Làng Trữ. P1


Làng Trung Trữ xã Ninh Giang huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình có lịch sử trên 500 năm tuổi.
Để có được một cái tên làng, tổ tiên Trung Trữ phải mất 27 năm (từ 1492 đến 1519) qua 3 đợt đầu đơn.
1. Theo phả họ Đinh Thế, năm Canh Dần–Hồng Đức thứ 23 (1492), cụ Đinh Thế Dong cùng một số dân làng Trường Yên Thượng ra giữ giới phía đông. Lúc đầu các cụ ở nhờ đất La Cầu để khai phá ruộng hoang.
2. Vào năm Đoan Khánh thứ tư Ất Sửu (1508), cụ Đinh Thế Dong có thêm người em là Đinh Nhữ Cần, sau đó có thêm hai người họ Lê và họ Nguyễn cùng ra giữ mốc giới, khẩn hoang. Nhận thấy do địa dư xa cách, mỗi khi làng Trường Yên có lễ lạp, các cụ lỡ về chậm hoặc đóng góp không đầy đủ, thường bị phạt vạ. Vì vậy các cụ xin phân sách xã dân và lấy tên làng là Trung Thôn. Đợt sơ khởi này gồm 9 người đầu đơn (Đinh Thế Dong, Lê Hữu Phù, Nguyễn Thế Kiên, Lê Văn Quất, Lê Cảnh Châu, Đinh Nhữ Cần, Nguyễn Ích Tráng, Nguyễn Bá Ký và Nguyễn Bá Khải). Đến năm 1512 lại xin sách xã dân tiếp, nhưng vì khó khăn về lương thực nên phải bỏ dở.
3. Ngày 10 tháng 12 năm Hồng Thuận thứ Năm (1513) các cụ tiếp tục đầu đơn xin sách xã dân, cử thêm 10 cụ nữa (gồm Lê Văn Quốc, Lê Thúc Khanh, Đinh Đức Thiệu, Đinh Đức Vinh, Đinh Tá, Đinh Khể, Đinh Văn Thuật, Nguyễn Văn Khủê, Đinh Nhữ Trung và Đinh Khương).
4. Đến năm Quang Thiệu thứ Tư Kỉ Mão (1519) Nhà nước cử Nha môn về chia ruộng đất và cho thành lập xã riêng biệt. Trong 1.000 mẫu ruộng chia làm 6 phần, làng Trường Yên Thượng 5 phần, làng Trung Thôn 1 phần ở nhiều xứ đồng khác nhau. Trong bát vạn sơn thì Trung Thôn được 2,5 quả núi.(đó là núi Chùa, núi Gòi và nửa núi Dếnh, cũng có thể là núi Chùa, núi Đất và nửa núi Gòi).
Về hành chính, căn cứ vào Văn tế tổ, đợt đầu làng cử cụ Đinh Thế Dong làm xã Chánh, cụ Lê Hữu Phù làm xã sứ, cụ Nguyễn Thế Kiên làm tiến công lang. Đến đợt sau làng lại bầu cụ Đinh Thế Dong làm xã chánh, cụ Nguyễn khắc Nhân làm xã sứ, cụ Đinh Khể làm xã thần. Sinh đồ Lê Văn Quốc hoàn chỉnh địa bạ và làm đơn xin gia nhập tổng Bạch Cừ.
Xem xét các bờ giới cũ, căn cứ vào câu phương ngôn : “chùa Bần, núi Đất, đường Cộc, rộc Cùng”. Chúng tôi cho rằng đây là bản đồ đầu tiên của làng Trung Trữ.
* Chùa Bần: được xây dựng tại chân núi Gòi, lợp tranh, có lẽ vì thế gọi là bần (nghèo).
* Núi Đất: Vườn Tớp (cầu Gỗ từ xóm Đông ra sau đồng).
* Đường Cộc: đường từ xóm Tây đến bến Hàng.
* Rộc Cùng: từ ngòi Gấm, nội Dện, cửa Đình, xuống Quán Vinh, hết cánh đồng Tắc Giang.
Như vậy, năm 1492 Cụ Đinh Thế Dong đặt nhát cuốc đầu tiên cho sự hình thành một làng mới nên được coi là năm thành lập làng Trung Trữ.
Và, sau 27 năm, qua 3 đợt đầu đơn Nhà nước đã chia ruộng đất, núi sông cho thành lập xã mới – xã Trung Trữ. Năm 1519 là năm chính thức hóa về mặt Hành chính Quốc gia.
* Lý giải về đặt tên làng là Trung Trữ, nhiều bậc cao niên sống ở đầu thể kỉ XX nói rằng: đây là nơi tập trung kho lương từ thời Đinh Lê, với các kho mắm muối ở gần hang núi, trên bến dưới thuyền.
Những tên làng trong quá khứ:
* Trung Thôn: ghi trong phả họ Đinh Thế.
* Trung Trữ: trong “mộc phả” có tiêu đề “Đinh – Lê – Nguyễn tam hộ cộng lập” lưu tại từ đường họ Đinh Thế, theo đó làng có tên là Trung Trữ.
* Trung Phong: xuất hiện trong một số bài tấu, bài ca dùng trong tế lễ. Theo ngọc phả làng Bãi Trữ, đô đốc Vũ Đình Huấn đã lấy ngọn núi giữa làng Trung Trữ làm đài chỉ huy đánh thắng đồn Gián Khẩu, đặt tên núi là Trung Phong, theo đó làng có tên Trung Phong.
Cũng có tài liệu nói Trung Phong là một trong ba cửa ngõ Tam Phong của kinh đô Hoa Lư thời Vua Đinh
Về phân bố dân cư:
Đến triều Thuần Phúc (1562-1565) niên hiệu Mạc Phúc Nguyên, Hương trưởng là Nguyễn Điêu, hiệu Nguyễn Bá Liêu, làng đã có 400 dân.
Theo thống kê trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Trung Trữ có 589 suất đinh. Ruộng đất chỉ có 137 mẫu Bác bộ. Bình quân chưa đầy 3 sào. Bình quân đầu người chỉ hơn 1 sào.
Đến năm 2004, Trung Trữ có 648 hộ, 2.114 nhân khẩu, chia thành 3 xóm, gồm: xóm Nam, xóm Đông, xóm Tây.
Quá khứ đã có nhiều sự phân chia xóm khác nhau. Đầu thế kỉ XX có 5 xóm: xóm Dứa (Nam), xóm Giữa (Trung Đông), xóm Đông, Xóm Tây, xóm Đình.
Thời kì Hợp tác hóa chia xóm nhỏ hơn theo Đội sản xuất. Gồm:
Nam1, Nam 2, Nam 3, Nam 4 thuộc Hợp tác xã Nam Tiến
Xóm Đông, Trung Đông thuộc Hợp tác xã Đông Phương Hồng
Tây Bằng, Tây Sơn, xóm Đình thuộc Hợp tác xã Hồng Kỳ
Sát nhập 3 hợp tác xã trên thành Hợp tác xã Trung Trữ
Sau hợp với hợp tác xã Bãi Trữ thành Hợp tác xã Trung Bãi Trữ.
Quy mô dân số: Mặc dù có sự bùng nổ dân số ở thế kỉ 20 nhưng Trung Trữ luôn giữ ở con số khoảng 2.000 nhân khẩu. Sở dĩ như vậy, vì Trung Trữ đã có một số cuộc di cư lớn, nhất là thời kì những năm 60 thế kỉ XX dưới hình thức đi khai hoang (Hoà Bình, Tuyên Quang), sau năm 1975 là Bạc Liêu. Nhiều nhất là định cư tại Thành phố Ninh Bình, Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hoà Bình,Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên..
Và, nguyên nhân không kém phần quan trọng là quy mô gia đình nhỏ (hai con) đã được thực hiện tốt ở Trung Trữ.
Trung Trữ trong cộng đồng thôn xã qua các thời kì:
Tháng Giêng năm 1946, các làng: Trung Trữ, Bãi Trữ và Phong Phú hợp thành xã Trung Sơn; làng La Mai và La Vân hợp thành xã Liên Mai.
Tháng 11 năm 1948 Trung Sơn và Liên Mai hợp thành xã Liên Sơn.
Tháng 7 năm 1949 Liên Sơn hợp với Hợp Thành thành xã Ninh Hòa.
Tháng 7 năm 1954 Ninh Hòa tách ra hai xã như cũ.. Xã Liên Sơn cũ đổi tên thành xã Ninh Giang như ngày nay.
Theo văn tế tổ làng, Trung Trữ có chin họ, (cửu tộc” gồm:
1. Họ Đinh. Thủy tổ là cụ Đinh Thế Dong, dòng dõi Đinh Tiên Hoàng, gốc làng Đại Hữu. Cụ có công đầu lập nên làng Trung Trữ, được tôn là Hương Tiên thờ tại đình làng
2. Họ Lê – Thủy tổ cũng từ Trường Yên Thượng ra, cùng người họ Đinh và họ Nguyễn lập nên làng.
3. Họ Nguyễn – Thủy tổ cũng từ Trường Yên Thượng ra cùng người họ Đinh họ Lê lập nên làng.
Ba họ Đinh, Lê, Nguyễn cùng nhau đầu đơn xin lập xã mới. Đây là ba họ đầu tiên lập nên làng Trung Trữ.
Con cháu nối đàn, đến nay đã trên 500 năm.
4. Họ Bùi. Thủy tổ gốc làng Phù Đổng Bắc Ninh.. Cụ là Suất Đội của Mĩ Quận công Bùi Danh Khuê, tướng quân của Mạc Mậu Hợp. Người con thứ ba của cụ là Bùi Huy từ La Mai ra Trung Trữ lập nghiệp. Cụ Bùi Huy trở thành thủy tổ họ Bùi Trung Trữ. Đời thứ 9 có cụ Bùi Quốc Trinh (1805 – 1876) đỗ cử nhân, làm quan Án Sát, có nhiều công lao với làng. Được dân làng tôn là Hương Quan, thờ tại đình làng.
Khi làng lập Văn tế Tổ làng, Trung Trữ đã coa chin họ, gồm:
Họ Nguyễn (ngoại), Họ Vũ, . Họ Ngô,. Họ Đoàn, Họ Phạm, tạo thành cửu tộc có tên trong văn tế tổ làng.
Ngoài chín họ tộc ghi trong văn tế, theo sự phát triển của xã hội, nhiều dòng họ đến sau lập nghiệp tại làng Trung Trữ. Cũng là họ Đinh, nay thêm Đinh Duy, Đinh Văn, Đinh Hữu, Họ Nguyễn, họ Bùi, Họ Vũ cũng vây. Theo thống kê chưa đầy đủ Trung Trữ hiện có 31 cửa họ (Không chung huyết thống)
Các dòng họ đến lập nghiệp tại mảnh đất này dù sớm hay muộn đã đoàn kết, chung tay giữ làng, góp phần dựng xây đất nước, làm nên một làng Trữ giầu truyền thống và bản sắc Văn hóa. Một minh chứng là một gia đình họ Đinh rời bản quán đến Trung Trữ hồi trước Cách mạng tháng Tám 1945. Đất Trung Trữ đã giúp Gia đình họ Đinh này vượt qua nạn đói Ất Dậu, và đóng góp cho Trung Trữ 3 lão thành cách mạng , 1 cán bộ tổ chức dày dạn kinh nghiệm và 1 phó Chủ tịch tỉnh được học hành, đào tạo bài bản.
Trung Trữ không quên nguồn cội của mình từ Trường Yên Thượng – đất của vua Đinh, vua Lê.
Người Trung Trữ, xây đình thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, Thái hậu Dương Vân Nga, Hoàng gia triều Đinh, Hoàng gia triều Lê, Tứ trụ triều đình. Tôn các vị là thần thành hoàng làng.
Ở vùng này, chỉ có đình Trung Trữ là thờ tự như vậy. Ngày 8/3 âm giỗ Vua Lê, Ngày16/8 âm giỗ vua Đinh, Ngày 15/10 lễ Kỳ Phúc. Đến nay vẫn tế lễ hàng năm.
Đinh Bộ Lĩnh người làng Đại Hữu – Ninh Bình, khởi nghiệp nhà Đinh, dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên triều đại độc lập tự chủ đầu tiên của Đại Việt. Kinh đô Hoa Lư sánh ngang hàng kinh đô Tràng An
Lê Hoàn người Thanh Hóa, lên ngôi ở kinh đô Hoa Lư, đánh tan mấy vạn quân Tống xâm lược, bình Chiêm giữ yên bờ cõi.
Hai vị vua – hai anh hùng dân tộc, nhân dân Trung Trữ là hậu duệ tạc tượng thờ hai vị trong long ngai, ngồi trên long sàng. Giỗ kị hàng năm.
Thái hậu Dương Vân Nga – Người Nho Quan Ninh Bình (có thuyết nói bà người Văn Lung) Bà được tạc tượng thờ trong long ngai, ngồi bên tả, nhìn thẳng.
Đinh Tiên Hoàng bị ám hại, để lại con trai 6 tuổi kế nghiệp Hoàng Ðế, Dương Vân Nga đã phải cáng đáng những khó khăn vượt quá sức mình.
Sự nghiệp thống nhất đất nước vừa được hoàn thành, bị đe doạ từ nhiều phía. Bên ngoài phong kiến phương Bắc sửa soạn đại binh xâm lược. Bên trong, các triều thần tranh chấp gay gắt có nguy cơ nổ ra nội chiến lớn. Là người có tầm nhìn xa thấy rộng, Dương Vân Nga nhận rõ chỉ có Thập Ðạo tướng quân Lê Hoàn là người có khả năng giải quyết tình hình nghiêm trọng ấy.
Khi đề cao võ công văn trí của Ðinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, những anh hùng của công cuộc thống nhất đất nước không thể không kể đến sự cống hiến của Dương Vân Nga đối với đất nước. Có thể xem Dương Vân Nga là cầu nối giữa Ðinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, người làm cho công cuộc thống nhất đất nước do Ðinh Bộ Lĩnh khởi xướng được Lê Hoàn hoàn tất. Sự nghiệp chính trị của người phụ nữ ấy đã không được sử liệu chú ý đến mà lại cứ tập trung vào thân phận làm vợ của bà.
Nếu Dương Vân Nga không biết đặt lợi nước lên trên quyền lợi của dòng họ, bà có thể dựa vào một quyền thần để chống lại quyền thần khác, ngoan cố bảo vệ ngai vàng cho đứa con nhỏ của mình, sẽ gây ra nạn bè đảng, tranh chấp, đẩy đất nước vào hoàn cảnh rối loạn. Vậy mà chỉ vì Dương Vân Nga đã lấy chiếc long bào choàng lên vai Lê Hoàn, về sau lại trở thành vợ Lê Hoàn mà sử sách phong kiến đã xoá sạch công lao của bà. Ngược lại cách nhìn nhận trên, nhân dân ta có thái độ rộng lượng và đúng đắn. Vùng Hoa Lư còn lưu truyền thuyết đẹp về Dương Vân Nga nhằm ghi nhận công lao của bà.
Sau khi mất bà Dương Vân Nga được nhân dân tạc tượng thờ. Tương truyền xưa kia tượng bà được thờ ở đền vua Ðinh. Ðến thời hậu Lê, có viên quan cho rằng “xuất giá tòng phu”, nên mới rước bà sang đền vua Lê, người đời vẫn để bà quay mặt về phía đền vua Ðinh với ý nghĩa là bà vẫn có tình nghĩa với nhà Ðinh.
Có một điều rất độc đáo là bức tượng bà Dương Vân Nga thờ tại đền Lê có chiều sâu nội tâm thay đổi theo 3 góc nhìn khác nhau. Nếu nhìn chính diện, ta thấy bà hiện lên như một bậc mẫu nhi thiên hạ, đoan trang, phúc hậu, hơi có vẻ nghiêm nghị, lạnh lùng. Nếu nhìn nghiêng theo bên phải (từ trong ra) bà hiện ra với khuôn mặt buồn bã, tựa như khi chứng kiến cảnh đất nước trước nguy cơ “nghìn cân treo sợi tóc”. Còn nhìn nghiêng theo bên trái (từ ngoài vào) ta lại thấy khuôn mặt ấy đã thay đổi: gương mặt bà thanh thoát, tươi tắn hơn với nụ cười mỉm. Cái tài hoa của người tạc bức tượng là ở chỗ: vẫn là một con người nhưng nhìn từ những góc độ riêng ta sẽ thấy hiện lên ba gương mặt, ba tâm trạng khác nhau.
Ở đình Trung Trữ, tượng Thái hậu Dương Vân Nga được thờ trong hậu cung gian bên phải, ngồi trong long ngai.
LỄ HỘI:
Trung Trữ, hàng năm có các ngày lễ trọng và lễ thường.
Lễ trọng: Khai xuân hạ lão, ngày 2 tết Nguyên đán.
Giỗ Vua Đinh Tiên Hoàng, 16 tháng 8 âm.
Giỗ Vua Lê Đại Hành, ngày 8 tháng 3 âm .
Kì Phúc, ngày 15 tháng 10 âm .
ChạpTổ, ngày 1 tháng 12 âm
Lễ thường: Rằm tháng Giêng.
Tiết Thanh Minh.
Mồng Ba tháng Ba âm .
Mồng Năm tháng Năm âm .
Rằm tháng Bảy.
Tiết Trung Thu (Thu tế)
Tuỳ Lễ mà quy định lễ vật và hình thức tế lễ.
Hội Trung Trữ mở vào năm Tý mỗi giáp (12 năm một lần). Lễ hội kéo dài nhiều ngày từ 10 đến 15 tháng 3 âm lịch, có nhiều trò dân gian thể hiện văn hóa sông nước của miền cố đô Hoa Lư như bơi thuyền, bơi trải, lặn, bắt vịt, leo cầu, đu tiên, hát Xẩm xoan, hát Chèo sân đình, cờ người, tổ tôm điếm.. Hội vật Trung Trữ nổi tiếng không kém hội Trường Yên. Nơi ông “Gạo Vàng” vác phiến đá to lội tắt đồng Chanh về bắc cống làng.
Ở vùng này, xưa còn có Hội La:
Nhất vui là hội Phủ Dầy
Vui là vui vậy không tầy hội La