu ngày hôm qua của bộ đội và du kích chiến đấu rất ngoan cường diệt hàng trăm tên giặc bảo vệ xưởng KI và K2 an toàn. Những nhân viên của huyện đội và nhân dân Thư Điền nói nhiều về gương chiến đấu của Thiếu niên Đinh Xuân Trình 15 tuổi làm nhiệm vụ quan sát trên đỉnh núi, bị bọn lính Ta Bo (lính đánh rừng) bao vây bắt được, Trình không đầu hàng, anh buông quả lựu đạn mỏ vịt đã rút chốt giết chết mấy tên lính Ta Bo. Trình cũng anh dũng hi sinh. Nghe chuyện tôi liên hệ đến nhiệm vụ ở đài quan sát của tôi và Bùi Đức Vượng ngày hôm qua. Tôi và Vượng đều cùng tuổi với Đinh Xuân Trình.Hai hôm sau chú Thuông báo tin dân xóm Đáy mới chôn một thằng Tây đen bị thương vào cổ, trên đường rút về căn cứ bị đồng bọn bỏ lại. Vậy là trận đánh ngày 19/12/1948 du kích Trung Trữ đã làm chết và bị thương nhiều tên địch, thu 1 hòm lựu đạn.Câu chuyện tôi kể lại hôm nay, vì là người trực tiếp tham gia trận đánh này nên nhiều sự kiện tôi vẫn nhớ như in. Vào những năm từ 2002 đến 2008 mỗi lần về quê, có điều kiện tôi lại hỏi thêm các nhân chứng trực tiếp tham gia trận đánh về các sự kiện mà hồi đó tôi chưa biết ( ví như địa điểm các hầm bí mật). Các anh Ngô Văn Truyện, các chú Ngô Tuấn, Vũ Như Quyến, Đinh Hữu Suổng đã cung cấp nhiều sự kiện quan trọng và chính xác. Tuy nhiên trận đánh đã diễn ra trên 60 năm. Hai năm sau (1950) tôi đi bộ đội nên không được chứng kiến các trận đánh rất oanh liệt sau này của du kích làng ta. Nhưng trận đánh 19/12/1948 là trận đầu du kích Trung Trữ đánh thắng giặc. Chiến công này thật oanh liệt, cần được ghi lại truyền cho các thế hệ con cháu thêm tự hào về du kích làng ta, tự hào về truyền thống đánh giặc giữ làng của ngườiTrung Trữ.Tháng 10 năm 1951, địch chia thành 3 mũi tấn công vào Trung Trữ cướp của, đốt nhà, giết người. Địch bị đánh bất ngờ trên đường làng, ngõ xóm, ở nhiều điểm và bị thương vong nặng nề phải rút chạy, mang theo nhiều cáng thương.Tháng 2 năm 1953, trong chiến dịch Tây nam Ninh Bình, địch lại cho quân càn làng Trung Trữ, Bãi Trữ. Một mặt Du kích đã bố trí trận địa chờ địch vào là đánh. Mặt khác trên đài chỉ huy ngọn núi Chùa đồng chí Đinh Thế Thư bình tĩnh dùng loa sắt chỉ huy (đánh nghi binh) làm cho địch hoang mang rút chạyTháng 3 năm 1953, địch bắn đại bác vào làng giết hại thầy giáo Bùi Hữu Lượng cùng 6 học sinh đang giờ dạy học trên lớp và 4 người dân. Ngày 24 tháng Ba âm lịch (1953) là ngày giỗ của hàng chục gia đình trong làng có người thân bị giặc Pháp giết hại.Nhưng, quân dân Trung Trữ đã anh dũng chiến đấu đánh giặc giữ làng, nêu cao nhiều gương dũng cảm, mưu trí và hi sinh anh dũng. Như anh du kích Đinh Thế Phạn bám sát địch, dùng lựu đạn đánh sát địch, Đinh Thế Thư mưu trí đánh nghi binh địch, Bùi Quyện với thanh mã tấu quần nhau với địch quanh đống rơm, trước khi rút an toàn xuống hầm bí mật.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Trung Trữ có 135 thanh niên đi bộ đội, 26 liệt sĩ. Thôn Trung Trữ và 8 gia đình được tặng bằng “Có công với nước”, 2 gia đình được Tổng bộ Việt Minh tặng “Đồng tiền vàng”.
I. 6 Mười năm đánh Mỹ chi viện Miền Nam
Sau hòa bình lập lại việc đầu tiên là khai hoang phục hóa đảm bảo sản xuất kịp thời vụ. Sửa chữa xây đắp lại các cầu cống, đường xá bị phá hoại trong kháng chiến, đảm bảo giao thông và phát triển kinh tế.Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung Trữ đã trải qua các đợt vận động long trời chuyển đất: “Cải cách ruộng đất” và “Hợp tác hóa nông nghiệp”Cải cách ruộng đất thắng lợi, nông dân được chia ruộng đất vô cùng biết ơn Đảng, Bác Hồ. Thực hiện Nghị quyết 10 của TW đảng về sửa sai, các đảng viên bị nghi oan, bị đình chỉ sinh hoạt được phục hồi đảng tịch và chức vụ công tác.. Một số gia đình bị quy sai được xuống thành phần. Sau sửa sai, nhân dân đoàn kết, càng tin tưởng đường lối của đảng ra sức sản xuất, tiết kiệm xây dựng đời sống và phát triển các phong trào thi đua thực hiện nếp sống mớiNăm 1959, Trung Trữ xây dựng 3 Hợp tác xã nông nghiệp ở quy mô xóm: Đông Phương Hồng, Hồng Kỳ và Nam Tiến, có 91% số hộ vào làm ăn tập thể.Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình phát động phong trào mang tên “Hòn Khoai – Quang Trung” thắt chặt kết nghĩa Ninh Bình – Bạc Liêu, đấu tranh thống nhất nước nhà.Năm 1960, kỉ niệm 30 năm đời ta có Đảng, Trung Trữ đắp con đường “Ba Mươi” nối làng với Quốc lộ 1A. Đường rải đá cấp phối, hai bên trồng xà cừ. Con đường giải phóng đôi vai, đi lên Xã hội chủ nghĩa. Khi giặc Mĩ leo thang phá hoại Miền Bắc, đường 30 được mở rộng nâng cấp thành đường chiến lược, xe tải hạng nặng qua lại lên xuống cầu phao Văn Thân tránh cầu Gián Khẩu bị máy bay Mĩ đánh sập.Vừa sản xuất vừa phục vụ chiến đấu và chiến đấu, Quân và dân xã Ninh Giang cùng bộ đội bắn rơi 3 máy bay Mĩ.Có biết bao gương hi sinh anh dũng, chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm. Điển hình là nữ anh hùng Bùi Thị Thiêm, và anh hùng Bùi Xuân Quý.Chị Bùi Thị Thiêm, đẹp người đẹp nết đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, tận tụy chăm sóc, cứu chữa thương bệnh binh dưới mưa bom bão đạn trong những năm kháng chiến. Chị được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở đời thường, tuy cuộc sống vật chất của gia đình gặp nhiều khó khăn, chị luôn hòa đồng cùng bà con xóm làng xây dựng quê hương, nuôi dạy con cháu trưởng thành.
Về Bùi Xuân Quý, báo Công an Nhân dân viết như sau: Liệt sĩ Bùi Xuân Quý đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1985. Cho đến giờ, đồng đội nhân dân vẫn nhớ, vẫn cảm phục tinh thần anh dũng, kiên quyết tấn công tội phạm của anh. Theo các nhân chứng kể lại thì quãng gần mười giờ đêm ngày 9/5/1984, một tên cướp với vũ khí nóng là 5 quả lựu đạn mỏ vịt, sau khi thực hiện hai vụ tống tiền không thành, đã đột nhập vào Xí nghiệp Cung ứng vật tư xây dựng. Tại đây, tên cướp đã khống chế bảo vệ xí nghiệp, lấy được một khẩu súng trường K44 với đầy đủ đạn dược. Nhận được tin báo, Trung úy Bùi Xuân Quý cùng tổ truy lùng siết chặt vòng vây. Một cán bộ trong tổ bảo vệ xí nghiệp định dẫn tổ truy lùng tiếp cận đối tượng, song vì sợ anh chưa quen đối phó với tên cướp có vũ khí nguy hiểm nên Trung uý Quý đã ngăn lại và vượt lên trước. Mặc dù trời tối, song bằng linh cảm nghề nghiệp, anh Quý đã xác định được chỗ tên cướp ẩn náu, báo cho đồng đội. Lợi dụng trời tối, tên cướp bất ngờ nổ súng làm anh Quý trọng thương. Tổ truy lùng kêu gọi tên cướp ra hàng, song hắn vẫn rất ngoan cố. Tình thế buộc anh em phải dùng lựu đạn cay khống chế, tiêu diệt tên cướp, giải thoát cho anh bảo vệ xí nghiệp và tiếp cận đưa Quý đi cấp cứu. Vì vết thương quá nặng, trên đường tới bệnh viện, Trung uý Quý đã hy sinh. Anh đi vào bất tử.
Tổng kết hai cuộc Kháng chiến, làng Trung Trữ có:523 Bộ đội5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng27 Lão thành Cách mạng2 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân124 Liệt sĩ159 Thương binh8 gia đình được tặng bằng “Có công với nước”,
2 gia đình được tặng “Đồng tiền vàng”.
II. XÂY ĐỜI SỐNG MỚI
Hợp tác hóa nông nghiệp đã xây dựng được cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở của nông thôn “điện, đường, trường, trạm” tương đối hoàn chỉnh tạo điều kiện để nông thôn phát triển toàn diện. Từng bước xóa đói giảm nghèo, đời sống nông dân cả vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Bộ mặt Trung Trữ hoàn toàn thay đổi.Đến nay, làng Trung Trữ không còn hộ đói. Số hộ nghèo chỉ còn dưới 10%. Không còn nhà tranh vách đất, tất cả đã ngói hóa, phần đông là nhà tầng, sân gạch. Nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc. Hầu hết các gia đình đều dùng bếp ga, công trình phụ khang trang, vệ sinh sạch đẹp.Điện đường trường trạm. Bốn mục tiêu này của Trung Trữ nói riêng, Xã Ninh Giang nói chung đều đạt chuẩn đề ra.100% gia đình có điện sinh hoạt. Trạm biến thế đủ điện cung cấp cho các dịch vụ kinh doanh sản xuất, tưới tiêu chống hạn tiêu úng.Đường làng ngõ xóm, đường liên thôn liên xã đều bê tông hóa và nhựa hóa, chấm dứt cảnh đường xá lầy lội. Người già xem đây là một bước thần tiên của miền đồng chiêm trũng. Những con đường “sống trâu bổ chõi” chỉ còn trong tiềm thức.Cách nay ba phần tư thế kỉ, các cụ làng Trung Trữ phải làm đơn xin với quan Tuần phủ cho làng mở trường tiểu học để con em có trường lớp không phải sang làng khác học nhờ. Nay làng có Trường Mẫu giáo, Trường Tiểu học. Xã có Trường Phổ thông Cơ sở. Các trường đều đạt chuẩn quốc gia. Tất cả con em đều được đi học, hầu hết tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Đa số học sinh đều đi học các trường Nghề, Trung học hoặc Đại học, nhiều người học các bậc học cao hơn…
Người làng Trữ xưa, ốm đau trông vào các ông lang, thầy đồ, sinh nở nhờ tay bà đỡ. Nay xã có trạm Y tế khang trang, đủ cơ số thuốc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân.
Báo Ninh Bình đưa tin:Hiện, Trạm y tế xã Ninh Giang có 6 cán bộ, trong đó có 1 bác sỹ, ngoài ra còn có 15 cán bộ y tế thôn bản của xã, hàng tháng trạm tổ chức giao ban, đánh giá kết quả hoạt động của tháng và triển khai nhiệm vụ cho tháng sau. Điểm nổi bật của Trạm y tế xã Ninh Giang là công tác khám, chữa bệnh tại Trạm được chú trọng. Từ đầu năm tới nay, Trạm đã khám bệnh cho 4.328 lượt người. Mọi người đến khám và điều trị tại Trạm đều cảm thấy thoải mái và yên tâm với tinh thần phục vụ chu đáo, tận tình của đội ngũ cán bộ, y sĩ.Với quan điểm dự phòng tích cực và chủ động, Trạm Y tế xã Ninh Giang đã tích cực tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch theo mùa, đặc biệt là cúm A(H5N1), A(H1N1), dịch tiêu chảy cấp, phòng, chống thiên tai, bão lũ… Tư vấn trực tiếp về sức khỏe sinh sản, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống HIV/AIDS, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng…
Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh làng xóm, ăn ở hợp vệ sinh, từng bước xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu không có lợi cho sức khoẻ. Trạm cũng đã phối kết hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, tổ chức tư vấn cho các bà mẹ mang thai. Nhờ đó, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng của xã chỉ còn 17,5%. Với 100% số trẻ trong độ tuổi được tiêm đủ vắc xin phòng bệnh; tất cả trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi được uống bổ sung Vitamin; 100% phụ nữ có thai được khám thai đủ 3 lần, nhờ đó, nhiều năm liền Trạm không để xảy ra tai biến sản khoa .
Công tác dân số trên địa bàn xã cũng được quan tâm chỉ đạo, đội ngũ cộng tác viên dân số đồng thời cũng là cán bộ y tế thôn đã làm tốt công tác truyền thông và cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình cho các đối tượng. Từ đầu năm tới nay, đã có 840 người áp dụng các biện pháp tránh thai. Số sinh 9 tháng đầu năm là 62 cháu, giảm 15 cháu so với cùng kỳ năm 2009. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa giảm còn 20%.
Năm 2008, xã Ninh Giang được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Hàng năm, bằng các nguồn ngân sách, Trạm y tế xã Ninh Giang được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và các trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2011 Trạm y tế xã Ninh Giang tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, củng cố và kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, phấn đấu để người dân có điều kiện được tiếp cận và hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng, mọi người đều được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, phấn đấu giữ vững chuẩn Quốc gia về y tế trong những năm tiếp theo.
Phong trào xây dựng nếp sống nông thôn mới phát triển mạnh. 100% gia đình Văn hóa. Trung Trữ từng có đội văn nghệ, tự biên tự diễn nhiều tiết mục đặc sắc phục vụ các phong trào của địa phương. Đặc biệt năm 1969 bộ phim đèn chiếu “Diệt hổ bảo vệ làng” của Trung Trữ được giải nhất Hội diễn Tỉnh. Nay Trung Trữ có “đội tế nữ quan” phục vụ tế lễ tại đình làng và Hội Đinh Lê hàng năm của tỉnh Ninh Bình. Trung Trữ là làng Có công với nước, làng Văn hóa. Đảng bộ trong sạch vững mạnh.Trung Trữ có đời sống vật chất đầy đủ và tinh thần phong phú. Nhiều người học hành đỗ đạt. Chất lượng dân số cao hứa hẹn nhiều thành tựu mới trong tương lai gần. Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, truyền thống quật cường của quê hương luôn là niềm tự hào và là hành trang quý giá đối với lớp lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi đây. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, người dân Ninh Giang đã và đang làm chủ khoa học công nghệ, làm giàu ngay trên đồng đất quê hương mình.Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Ninh Giang đã đoàn kết, năng động và giành nhiều kết quả mới trong phát triển KT-XH. Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, đưa giống lúa có giá trị hàng hoá cao vào sản xuất. Năng suất, sản lượng lúa tăng cao qua các năm. Năm 2005 đạt 10,8 tấn/ha; năm 2009 đạt 12,41 tấn/ha; năm 2010 đạt 13,1 tấn/ha. Vụ đông xuân năm nay toàn xã gieo cấy 325,36 ha, trong đó diện tích cấy lúa cao sản, lúa chất lượng cao là 110 ha; năng suất lúa bình quân đạt 73,35 tạ/ha.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ về sản xuất vụ đông, Ninh Giang đã phát triển trồng ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau màu các loại. Vụ đông năm 2009-2010, toàn xã trồng 168,72 ha, trong đó có 157,72 ha đậu tương, sản lượng vụ đông quy thóc đạt 335 tấn. Cùng với trồng trọt, xã đã mở rộng, phát triển và đa dạng hoá các loại con nuôi có giá trị hàng hoá cao. Đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều hộ nông dân có thu nhập bình quân hàng năm từ 70 đến 100 triệu đồng. Nhằm giải quyết việc làm cho lao động lúc nông nhàn, trong 5 năm (2005-2010), xã đã mở 7 lớp dạy nghề thêu ren, khâu chăn bông, móc hộp xuất khẩu, may mặc cho 450 người. Các ngành nghề khác như sản xuất vật liệu xây dựng, chất đốt, xay xát, vận tải được duy trì và phát triển, hàng năm giải quyết việc làm cho 300-350 lao động.
Cùng với phát triển kinh tế, diện mạo nông thôn cũng có nhiều khởi sắc với các công trình phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” như trạm Y tế xã trị giá 1,9 tỷ đồng; trường học trị giá trên 2,7 tỷ đồng, trường Mầm non đang được đầu tư xây dựng trị giá 4,5 tỷ đồng, đường giao thông 2,1 tỷ đồng; lắp đặt đường cấp nước sạch cho 3 thôn trị giá 2,5 tỷ đồng… Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên về mọi mặt. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 4,3% theo tiêu chí cũ. Hàng năm, toàn xã có trên 90% số hộ đạt Gia đình văn hoá, 8/8 thôn, xóm giữ vững khu dân cư tiên tiến, 5/5 làng văn hoá và 2/3 cơ quan văn hoá.
Nhưng bức tranh xây dựng nông thôn mới, không chỉ toàn màu sáng thành công. Vấn đề ruộng đất luôn hiện diện trong mọi mặt đời sống của nông thôn. Nhất là ở một làng quê thuần nông, ruộng ít người đông, tấc đất tấc vàng thì chuyển đổi ruộng đất là vấn đề lớn.
Sau cải cách ruộng đất, Trung Trữ xây dưng Hợp tác xã Nông Nghiệp, đã có cuộc chuyển đổi ruộng giữa Trung Trữ – Trường Yên và nội bộ trong xã, thực hiện bình quân ruộng đất trên mỗi nhân khẩu nông nghiệp. Trong nhiều năm, Hợp tác xã đã xây dựng được hạ tầng cơ sở tốt tạo điều kiện cho làm ăn tập thể quy mô lớn hơn. Nhưng ruộng manh mún không thể đưa nhiều tiến bộ khoa học kĩ thật vào đồng ruộng.
Tiếp tục chuyển đổi một phần nhỏ ruộng đất sang dự án công nghiệp, ngày 28 tháng 01 năm 2003 UBNH tỉnh Ninh Bình có quyết định số 176/QĐ-UB về việc chuyển đổi diện tích bãi ngoài đê đang cho dân mượn trồng mầu tăng thêm thu hoạch, chuyển giao cho Xí nghiệp thuê sản xuất gạch ngói. Nhưng, bởi nhiều lí do, khi thực hiện đã gây nên sự bất bình trong một bộ phận nhân dân, thậm chí một số người, có cả đảng viên tham gia tổ chức biểu tình phản đối, khiếu kiện kéo dài.Đảng bộ và chính quyền, các đoàn thể đã lãnh đạo sát không để tình hình chuyển biến xấu. Nội vụ rồi cũng được giải quyết. An ninh và trật tự nông thôn được giữ vững, sản xuất phát triển.Tiếc rằng, có người chưa thực sự đổi mới tư duy, không theo kịp sự phát triển của cách mạng… nên vô tình làm sai, phạm khuyết điểm, đã bị xử lí kỉ luật.Câu chuyện ruộng đồng mầu năm 2003 -2004 cho ta nhiều kinh nghiệm bổ ích trên bước đường xây dựng nông thôn mới.
Trung Trữ cũng như các làng xã của Hoa Lư đang trong quá trình đô thị hóa, tiến tới một thành phố loại I trực thuộc tỉnh, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là câu chuyện thường ngày của mỗi người dân Trung Trữ.
Đồng chí Bùi văn Hải, Bí thư đảng uỷ xã Ninh Giang phấn khởi cho chúng tôi biết: Vừa qua, Ninh Giang là một trong 3 xã của huyện Hoa Lư được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Đây là điều kiện thuận lợi để Ninh Giang tiếp tục phát huy nội lực, tiến xa hơn trên chặng đường phát triển.
Kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội tạo tiền đề để Trung Trữ Ninh Giang bước vào một giai đoạn phát triển mới với quyết tâm thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nên diện mạo, nhịp sống mới trên quê hương giàu truyền thống cách mạng./.