Lời giới thiệu

Xuôi Quốc lộ 1A về phía nam cách Hà Nội 80 cây số, vượt qua cầu Gián Khẩu là làng Trung Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Làng được bao bọc bởi 3 con sông: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Chanh – thuộc cố đô Hoa Lư – “Hạ Long cạn”.
Trung Trữ, một làng thuần nông như hàng vạn làng quê khác. Cả chiều dài lịch sử hình thành và tồn tại của làng, họ vẫn quen giữ nếp sống tằn tiện, căn cơ. Hẳn nhiều người còn nhớ đĩa đèn dầu lạc, dầu bông như một thiết bị kỳ diệu tối tối thắp sáng từng nhà. Canh được múc bằng muôi làm từ gáo dừa, rưới mắm bằng vỏ trai. Đi làm đồng xa có vỏ quả bầu già đựng nước vối. Thuở đó, nằm màn là một điều xa lạ đối với không ít người, họ xua đuổi muỗi bằng bó lá mía tươi hoặc đốt nắm giẻ rách cho muỗi sặc khói bay đi, đóng kín cửa lại là ổn. Ai đó đi dép làm đồng sẽ bị nhìn với con mắt dè bỉu và đàm tiếu… với nhu cầu đơn giản đó, người làng Trữ bằng lòng với cuộc sống tự sản, tự tiêu, tự cung, tự cấp. Đã có một thời người Trữ hầu như bó hẹp trong luỹ tre làng mình.
Nhưng cuộc sống đâu có dừng chân tại chỗ, trong dòng chảy của lịch sử, của dân tộc, Trung Trữ không ngoại lệ. Người dân Trung Trữ đã nhanh chóng thích nghi, ra sức góp phần công sức, xương máu của mình cùng nhân dân cả nước thúc đẩy dòng chảy lịch sử dân tộc sớm đến đích. Người dân Trung Trữ ngày nay và cả mai sau sẽ mãi trân trọng, tự hào, gìn giữ và phát huy những gì mà cha ông mình đã làm. Đó là những trang sử hào hùng mà các thế hệ đã viết nên bằng mồ hôi và máu của mình.
Trang sử đó đã được lịch sử ghi nhận bằng danh hiệu cao quý “Xã anh hùng” mà Trung Trữ là một thành tố rất quan trọng, xứng đáng với danh hiệu “Làng có công với nước”, “Làng Văn hóa”,”Di tích Lịch sử”…Cũng như bao làng quê Việt Nam, làng Trung Trữ được làm nên và nhận diện bởi: ao làng, sân đình, cây đa, bến nước và với phong tục truyền thống hào hùng đời đời dựng xây, những tập tục đúc thành hương ước, những quy định thành văn hoặc tập tục bất thành văn, những câu chuyện truyền miệng từ đời này sang đời khác để nhớ, để thương, để da diết về một cái tên làng, một phần xương cốt, máu thịt làm nên hình hài Văn hóa làng, những tế bào của thực thể văn hóa Việt Nam. Nó đúc luyện nên sức mạnh của một làng, của nhiều làng, của cả dân tộc Việt Nam
Một dân tộc gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, dân tộc ấy bất diệt và trường tồn..