Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Mắm tép làng Trữ


Ngày xưa, đồng ruộng còn nhiều, nên người ta thường đi riu tép, khi đó người dân thường riu tép ở ao ông Long, thùng Đấu, hoặc mương ở cánh đồng Tắc Giang; những năm gần đây đồng
ruộng ngày một ít đi, các loài tôm, tép tự nhiên cũng ngày càng khan hiếm, tép dùng làm mắm hiện nay chủ yếu là do cất vó tay ở các kênh, ngòi ven cánh đồng Diệc, chân núi Gòi, Chân mạ...(hiếm nên mới quý). 
Mợ tôi (mợ Nhự ở Xóm Nam) thường hay đi cất vó từ sáng sớm, có khi cả em Thuỷ cùng đi theo, khi mặt trời gần đứng bóng thì cũng là lúc được lưng rổ tép, sau đó mang về đem rửa sạch, để khô, lấy thính gạo rang vàng, giã nhỏ, cùng với muối trộn đều với tép theo tỷ lệ, bỏ vào hũ, có thể đổ thêm ít nước đã đun sôi để nguội, rồi bịt kín, để từ một tháng trở lên thì mắm mới ngấu, khi đó mắm có mầu đỏ tươi, mùi thơm ngọt.

(Mắm tép - Ảnh ST)
Ăn mắm tép Trung Trữ không cần cho thêm bột ngọt, vẫn có vị ngon ngọt, đậm đà. Với mắm tép, ta có thể ăn với thịt chân giò nướng, kèm khế chua và lá đinh lăng hoặc nấu với thịt ba chỉ, thịt 3 chỉ được rán cháy cạnh sau đó cho mắm tép vào rang, món này đặc biệt không thể thiếu lá gừng tươi và khế chua. Giờ đây tôi không ở quê nữa, nhưng thi thoảng có mắm tép mợ tôi lại đóng vào chai gửi cho các cháu, gọi là quà quê Trữ. Tiết trời se se lạnh, có bát mắm tép rang với thịt ba chỉ, hoặc đĩa chân giò nướng chấm mắm tép quả thật thú vị.
ĐTD



In bài này

1 nhận xét:

  1. Món ăn quê Trung Trữ cũng giống quê Gia Viễn đấy nhỉ, ngon ngon.

    Trả lờiXóa

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!