Làng Trữ. P4


DI TÍCH LỊCH SỬ

Quyết định số 1539/ QĐ ngày 29 tháng 12 năm 1990 Bộ Văn hoá -Thông tin – Thể thao và Du lịch. Nay công nhận:
Di tích Lịch sử
Chùa Trung Trữ.
Xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Hà Nam Ninh
Trong Quyết định này bao gồm Chùa, Đình và miếu Nội Trung Trữ là quần thể kiến trúc liên hoàn, thồng nhất cần được bảo vệ

A. ĐÌNH CHÙA TRUNG TRỮ
I. ĐÌNH TRUNG TRỮ
I. 1 – Sự hình thành
“ Nguyên bản xã cảnh thuộc bang kỳ, tịch quy thang mộc, ấp sở cư thế khoát thiên đài, đình viên kiến linh chung địa trục…”, “đầu đài cố long lân nguy nghiệp, viễn triều giang kỉ khúc đoanh hồi. Giá tiền kình yên mã kì phong, hiệp hữu cúng Hoàng long thanh độc. Địa linh lượng thị sở chung. Nhân kiệt do chi nhi dục…” nghĩa là làng ta thuộc đất Đế đô, thuộc miền thang mộc, ở trên thế đất sáng sủa, bầu trời khoáng đãng. Đình làng dựng trên mảnh đất có khí thiêng hun đúc…, gác đầu tựa long lân vời vợi, sông chầu về mấy khúc uốn quanh. Thoạt nhìn về đoàn ngựa bước lao liên, núi từng dẫy trùng trùng mở bức. Trước mặt núi Mã Yên sừng sững, bên phải trong vắt dòng Hoàng Long. Nơi đất thiêng liêng hùng vĩ ấy, nhân kiệt cũng từ đấy nảy sinh. Trong phần luận của chúc ước cũng ghi rõ niềm tin với ngôi đình này dân làng sẽ nảy sinh nhiều danh tài đỗ đạt cao, mẫn cán và thành đạt trong công việc. Về võ cũng xuất hiện nhiều lương tướng; nhà nông cũng từng mùa bội thu; lao động cũng đỡ nhọc nhằn, lương thảo chất đầy kho, ắp lẫm; trăm nghề cũng được tinh thông; thuần phong mỹ tục ngày một phát triển; cuộc sống ấm no, tình cảm chan hoà. Khói hương phụng thờ và lễ văn ngày thêm phong phú. Xem vậy, đủ biết các cụ ta xây dựng đình chùa “ trước là phù đất nước vững chãi lâu dài sau là hộ phương dân an khang rạng rỡ”
I. 2 – Kiến trúc:
Đình xây theo hình chữ Quốc (Hán tự). Hạng mục chính là chữ Vương. Nội điện theo chữ Công, ở chính giữa nội điện thờ Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Hai vị vua thờ trong long cung đều ngồi trong long ngai. Trên cửa võng long cung là bức đại tự “Tràng An hồng nhật cận” (Gần mặt trời Tràng An). Bên trái sát long cung thờ Dương Vân Nga, ngồi trong long ngai. Gian bên phải thờ Hoàng gia triều Lê, gian bên trái thờ Hoàng gia triều Đinh.
Trong khung chuôi vồ bày bàn thờ Tứ trụ triều đình, xưa bày theo chữ nhất, nay bày theo chữ nhật).
Tầng ngoài nội điện: Giữa thờ bát hương cộng đồng, mỗi kì tế lễ đều rước các bát hương Đức Chúa ở chùa, bát hương Bản thổ hương sơn linh ứng đại sơn thần ở miếu Nội, bát hương An trấn khôn sơn uy linh thần ở miếu Ngoại về đặt ở đây để tế lễ (tế vị tiền). Gian hai bên hông là tả chiêu hữu mục. Phía trái thờ Hương tiên Đinh Thế Dong, phía phải thờ Hương quan Bùi Quốc Trinh.
Trên cửa vào nội điện là đại tự “Chính thống thủy” Mở đầu sự nghiệp thống nhất Sơn hà của nhà Đinh ở thế kỷ thứ X.
Trang trí trong nội điện rất uy nghiêm. Đôi hạc trắng chầu phía ngoài; hai hàng tế khí; hàng sau là cờ tiết và cờ mao; sau cùng là binh khí.
Trước Nội điện có Thạch đình với đôi rồng chầu. Sân lát đá xanh. Trước sân là 5 gian Tế đình. Trước Tế đình là sân có xây vọng liệu. Hai bên là tả vu, hữu vu (còn gọi là giải vũ) .Giữa cửa đình là cổng lớn gọi là Nghi môn với hai cột đồng trụ bằng đá khối khắc 3 đôi câu đối ở 3 mặt trụ.
Trước đình là hồ bán nguyệt. Có đình, nhưng mặt tiền không còn đất. Một đêm dân làng bê mốc giới (giữa Trung Trữ và Trường Yên) chôn sang bên kia bờ ngòi, lấy đất đào hồ bán nguyệt rộng 5 sào. Đình làng có ao đình thả sen hương ngát. Mãi đến năm 2003 ao đình được kè đá, và xây lại hai cầu ao. Xung quanh ao đình trồng cây. Xưa có cây đa cổ thụ (nay cỗi chết), chỉ còn cây si trước Nghi môn trồng trên hòn non bộ hình con voi, nay được thay bằng cây sanh đang phát triển, nhìn như một chiếc ngai. Hai bên là hai cây bồ đề lấy giống từ chùa Một Cột Hà Nội, cây mẹ do tổng thống Ấn Độ tặng Bác Hồ năm 1958.
Xưa, phía nam đình là chợ. Chợ Trữ là trung tâm buôn bán của một vùng sông nước.. Giữa chợ có đình chợ khung lim, lợp gianh. Năm 48 của thế kỉ trước để tránh máy bay địch, chợ được chuyển vào chân núi trước hang Miếu Nội. Trong kháng chiến, Trung Trữ là vùng tự do. Bên kia sông Đáy là vùng tề với bốt Hoàng Đan. Việc đi lại rất hạn chế giữa hai vùng qua Bến Mới. Hàng lậu từ vùng tề đưa sang buôn bán ở chợ Trữ.
Quần thể đình Trung Trữ xưa còn có cánh chân mạ vườn Bái rộng 4 mẫu. Ở đây có những gò đống tượng trưng cho “thoi mực”, “sách”, “bút”, “nghiên”. Cánh chân mạ này sau tết Nguyên Đán khi đã sạch mạ, trở thành sân chơi của Hội Xuân.
Đình Trung Trữ là một quần thể kiến trúc cảnh quan đẹp, có giá trị lịch sử, văn hóa. Nơi diễn ra các hoạt động lớn hàng năm của làng:
Lễ khai xuân hạ lão ngày đầu năm
Lễ giỗ vua Đinh ngày 16 tháng Tám âm lịch
Lễ giỗ vua Lê ngày 8 tháng Ba âm
Lễ Kỳ phúc ngày 15 tháng Mười âm .
Tại đình làng:
Là trường tiểu học. Bao thế hệ học sinh làng đã học và trưởng thành từ đây. Từ năm 1930 thầy giáo Thẩm giác ngộ Cộng sản cho học sinh và nông dân.
Năm 1931 Hội đồng Hương lý họp tăng công gặt lên gấp đôi và giảm sưu cho các nhân đinh của làng.
Ngày 18 tháng Tám năm 1945 diễn ra cuộc mít tinh lớn của Việt Minh giành chính quyền thành lập Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời xã Trung Trữ. Đình là trụ sở của Uỷ ban.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, đình làng là nơi tập luyện của dân quân du kích, bảo vệ xóm làng.
Qua thời gian và biến cố lịch sử, đình Trung Trữ đã trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Lớn nhất vào năm 1930: làng tổ chức thuận quyên, bán chức thu được 80 đồng. mua 24 phiến lim và 2 cây gỗ lim lớn, 7 vạn viên ngói để trùng tu và làm mới nhiều hạng mục. Gồm: làm lại mái từ lợp tranh sang lợp ngói mũi; Tô tượng; Đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt. Năm 2000 sửa chữa lớn: chống sập và xây lại nhà giải vũ (tả vu). Sau đó làm một số công trình như kè hồ, xây lại cầu ao, đổ bê tông đường đi, xây khuôn viên, trồng cây cảnh… Tất cả các hạng mục trùng tu, tôn tạo trên đều do nhân dân đóng góp và bà con đồng hương công đức.
I. 3 – Đại tự đình Trung Trữ
1. Chúc thánh cung vạn tuế – Chúc đức thánh muôn tuổi
2. Tràng An hồng nhật cận – Gần mặt trời Tràng An.
3. Thánh thần công đức. – Công đức của thánh thần.
4. Chính thống thủy. – Mở đầu sự nghiệp chính thống.
6. Triều vương tích. – Mở đầu đế vương
7. Tuyên trùng quang. – Tuyên dương ánh sáng.
8. Tráng đế cư. – Đất đế vương hào hùng.
I. 4 – Câu đối đình Trung Trữ
1. Nhật nguyệt thiên quang đạo
Sơn hà tráng đế cư.
tạm dịch: Đạo sáng tỏ hai vầng Nhật Nguyệt
Vua hào hùng một cõi Sơn Hà
2. Nam quốc sơn hà Nam quốc đế
Thái bình ưu trụ thái bình dân.
tạm dịch: Núi sông Nam Việt vua Nam Việt
Đất nước thái bình dân thái bình.
5. Thiên khải văn bang vương nải thánh
Địa trung hoa động đế nhi thần
tạm dịch: Trời nam nước Việt vua lên thánh
Đất động Hoa Lư đế hóa thần .
4. Vạn thắng hùng khuy quan dĩ bắc
Tam đồng thống nhất hải chi nam
tạm dịch: Chiến thắng anh hùng vang cửa bắc
Thành đồng vững chắc dậy phương nam
5. Tứ cực nghiêm thiên khu ảnh tiêu hồ nhiễu quách
yên hà lưu huyền diệu
Tam đồng khái vận trường hương nổng viện vũ tùy ban y đới cộng phân phương
tạm dịch: Bốn mặt sáng ngời thành quách vững, núi sông tươi đẹp hiên ngang còn chói lọi
Ba quân hùng tráng lệnh nghiêm trang, văn vũ uy nghi rực rỡ nức mùi hương.
6. Hữu thử xã dân Cảnh Trị nhị niên dĩ hậu
An như bàn thái Đại Nam ức tải kỳ sơ.
tạm dịch:Có dân xã này từ năm Cảnh Trị thứ hai về sau
Vững như bàn thạch núi thái nước Nam mãi mãi.
7. Chung dục hà niên thuỷ tú sơn anh triền miếu vũ
Bang phủ y tích dân an vật phị bác thần hưu.
tạm dịch: Xây đắp năm nào mà núi sông tươi đẹp miếu vũ lưu truyền
Dựng lên di tích cho người vật yên vui phúc thần rộng hưởng
8. Đế vương tự hữu chân hoa lư thành quách giang sơn lão
Tinh anh như mặc tướng tranh thuỷ ba lan bút mặc linh.
tạm dịch: Đế vương có tự đất Hoa Lư thành trì sông núi còn như cũ
Anh hùng xuất hiện nơi hùng vĩ cảnh đẹp thiên nhiên chẳng phai mờ.
9. Ca tụng hiệp cần thanh khả dĩ phụ ngô dân giải ngô dân uẩn
Thái bình lưu nhương khúc hà hạnh sinh thánh nhân thế thánh nhân ân
tạm dịch: Muôn đời ca tụng làm nên thịnh vượng cho dân thoát khỏi đói nghèo
Khắp nước thanh bình nhờ được công ơn của thánh tiến lên giầu mạnh.
II. 2 – CHÙA TRUNG TRỮ
II. 1 – Kiến tạo chùa.
Xa xưa chùa tọa lạc ở đầu núi Gòi ( núi có nhiều con còi còi, còn có tên chữ là Cẩm Quy – con rùa). Chùa có tên ban đầu là chùa Bần (nghèo) dựng năm nào không rõ. Theo một số cụ ở gần chùa kể lại, phía đông nam xóm Nam có khu vườn chùa, ngày xưa vợ chồng ông bà Khúc Minh không có con, nhận làm sãi chùa, đi đâu ông bà cũng có nhau, nên có câu “quấn quýt như ông bà Khúc Minh”.
Khi chuyển chùa về cửa động Anh Linh xây mới vào năm Dương Đức nhị niên (1673), có mang theo hai pho tượng Tam Thế bằng gỗ bày trong hốc đá xanh cạnh cửa hang và hai pho tượng Hộ Pháp đứng hai đầu hồi Tụng Đường. Chùa mới mang tên chữ “Anh Linh Sơn Động tự” Trong bia kí “Kiến Anh Linh Sơn Động tự”, có ghi: Ngẫm thấy chùa phế rồi lại hưng, do kính tín Đạo Phật… Bia minh ghi lại để lưu truyền cho đời sau. … trước đây, chùa bị hỏng nát do vật đổi sao dời. Nơi đây bờ lăng không còn nữa, hang động cũng biến dạng chưa tu sửa lại được…Về vị trí của chùa mới, khi tôn tạo làng có mời Hòa thượng trùm tăng huyện Gia Viễn, hiệu Huệ Nhật – Phật hiệu Chân Kinh đến bàn bạc. Với dáng tươi cười mãn nguyện, vị Hòa thượng nói: “Tốt lành thay. Tốt lành thay. Cảnh đẹp Động Anh Linh đúng là vật báu lâu đời của chùa động ta. Qua xem phong cảnh thấy án núi nguy nga, cỏ cây sầm uất, trước mặt có án Chu Tước hình chim phượng; đằng sau là huyền vũ thế núi cao vời vợi; phía trái có sông rạch như rồng uốn khúc, dân thôn trù mật, nảy sinh lá ngọc cành vàng; bên phải có Bạch Hổ, đền đài chanh vanh rực ánh hồng soi trên làn nước biếc. Cảnh trí chẳng khác gì nơi bồng hồ lãng uyển, khách đến thăm tất phải sinh lòng kính tâm ái niệm”.
Nhân dân ta xây chùa với ước nguyện rất cao đẹp, bia kí ghi “thượng phù Quốc mạch, hạ phúc sinh dân”.(trước là phù Quốc gia, sau là làm phúc cho dân)
Việc xây dựng và tôn tạo chùa phần lớn do nhân dân công đức. Điều này đã được ghi trên bia đá đặt phía bắc tiền đường chùa.
II. 2 – Thờ tự trong chùa
*. Khu vực chùa chính
Gồm 3 lớp: Tam quan với cửa chính và hai cửa tả môn hữu môn. tầng hai là gác chuông. Chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh tam niên (1795). Theo đường chính đến 5 gian tiền đường còn gọi là bái đường, tiếp là tụng đường.
Tiền đường: gồm 5 gian, 6 hàng cột, gồm 24 cột, dáng cao, mái thẳng, hoành vuông, vì kèo kiểu chồng giường, chạm khắc đơn giản.
Thiêu hương: khi xưa làm theo kiểu chồng diềm, 8 mái. Năm 1932 dỡ đi, làm lại 5 gian, 4 hàng cột như ngày nay, vì kèo chồng giường, hoành vuông, mái thẳng. Cửa võng được chạm long, li, quy, phượng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trên cao là 4 chữ Hán: Anh Linh Sơn Động.
Tụng đường: gốm 5 gian. Gian giữa thờ Tam Bảo (Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu) hai bên là hai tòa Hộ Pháp (ông ác bên phải, ông thiện bên trái), hai hành lang thờ Hương Cửu Tộc ( tức 9 dòng họ đến đầu tiên lập làng). Và 2 tượng đá đưa từ chùa Bần về.
Trong cùng là thạch xế động môn, xây ngay vào cửa hang đá. Hang rộng 5 mét, chỗ cao nhất 3 mét, sâu 8 mét. Cửa hang được cải tạo và xây thành 3 cửa bằng phiến đá xanh. Lòng hang được xây thành bệ để thờ Phật. Bệ thứ nhất từ dưới lên là hai vị Thiên Trấn, Thiên Nương. Bệ thứ hai bên trái là tượng Thánh Tăng, bên phải là Thổ Địa. Bệ thứ ba giữa là tượng Cửu Long, hai bên có hai tượng Hộ Pháp Chủ thiên hộ từ, giữa là tượng Thích Ca sơ sinh. Bệ thứ tư ở giữa là ADiĐà, bên trái là tượng Kim Đồng, bên phải là tượng Ngọc Nữ. Trên cùng là 3 vị Tam Thế. Phía sau có 2 tượng nhỏ ADiĐà được tạc khi mới dựng chùa.
Ngách hang bên trái, ngoài là tượng Quan âm, phía trong là tượng ÁtNanĐà, bên trái là tượng Tiêu Diêu đạo sạo, bên phải là tượng Diêm khấn kì vương hộ trì ÁtNanĐà. Ngách hang bên phải là tượng Đức Ông và hai pho tượng nhỏ GiàNam chân tô hộ trì Đức Ông.
Sau tòa cửu long là hang động lớn, dài 200 mét; có đường lên trời, đường xuống thuỷ hà; có nhiều khoang với nhiều cảnh trí kỳ thú, thạch nhũ muôn hình, trên là vòm cao, dưới có nước chảy. Đây là một hang động khổng lồ. Tấm bia dựng năm Dương Đức thứ hai (1673) đã ca ngợi là: “ Thiên nam đệ nhất động” (nghĩa là động đẹp nhất phía nam)
Thông qua lòng núi sang cửa phía đông mở rộng thành một hang lớn dài 30 mét, rộng 20 mét, chỗ cao nhất 7-8 mét, có cửa chính và cửa phụ. Ở cửa phụ nhân dân địa phương xây một ngôi miếu thờ Sơn Thần gọi là Miếu Nội và hang được gọi là hang Miếu Nội. Cửa chính của hang, năm 1965 được cải tạo thành Hội trường của Huyện uỷ Gia Khánh. Hội trường có đủ chỗ cho mấy trăm người.
*. Khu vực nhà Tổ
Ở phía nam chùa chính, gồm 2 lớp. Lớp trong hai bên thờ Tổ Tây và Tổ Ta, giữa thờ Tổ truyền đạo từ Ấn Độ sang với đôi câu đối:
“Thư tịch tây thiên phạ bạch mã
Tích phi đông độ tập phương bào”.
Tạm dịch:Kinh Phật Tây thiên gùi ngựa trắng
Gậy thần đông độ quẩy theo đồ.
Gian bên trái thờ Sư tổ Việt Nam, gian bên phải thờ các vị sư đã tu và viên tịch tại chùa Trung Trữ.
Trước nhà thờ tổ là 3 gian tiền đường để tiếp khách và hội họp.
Phía bắc nhà thờ tổ là miếu Âm Hồn còn gọi là phủ Hàn Lâm thờ Át Nam Đà Đại Thánh – người quản lý kinh sách và sinh linh cô quả
*. Khu vực vườn tháp
Ở phía bắc chùa chính. Trên cao là mộ sư Nghệ – vị sư đầu tiên tu tại chùa. Đây là ngôi tháp nhỏ xây ở vị trí lưng chừng núi. (hiện tháp đã bị đổ, rất cần được trùng tu, tôn tạo). Dưới chân núi là ngôi tháp nhiều tầng, trong quàn hài cốt của các sư: Đàm Tuấn, Đàm Khang, Đàm Ninh. Bên phải là mộ tháp sư Đàm Thi (húy Bùi Thị Dởi) tu tại chùa Thư Điền.
*Sư cụ Đàm Tuấn được Nhà nước tặng bằng có công với nước.
II. 3 – Một số sự kiện và con số đáng ghi nhớ:
- Danh thắng chùa Trung Trữ bao gồm một quần thể kiến trúc cảnh quan đẹp, có giá trị lịch sử, văn hóa. Nơi thờ Phật, sinh hoạt tôn giáo của nhân dân địa phương.
- Năm 1931, tại hang Miếu Nội (cửa phía đông) là nơi thành lập Chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên của thôn Trung Trữ.
- Tháng 3-1947 Tỉnh uỷ Ninh Bình mở lớp huấn luyện cán bộ chống bọn phản động đội lốt tôn giáo, đồng chí Đỗ Mười, Bí thư Tỉnh uỷ về dự, đồng chí Đặng Kim Giang, Chủ tịch Liên khu Ba chỉ đạo hội nghị
- Trong chiến dịch giải phóng hạ lưu sông Đáy đầu năm 1954 là Sở chỉ huy tiền phương của Đại đoàn 320 A
- Trong chiến tranh chống Mĩ, trường Ba Đảm Đang của tỉnh hội Phụ nữ Ninh Bình sơ tán về đây.
- Là nơi tổ chức Đại hội Đại biểu Huyện Đảng bộ Gia Khánh lần thứ 9 (hang Miếu Nội) ngày 14-4-1967. thời kì này hang dùng làm Hội trường của huyện Gia Khánh
- Nhiều năm chùa Trung Trữ là trường Tiểu học của xã. Năm 1953, đại bác giặc Pháp bắn vào chùa làm chết 1 thầy giáo, 5 học sinh và nhiều người bị thương.
Chùa Trung Trữ được trùng tu nhiều lần: nhà tiền đường trùng tu năm Nhâm Tý (1912), nhà tổ trong trùng tu năm Ất Sửu (1925), nhà tiền đường khu nhà tổ trùng tu năm Nhâm Tý (1926). Năm 1930 trùng tu tụng đường, sơn cột và các cửa võng, tô tượng, năm 1994 lát gạch, năm 1997 sửa chữa lớn.
II. 4 – Đại tự chùa Trung Trữ
1. Cao thanh xướng – Cất cao tiếng thỉnh chuông
2. Tâm tức Phật – Phật ở trong lòng
3. Không thị sắc – Không là vật vô hình,
sắc có lúc biến thành không
4. Thông chích nhãn – Thông suốt cả.
II. 5 – Câu đối chùa Trung Trữ
1. Linh sơn cao đối linh am tú
Tranh thuỷ hoành lưu tranh khúc trường.
tạm dịch: Núi thiêng cao sánh am chùa đẹp
Nước biếc lượn ngang uốn khúc dài.
2. Phật đức nguy nguy kim thế giới
Thánh ân đằng đằng nọc lâu đài
tạm dịch: Đức Phật cao lồng lộng như ánh vàng son
Ân thánh rộng thênh thang tựa ngà ngọc.
3. Ngoạn ngoạn kì quan hoa hướng nguyệt
Nguy nguy thế khoát đỉnh đầu vân
tạm dịch: Ngắm cảnh kì quan hoa dọi nguyệt
Cao vời khí khoáng núi vờn mây.
4. Hương tiên lập ấp thiên niên thịnh
Phật đạo quang thùy vạn đại vinh
tạm dịch: Công đức tổ tông ngàn năm thịnh
Hưởng ân con cháu muôn đời vinh.
5. Hương tiến án tiền triều pháp sự
Hoa khai điện thượng diễn chân kinh.
tạm dịch: Tiến hương trước án trần pháp sự
Dâng hoa trên điện trọng chân kinh.
6. Tổ ấn trùng quang khai giác lộ
Tống phong vĩnh trấn tế thiền môn
tạm dịch: Dấu ấn tổ truyền soi sáng mở đường giác ngộ
Phong độ thông sư bền vững che chở thiền môn
7. Phận vũ trùng tu hưng phật giáo
Linh đài y cựu chấn thiền môn
tạm dịch: Tu tạo tổ đường hưng phật giáo
Linh đài y cựu chấn thiền môn
8. Quảng khai phương tiện lưu khoa giáo
Phổ độ quần sinh thoát khổ duyên
tạm dịch: Lưu khoa giáo mở đường phương tiện
Độ khắp quần sinh thoát khổ duyên.
9. Thư tịch Tây thiên pha bạch mã
Tích phi đông độ tập phương bào
tạm dịch: kinh Phật Tây thiên gù ngựa trắng
Gậy thần Đông độ quẩy theo đồ
10. Thanh thế uy linh lăng nhạc khí
Độ nhân công đức đẳng hà sa.
tạm dịch: Uy linh tế thế lòng hơn núi
Công đức độ người đến đáy sông.
11. Linh tích dẫn truyền thiên trúc giới
Chân kinh khải giáo vĩnh bình gian
tạm dịch: Dấu thiêng truyền dẫn từ Tây trúc
Kinh sách dáng trao thấu cõi trần.
12. Hương vân nùng động khẩu sơn sắc cổ kim
Liên tọa ủng đàm hoa chung thanh triều nguyệt
tạm dịch Hương tỏa nồng cửa động ven sắc núi xưa nay
Hoa đàm ấp tỏa sen vẩn tiếng chuông sớm tối.
13. Thanh động khóat khai anh khí lưu truyền danh thắng địa
Kim thân hiển hiện linh thanh phả bá việt nam thiên
tạm dịch: Cửa động tỏa hương anh khí lưu truyền nơi danh thắng
Mình vàng hiển hiện tiếng thơm vang dậy khắp trời nam
14.Trần trước anh thanh châu bút can hoàng hoa phong cáo
Hoành thông diệu trí chân kinh xướng tán dật lan hàm
tạm dịch:
Rạng nét bút son trước tác lưu truyền hoa phượng nở
Rộng thông trí tuệ sáng trong đọc sách tụng châu kinh.
15. Bá từ bi vi niệm
Khai phương tiện vi môn
tạm dịch: Ban bố miền từ bi
Rộng mở đường phương tiện
16. Nhất hoa hiện thụy
Ngũ diệp lưu phương
tạm dịch: Một hoa nở điềm lành
Năm lá toả thơm ngát.
17. Câu đối ở cột đồng trụ Miếu Nội (cửa phía đông)
Thanh u tây đối già lam cựu
Hồng úc đông thăng cảnh sắc tân.
tạm dịch: Xanh um tây ảnh sánh chùa xưa.
Bừng sống đông lên tô cảnh mới
III. BIA KÝ:
CHUÔNG ĐỘNG LINH SƠN:
dịch nghĩa:
Từng nghe: Chuông treo đợi sĩ, chuông ngân chiêu hiền, chính tâm có công, tìm cầu trữ lại phản ảnh về sau, thụ hưởng bảy điều thần diệu quả phúc.
Đủ bậc thầy giỏi, đầy lòng nghĩa nhân, giống như Tây trúc đủ điều diệu dung.
Từ đây, ngọn gió “Thiền môn” đều cùng đi vào quy củ chuẩn mực, gióng giả tiếng chuông hiệu ngộ, lắng tiếng chuông mà phiền não nhẹ vơi, nghe diệu âm mà thân tâm tự lạc.
Thật vậy: lam điền bức ngọc thuỷ thưởng sinh chùa yên dã khói lam mờ mịt tự xua đứt đoạn tục âm, sơn am nổi khúc hát quang bình, ánh nguyệt âm dìu qua ánh thoát đèn mê.
Bạch tuyết cùng độ dương xuân, cảm xúc đáng yêu biết mấy! Qua tiếng vọng vang của kim khí đồng vàng đúc luyện há chẳng phải thiện quả đó sao! Hôm nạy tranh thủ phát bá, gọi kêu tài lực, phả khuyến giúp công, phóng khánh trạch tới hồng nhai, ban phúc lộc tới mọi nhà, thiện duyên công đức, muôn thuở dài lâu, phúc lành bền chặt, chuông mãi yên hàn.hứng bút mở đầu tiêu trừ phiền não, dân xã an ninh, pháp giới hữu tình, lắng tiếng chuông ngân, tiêu tan hắc nghiệp. Một đời chuông đúc, muôn thuở ngân dài, lòng người răn luyện, phiền não nhạt phai.
Cửa Bồ Đề ngày càng tăng trưởng.
Nền đạo giáo cũng được giao sinh.
Xã tắc an ninh, hương linh Tây trúc, cùng hòa âm thanh nguyện: “Thiên hạ thái bình”.
Năm Cảnh Thịnh thứ Ba, năm thứ Ất Mão, tháng Tám ngày lành (1795)
An Nam Quốc, Thanh Hoa Ngoại, Phủ Tràng An, huyện Gia Viễn, xã Trung Trữ. Gồm các phủ, huyện, xã cùng họp tại châu Động Anh Linh Sơn, khai liệt họ tên như sau: (xem thừa sao, bản dịch của Vũ Hữu Ngọc và Đinh Duy Thận)
KIẾN ANH LINH ĐỘNG BI KÝ
(Bài ký bia đá xây dựng chùa động Anh Linh).
Ngẫm thấy, chùa phế rồi lại hưng, do đã có ý kính tín đạo phật rồi, Bia minh khắc lại vì muốn lưu truyền sự thực vĩnh viễn cho đời sau.
Nguyên xã ta có chùa động “Anh Linh Sơn” danh lam cổ tích. Đúng là cảnh vật đẹp đẽ, có khí thiêng anh linh hun đúc. Trên phù quốc mạch, dưới ban phúc cho sinh dân. Sang hèn sở cầu đều có ứng nghiệm. Quả là danh lam thắng cảnh Thiên nam đệ nhất động.
Trước đây chùa bị hỏng nát, do vật đổi sao dời, nơi đây bờ lăng không còn mà hang động cũng biến dạng, chưa phục hồi tu sửa được.
Nay quan viên thượng hạ xã Trung Trữ, huyện Gia Viễn, phủ Tràng An kính mộ đạo Phật, cùng nhau hưng công, trùng tu và tạo dựng, công đức đã trọn vẹn, lại dựng một bia đá có khắc “Bài Minh” để truyền vĩnh cửu. Và có rước vị Hòa thượng Trùm tăng huyện Gia Viễn tự Huệ nhật, phật hiệu Chân Kinh đến chùa cùng nhau thương nghị được đúng sự thực. Với dáng tươi cười ngài nói: Tốt lành thay! Cảnh đẹp Anh Linh Sơn đúng là vật báu lâu dài của chùa động ta đây. Qua xem thắng cảnh thấy án núi nguy nga, cỏ cây sầm uất. Đàng trước có án “Chu tước” tựa án con chim phượng. Đằng sau có “Huyền vũ” dáng thế núi cao. Có tả thanh long dân thôn trù mật, nảy sinh lá ngọc cành vàng. Bên hữu có “Bạch hổ” đền đài chanh vanh xán lạn rực ánh hào quang soi làn nước biếc, màu sắc cảnh tiên không khác chốn bồng hồ lãng uyển, cùng một rặng lâu đài đứng khoe cảnh vật như “Ba nghìn thế giới”, khách đến thăm vãng cảnh chùa đều sinh lòng kính tâm ái niệm.
Nhìn đỉnh núi cao kính chúc “Thánh thọ cao sơn” cùng với khí bẩm anh linh tất nhiên ứng nghiệm. Phật tổ chứng minh công đức, thiên nhiên cũng dành phúc ấm cho dân ngày càng thêm giầu mạnh, trước được thịnh vượng, vĩnh lưu phúc khánh về sau, thấy được con cháu vinh hiển đời đời giầu thịnh. Đó là niềm quả phúc.
Người xưa đã nói: Có tinh anh tất có khí thiêng hun đúc. Điều này đáng tin thay! Sẽ không lầm khi lấy điều đó chứng minh, đã thể hiện tại chùa Anh Linh Sơn động này, hà tất phải viện dẫn nhiều lời.
Vui mừng với lời hay ý đẹp ấy xin khắc vào bia đá để truyền lại dài lâu. Ai có công đức đều ghi, như sau (xem trong phiên âm)
Nguyên ruộng:
Ruộng tam bảo chùa Anh linh danh lam cổ tích là 5 mẫu 8 sào, trong đó xã La Mai cúng 1 sào 5 thước ở xứ Đa Cấm.
Ruộng ở hai điện Hoàng đế là 12 mẫu: Ruộng Đền Đinh Tiên Hoàng là 6 mẫu, ruộng Đền Lê Đại Hành là 6 mẫu.
Năm Đinh Mùi (1667) được lệnh quan Bình Lệ tiền đô đốc Thiêm sự thông Quận công lấy bình lệ chưa thành. Đến năm Mậu Thân (1668) lại sai quan bình lệ cai cơ đô đốc Thiêm sự lệ Quận công và hộ viên và vệ công huyện quan khám đo ruộng, vườn đất, ruộng mạ, ao trong ngoài các hạng, cộng 28 mẫu đã cho phép làm dân điền lưu truyền mãi mãi, không phải chịu thuế.
Minh viết:
Chiêm bỉ anh linh, nghiễm nhĩ phạm kinh
Cao sơn nhất khởi, tú thuỷ viễn dinh
Quả khuê cảch vật, ngoạn lệ chân kinh
Mai hiên trúc bích, liễu lục đào thanh
Thụ thiên sắc sắc, hoa vật sinh sinh
Sơn hình tối tú, thiện trụ tằng thành
Danh lam khả mỹ, chung khí sở hình
Sơn cao ngưỡng chúc, phú thọ toán linh.
Phúc thi tư phả, thê cử hàm linh
Bất phán bất dận, chi công chi minh.
dịch:
Ngắm động Anh Linh
Am thiền tề chỉnh
Núi vươn khỏi đỉnh
Mạch nước triều khơi
Ngợi ca cảnh vật
Cảm hứng vịnh lời:
“Hiên mai trúc biếc
Liễu thắm đào tươi
Cây xanh đượm sắc
Điện tháp vọng trời”
Hóa công sắp đặt
Địa thế tuyệt vời
Danh lam cổ kính
Hùng khí sáng ngời.
Núi vang lời chúc:
“Trí tuệ anh minh
Phúc lành ban khắp
Giâù mạnh trường sinh
Thiên nhiên vĩnh cửu
Công đức muôn đời”.
Xuân Cung
BIA ĐÁ PHÍA BẮC CHÙA
*Tấm bia này đặt ở phía bắc nhà tiền đường còn gọi là nhà cửu tộc. Nội dung ghi đóng góp của dân làng trùng tu đình, chùa, miếu nội, miếu ngoại.
Duy Tân lục niên, Nhâm Tý (1913) Anh Linh Sơn Động bia:
Gia Khánh huyện, La Mai tổng, Trung Trữ xã. Quan chức, chức sắc, kì lão quan viên đồng xã đẳng phụng tiền vu hậu thuyên vu thạch đình tự miếu hướng bản xã tự điền kinh chư nhân hằng tâm công đức kê trần vu hậu
Nhất đình hướng chính châm tọa giáp hướng canh.
Nhất tự hướng chính châm tọa cấn hướng khôn.
Nhất miếu nội hướng chính châm tọa tý hướng ngọ.
Nhất miếu ngoại hướng chính châm tọa dần hướng thân.
Nhất niên tiền chư quan âm cửu long đồng tượng nhị tòa.
Tinh mạch xế động môn bá xã hội chủ hữu quan Bùi Huy Khanh dữ hòa man trụ trì Đinh công tự pháp Định tu công đức nhất tụng đường nhất tòa; bản xã dinh tu hưng công Đinh công tự pháp Cẩn ưu bà Vũ Thị hiệu Diệu Đàm công đức nhất bái đường tam gian. Tỳ Khưu tăng hiệu Đạo Chất thiền sư trụ trì công đức nhất hộ pháp miếu Âm hồn, trùng tu tụng đường hà nhân Vũ Thị Nguyện nam tử Đinh Hãn công đức. Nhất tam quan, xế thạch nhất tòa bản xã hợp chủ Vũ Cử Bùi Nhị, nguyên hàm Chánh tổng Bùi Cẩn hiệp dữ trụ trì tăng tự pháp Định danh tu. Đinh Hiển dòng tộc tiến cúng thạch bàn nhất kiện. Thánh tăng tượng nhất tòa Nguyễn Thị Thịnh hiệu Diệu Qúy tiến cúng. Đinh Danh Thắng tiến cúng thạch lô hương nhất kiện. Nguyễn Điền tiến cúng thạch lô hương nhất kiện. Ngọc Hoàng tượng nhất tòa Đinh Thị Bình nam tử Vũ Xu tiến cúng. Bùi Thanh tiến cúng thạch bệ nhất kiện. Chánh xã Đinh Huyền tiến cúng đồng lạp kình nhất song. Chúa quan thánh hiền thạch bệ nhị kiện trụ trì tăng Nguyễn Công tự pháp Minh công đức. Nhất tự điền tịnh chư nhân tiến cúng các xứ liệt hậu (mặt sau bia giáp tường không đọc được).
BIA SỬA TẾ ĐÌNH VÀ SƠN TƯỢNG.
Xưa kia đình tế có 5 gian. Trên dùng tranh tre nứa lá, dưới làm bằng nhiều thứ gỗ. trải qua trên 200 năm, gỗ sinh ra mối mọt. Nay gặp thời kì cải lương, việc thu chi có nhiều khó khăn tiền đầu tư cho xây dựng rất hạn hẹp, nhưng bản xã đã bàn bạc và thỏa thuận bán các ngôi thứ trong làng để lấy tiền sửa chữa vững chắc và trở thành ngôi đình lợp ngói.
Tiền thu được qua việc bán chức tước thu được 80 đồng (thời kì này giá 1 thùng thóc 12 kg là 1 hào). Số tiền trên mua được 24 phiến gỗ lim, 2 cây lim tròn để làm cột cái; mua 7 vạn viên ngói ta.
* Những người mua chức, thi công văn bia đã ghi.
** Cũng năm này, làng sơn tượng Vua Đinh, Vua Lê, Dương Thái Hậu và một số đồ thờ. Cũng được ghi vào bia.
Thượng nguyên, lạp tiết đồng nhất văn
VĂN TẾ TỔ LÀNG TRUNG TRỮ
Duy: Việt Nam quốc, … niên … nguyệt … nhật
…hương tộc trưởng đồng cửu tộc thượng hạ đẳng cẩn dĩ phỉ nghi chi lễ kiến thân truy tế chi lễ, cảm chiêu cốc vu.
Hương thuỷ tổ sách xã nhất công, xã chính Đinh Thế Dong hiệu Huyền Chân. Xã Sử Lê Hữu Phù tự Pháp Nghiêm. Tiên Công lang Nguyễn Thế Kiên hiệu Chính Tâm
Quan viên Đinh Nhữ Cần hiệu Chân Quang, Nguyễn Ích Tráng, Nguyễn Bá Kì tự Pháp Vân, Lê Văn Úy tự Tôn Trung, Nguyễn Bá Khải hiệu Chân Minh, Lê Cảnh Châu.
Sách xã nhị công: Sinh đồ Lê Văn Quốc, Lê Thúc Khanh hiệu Nham Tế, Đinh Đức Thiệu hiệu Vô Vi, Đinh Đức Vinh, Đinh Tá hiệu Đăng Tâm, Đinh Khể hiệu Thiện Tính, Nguyễn Văn Khuê, Đinh Văn Thuật, hiệu Chiêu Nghị, Đinh Văn Khương hiệu Viết Giác, Đinh Nhữ Trung.
Phụ tịch hậu công: Đinh Thế Gia, Bùi Thế Trưng, Vũ Lương Tá.
Thuần phúc gian hậu công: Hương trưởng Nguyễn Diêu Trung hiệu Nguyễn Bá Liêu, Hương quan Bùi Công tự Quốc Trinh thụy đoan lương phủ quan.
Hậu hiền: Bùi Chi, Bùi Văn Ban, Bùi Nhị Lang tự Tâm Chính, Bùi Nhất Lang tự Phúc Ân. Bùi Nhất Lang tự Vô Vi, Nguyễn Tì Kheo tự Phúc Cảnh, Nguyễn Qúy Công tự Pháp Phùng, Nguyễn Nhị Lang tự Phúc Mẫn, Vũ Tử Liêm, Vũ Qúy Công tự Pháp Trạch, Vũ Nhất Lang tự Tâm Phúc, Vũ Tỉ Kheo tự Pháp Duyên, Vũ Tỉ Kheo tự Hụê Hương, Vũ Tam Lang tự Phúc Trung, Vũ Qúy Công tự Chính Trực, Vũ Qúy Công tự pháp Đẩu – thượng hưởng.
Kính thỉnh:
Đinh Nhất Lang tự Đức Dũng, Đinh Tỉ Kheo tự Pháp Tấu, Đinh Nhất Lang tự Chính Đạo, Đinh Qúy Công hiệu Pháp Từ, Đinh Nhất Lang tự Pháp Lành, Lê Qúy Công tự Phúc Tâm, Bùi Công tự Phúc Sinh, Bùi Công tự Đạo Bảo, Nguyễn Tỉ Kheo tự Chân Truyền, Nguyễn Qúy Công tự Pháp Diên, Vũ Qúy Công tự Pháp Quang, Vũ Nhất Lang tự Phúc Hiền, Nguyễn Qúy Công tự Mĩ Lộc, Bùi Công tự Pháp Trực, Ngô Công Dao tự Pháp Lành, Đoàn Nhất Lang tự Tố Thục, Phạm Nhất Lang tự Phúc Thiện, Nguyễn Qúy Công tự Phúc Hiền, Trần gia Cao tổ tự Huệ Tâm. – liệt vị phối hưởng.
Viết hữu xuân thiên hợp đông thiên lạp tiết: tất cốc lễ dã.
Cung duy liệt tổ, triệu tạo phương dân, thúc khôi cương vũ, khai ư tiền nhi xương, quyết hậu phong thanh lưu tính ấp chi quang. Bốc vân cát nhi trung doãn giảm, công đức giữ giang san tịnh thọ. Phủ kim tư tích, truy duy sáng thuỷ chi quy mô, báo bản phản nguyên bồi, thiết nhâm tâm chi cảnh mộ.
Tư xuân thiên cung trần lễ sơ.
Phục nguyện: giáng lâm Hoàng gia bảo hộ, dân toại an cư lạc nghiệp, vĩnh hữu cán nhi hữu niên. Nhân nhân giai thực đức ẩm hòa, kiêm viết khang nhi viết phụ, quân mong xương xí chi phồn hi, thực lại tuy tương chi thần cổ – thượng hưởng.
Tái thỉnh:
Đinh gia liệt tổ gia tiên liệt vị
Lê gia liệt tổ gia tiên liệt vị
Nguyễn gia liệt tổ gia tiên liệt vị
Bùi gia liệt tổ gia tiên liệt vị
Nguyễn gia liệt tổ gia tiên liệt vị
Vũ gia liệt tổ gia tiên liệt vị
Ngô gia liệt tổ gia tiên liệt vị
Đoàn gia liệt tổ gia tiên liệt vị
Phạm gia liệt tổ gia tiên liệt vị
Đồng lai cách hưởng.
Kị các tộc các chi các phái quyền viễn cập nhất thiết cô tiệt chi hồn đồng phụ thực.
KHAI XUÂN HẠ LÃO
Duy: Việt Nam quốc, tuế… tứ …niên… nguyệt… nhật… hương trưởng … . . . chư ban đồng thôn thượng hạ đẳng .
Duyên vì kim niên đăng thọ lục, thất, bát, cửu tuần, lão ông lão bà đáo tuế cẩn dụng phỉ nghi chi lễ, kiền thân lễ yết chi nghi cảm chiêu tấu vu
Thần hiệu……………………………………………
Vị tiền ………………………………………………
Tâu thỉnh …………………………………………..
Kính thỉnh Hương tiên, Hương quan đồng giám cách
Viết: ấp hữu thọ dân tiến yết phỉ nghi thức chiêu trần cáo
Phục nguyện giám lâm
Tỉ dĩ: tiện cốc, thọ tề hải ốc, phả tích bình an, khang ninh trường thọ
Thực lại: phù trì chi lực dã
Kính dĩ: tiên yết lễ nghi, phục duy đồng tứ hâm nạp.
Cẩn cốc.
CHÚC ƯỚC: – phiên âm
Khánh kim
Quốc điện kim âu, thiên khai ngọc chúc
Cổn miện thùy Nghiêu Thuấn ung dung
Đường bệ liệt Cao Quỳ mục mục
Di đồng cung hiệp, nội trị cử nhi ngoại trị tu
Kinh lập kỉ trần, văn giáo xiển nhi võ giáo túc
Long yên vĩnh tức biên thuỳ, thoá vô cảnh cấp chi lư
Nhạn trạch tư đào hạp cảnh hữu hi du chi khúc.
Tương sinh tương dưỡng, vạn phương thức mục hân quan. Tải vũ tải ca tứ hải tề thanh kính chúc
Nguyên bản xã, cảnh thuộc bang kì, tịch quy thang mộc. Ấp sở cư thế khoát thiên đài, đình viên kiến linh chung địa trục. Đầu đài cố long lâu nguy nghiệp, viễn triều giang kỉ khúc đoanh hồi. Nhập thủ bài mã tích lao liên, quá hiệp trướng sổ trùng khai bức, giá tiền kình yên mã kỳ phong, hiệp hữu củng Hoàng Long thanh độc. Địa linh lượng thị sở chung, nhân kiệt do chi nhi dục.
Văn quang tinh đẩu danh nho, kham ngưng đổng cán; vũ phấn can thành lương tướng, túc truy phả mục.
Sĩ tốt chí ư đăng danh, nông diệc kì ư tích súc, thi ngâm vu tữ, thi cầm vu canh, đại điền đa đắc ư triệu canh, vịnh bá cầu sương, trữ khố hàm sung ư hán túc. Nhất phương cộng bảo bật ninh, bách nghệ tịnh gia tinh nhiệt. Hòa mục dĩ cư hương đảng, tục hóa thần bàng, kính cung dĩ sự thần kì, lễ văn phồn nhục.
Tư tắc: tiết giới mạnh đông, hỗ nghinh hoàng ốc. Kính thành phát động ư lương tâm, phụng sự thức tâm ư cựu tục. Dĩ dản dĩ vịnh, tiêu thiều chi nhạc tấu ung dung. Lai yến lai nghi, tô đậu chi hương thăng phúc úc. Đình liệt oanh ban lộ tự, lẫm đối guy nhan. Nhân khuynh nghị khốn, quỳ tâm hoan bội liền cốc túc dạ duy di, tinh thành vưu ốc, tương kiến cảm ư thần minh, tỉ chi tấn cốc.
Thượng dĩ chưởng phù quốc tộ, lịch sổ diên trường, hạ nhi ủng hộ phương dân ân quang ưu ốc. Nhân thọ nghĩa hưng các giáp ngưỡng phỉ hưu nhi nhân vật phu khang. Đông tây nam bắc chư lân, an sinh nghiệp nhi hóa tài sung túc. Vũ phỉ ưng Chu tước. Gán phù, văn điệp trúng Đường khoa Tống mục
Mỹ tai: lễ nghi tột độ, đăng ca thanh miếu nhất chương: Phúc lộc lai thành, trữ hoạch cơ trù ngũ phúc.
CHÚC ƯỚC – dịch nghĩa:
Nay mừng: Nước vững âu vàng, trời soi đuốc ngọc.
Áo mũ thời Nghiêu Thuấn ung dung,
Nhà bệ rợp quạt qùy sáng ngợp
Nghĩa cử nội trị, đối ngoại sửa sang,
Bầy lập kỉ cương, hiệp đồng xoay xở.
Văn giáo hóa nghĩa sâu xa nền đạo lý,
Võ ban cũng dạy việc chỉnh bị nghiêm minh
Khói lang tắt hẳn nơi biên thùy không còn lo tin cẩn cấp.
Hồng trạch khắp cõi nổi lên khúc hát hi du, được tương sinh tương dưỡng, muôn phương đều chớp mắt nhìn vui, đủ điệu múa làn ca, bốn bể đều dâng lời kính chúc.
Nguyên bản xã, đất thuộc kinh kì thuộc miền thang mộc. Thế đất ở khoáng đãng bầu trời đình đài dựng đất thiêng hun đúc.
Gác đầu long lân vời vợi, sông chầu về mấy khúc uốn quanh. Thoạt nhìn vào bầy ngựa bước lao liên, núi trướng hợp mấy lần mở bước. Trước mặt núi Mã Yên sừng sững, nước Hoàng Long trong vắt dòng sông.
Đất thiêng hun đúc, nhân kiệt cũng từ đấy nảy sinh.
Rạng ánh tinh đẩu văn nho tạo người mẫn cán,
Vũ phấn chen đầy thành.
Lương thần dũng tướng dồi dào.
Kẻ sĩ ắt dốc chí nêu danh,
Nhà nông cũng từng mùa tích súc.
Thơ ngâm về đồng ruộng, cày bừa ngấu ngả, vịnh gieo vãi cầu sinh nảy hạt, ních rương trữ ắp đầy kho.
Một phương cùng giữ gìn ninh thiếp trăm nghề ngày một tinh thông.
Ở ăn lấy hòa mục trong hương đảng nền nếp mĩ tục thuần phong.
Cung kính thờ phụng thần kì, lễ văn phong phú.
Giờ đây: tiết thuộc mạnh đông, hỗ nghinh hoàng ốc.
Niềm thành kính đáy lòng tự phát, việc phụng thờ theo lệ thường niên. Dâng vịnh ca chương, khúc tiêu thiều nhạc tấu ung dung. Yến nghi lễ phẩm dâng. Khói hương ngát tỏa ngọt ngào.
Hạc thờ chầu đối trước sân uy nghi lẫm liệt
Trọn lòng tôn kính, lòng người vui vẻ bội phần, Niềm thành kính thảy được thần linh cảm cách. Khiến độ mọi điềm lành phúc lớn trên phù đất nước vững chãi lâu dài, dưới hộ muôn dân an khang rạng rỡ.
Các giáp nhân thọ nghĩa hưng thảy được nhân khang vật phụ các xóm nam bắc tây đông an sinh nghiệp tài hóa dồi dào.
Võ phỉ sức ngang Chu Tước Hán phù văn đạt trúng Đường khoa Tống mục.
Đẹp thay lễ nghi trọn vẹn dâng ca thanh miếu một chương, dành hương cơ trù ngũ phúc.
B. THẦN TÍCH THẦN SẮC
Tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam, trong thư mục kí hiệu TT-TS FQ4 18/XXVI/46 là bản khai Thần Thành Hoàng của xã Trung Trữ nay là làng Trung Trữ xã Ninh Giang Hoa Lư Ninh Bình. Bản khai đề ngày 13 tháng giêng năm 1938 do Lí trưởng Đinh Hữu Toại kí tên, đóng triện. Theo bản khai, làng Trung Trữ thờ 7 nhân thần, 3 thiên thần và có 26 sắc phong.
Nhân thần:
1. Đinh Tiên Hoàng. huý Bộ Lĩnh:
Thờ tại Đình làng, tượng ngồi trên long sang long cung.
2. Lê Đại Hành. huý Lê Hoàn:
Thờ tại Đình làng, tượng ngồi trên long sang long cung.
Hai ngài, được 9 sắc phong:
Gia Long năm thứ 9
Minh Mệnh năm thứ 5
Thiệu Trị năm thứ 2 (2 sắc phong)
Tự Đức năm thứ 3
Tự Đức năm thứ 13
Đồng Khánh năm thứ 2
Duy Tân năm thứ 3
Khải Định năm thứ 9
3. Bảo Quang Hoàng Thái Hậu:
Thờ tại Đình làng, tượng ngồi trong long cung..
Bà, được 3 sắc phong: Thành Thái năm thứ 13
Duy Tân năm thứ 3
Khải Định năm thứ 9.
4. Đức Lê Triều Trung Tôn Hoàng Đế, 2 sắc phong:
Duy Tân năm thứ 5
Khải Định năm thứ 9.
5. Đức Lê Triều ngọa Triều Hoàng Đế, 1 sắc phong:
Khải Định năm thứ 9.
6. Đức Lê Triều Đông Thành Đại Vương Tôn Thần, 1 sắc phong: Khải Định năm thứ 9.
7. Đức Lê Triều Kình Thiên Đại Vương Tôn Thần, 1 sắc phong: Khải Định năm thứ 9.
Thiên thần:
8. Anh Linh Sơn Động Chủ Tể Uy Linh Thần.
Thờ tại chùa. Thần tượng
Ngài được 3 sắc phong: Thành Thái năm thứ 16
Duy Tân năm thứ 3
Khải Định năm thứ 9.
9. Bản Thổ Hương Sơn Linh Ứng Đại Sơn Thần.
Thờ tại miếu, long ngai.
Ngài được 3 sắc phong: Thành Thái năm thứ 16
Duy Tân năm thứ 3
Khải Định năm thứ 9.
10. An Trấn Khôn Sơn Uy Linh Thần.
Thờ tại Miếu, long ngai.
Ngài được 3 sắc phong:Thành Thái năm thứ 16
Duy Tân năm thứ 3
Khải Định năm thứ 9.