Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Nhân thần và Thiên thần được thờ tại Trung Trữ

Tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam, trong thư mục kí hiệu TT-TS FQ4 18/XXVI/46 là bản khai Thần Thành Hoàng của xã Trung Trữ tổng La Mai, huyện Gia Khánh (nay là làng Trung Trữ, xã Ninh Giang, Hoa Lư, Ninh Bình). Bản khai đề ngày 13 tháng giêng năm 1938 do Lí trưởng Đinh Hữu Toại kí tên, đóng triện. Theo bản khai, làng Trung Trữ thờ 4 nhân thần, 3 thiên thần và có 26 sắc phong.

Nhân thần:
1. Đinh Tiên Hoàng, huý Bộ Lĩnh: Thờ tại Đình làng, tượng, long sàng.
2. Lê Đại Hành, huý Lê Hoàn: Thờ tại Đình làng, tượng, long sàng.
Hai ngài, được 9 sắc phong: Gia Long năm thứ 9; Minh Mệnh năm thứ 5; Thiệu Trị năm thứ 2 (2 sắc phong); Tự Đức năm thứ 3; Tự Đức năm thứ 13; Đồng Khánh năm thứ 2; Duy Tân năm thứ 3; Khải Định năm thứ 9
3. Bảo Quang Hoàng Thái Hậu: Thờ tại Đình làng, tượng, long cung..
Bà, được 3 sắc phong: Thành Thái năm thứ 13; Duy Tân năm thứ 3; Khải Định năm thứ 9.
4. Lê Triều: Thờ tại Đình làng.
- Đức Lê Triều Trung Tôn Hoàng Đế, 2 sắc phong: Duy Tân năm thứ 5, Khải Định năm thứ 9.
- Đức Lê Triều ngọa Triều Hoàng Đế, 1 sắc phong: Khải Định năm thứ 9.
- Đức Lê Triều Đông Thành Đại Vương Tôn Thần, 1 sắc phong: Khải Định năm thứ 9.
- Đức Lê Triều Kình Thiên Đại Vương Tôn Thần, 1 sắc phong: Khải Định năm thứ 9.
Thiên thần:
5. Anh Linh Sơn Động Chủ Tể Uy Linh Thần. Thờ tại chùa, Thần tượng. Ngài được 3 sắc phong: Thành Thái năm thứ 16; Duy Tân năm thứ 3; Khải Định năm thứ 9.
6. Bản Thổ Hương Sơn Linh Ứng Đại Sơn Thần. Thờ tại Miếu, Long ngai. Ngài được 3 sắc phong: Thành Thái năm thứ 16; Duy Tân năm thứ 3; Khải Định năm thứ 9.
7. An Trấn Khôn Sơn Uy Linh Thần. Thờ tại Miếu, Long ngai. Ngài được 3 sắc phong: Thành Thái năm thứ 16; Duy Tân năm thứ 3; Khải Định năm thứ 9.

Núi con Rùa  (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư)


LỄ HỘI: Trung Trữ, hàng năm có các ngày lễ trọng và lễ thường.
Lễ trọng, gồm: Khai xuân hạ lão (Mùng 2 tết Nguyên đán), Giỗ Vua Đinh Tiên Hoàng (16 tháng 8 âm lịch), Giỗ Vua Lê Đại Hành (8 tháng 3 âm lịch), Kì Phúc (15 tháng 10 âm lịch), Chạp Tổ (mùng 1 tháng 12 âm lịch).
Lễ thường, gồm: Rằm tháng Giêng, Tiết Thanh Minh, mồng Ba tháng Ba âm lịch, mồng Năm tháng Năm âm lịch, rằm tháng Bảy, Tiết Trung Thu
Tuỳ Lễ trọng hay lễ thường, hương ước quy định lễ vật và hình thức tế lễ (xem các bài Văn tế, Chúc ước).
Ở vùng này có rất nhiều lễ hội, xưa có Hội La:
Nhất vui là hội Phủ Dầy
Vui là vui vậy không tầy hội La
Hội La 3 năm một lần tế Kỷ Yên vào các năm Thìn, Tuất; 6 năm một lần làm chay vào các năm Sửu, Mùi. Cái đặc sắc của hội La là tế các con giống vặn bằng rơm. Nghề “Hoa nam” của làng La Mai nay không còn..
Hội làng Trung Trữ mở vào năm Tý mỗi giáp (12 năm một lần). Lễ hội kéo dài nhiều ngày từ 10 đến 15 tháng 3 âm lịch, có nhiều trò như: hát Chèo Sân Đình, hát Xẩm, Chầu Văn. Tổ tôm điếm, Tam cúc điếm, cờ người. Thi đấu võ và nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, đấu vật, cử tạ, xách tạ chạy vòng quanh sân đình, đấu roi, đấu kiếm, biểu diễn võ tay không, đi quyền, đua thuyền, thi bơi, thi lặn, bịt mắt bắt dê, đuổi vịt, đu tiên, thi nấu cơm, vân vân. Trung Trữ có truyền thống thượng võ, Trai Trung Trữ, nữ Trường Yên  là nói về trai anh hùng gái thuyền quyên, của hai làng này. Tương truyền ông Đinh Hữu Lực gọi là “ông gạo vàng” vì ông ăn khỏe chỉ ăn gạo vàng mới no, ông vào Trường Yên thi vật, người ta không cho vào, ông tức giận bóp nát cây gậy. Khi về, ông vác một phiến đá to lội tắt đồng về vất ở bên cống gọi là cống đá dựng ./.
(Trungtru.net)

1 nhận xét:

  1. làng Trung Trữ là quê hương yêu dấu của tôi. Nơi đây đã ghi dấu bao kỉ niệm đẹp. Tôi vô cung yêu quý nơi này

    Trả lờiXóa

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!