Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Đô thị cổ Hoa Lư và các làng cổ

Toàn bộ xã Trường Yên hiện nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt của cố đô Hoa Lư theo quyết định 82/2003/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ năm 2003. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang có nhiều chính sách để phát triển kinh tế xã theo hướng đồng bộ du lịch lịch sử nhằm khai thác lợi thế của vùng đất cố đô.

Hoa Lư là đô thị đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Năm 970, đồng tiền Việt Nam đầu tiên đã được Vua Đinh Tiên Hoàng cho phát hành, đánh dấu sự ra đời của nền kinh tế, tài chính của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Đại Việt Sử ký toàn thư cho biết năm Thái Bình thứ 7 (976) tại đây thuyền buôn nước ngoài tới dâng sản vật, kết mối giao thương với Đại Cồ Việt. Khu di tích Hoa Lư hiện tại có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Hoa Lư cũng như Thăng Long sau này là phố chợ, núi chợ, tường Dền, thành Dền, cầu Dền, cầu Đông, tường Đông, cửa Đông và phủ Chợ.

Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, Hoa Lư vẫn mang dáng dấp của một đô thị cổ kính được quan tâm, tìm hiểu. Những ngôi nhà cổ ở đây mang nét đặc trưng của châu thổ Bắc Bộ, được hình thành từ những tục quán sinh hoạt văn hóa lâu đời. Các nhà nghiên cứu còn so sánh Hoa Lư với đô thị Tràng An, đô thị cổ nhất của Trung Hoa qua vế đối "Hoa Lư đô thị Hán Tràng An". Với núi cao, hào sâu, Đô thị Hoa Lư vừa là quân thành lợi hại, hiểm hóc vừa hùng tráng, hữu tình của một thắng cảnh.

Dấu ấn đô thị cổ Hoa Lư còn lại ở nhiều di tích và tập tục văn hóa của các làng cổ Yên Thành và làng cổ Yên Thượng.

Làng cổ Yên Thành được giới hạn bởi 3 cổng chốt: cửa bắc vào trung tâm di tích Hoa Lư, cửa bắc vào kinh đô Hoa Lư xưa tại vị trí cầu Dền và cầu Đông nối với làng Yên Thượng.

Làng nằm khá biệt lập, ba mặt giáp sông Sào Khê ngăn cách với làng Yên Thượng, phía nam giáp với các di tích trung tâm cố đô Hoa Lư, phía tây giáp với núi Đìa, núi Chợ.

Làng Yên Thành được chia thành 4 thôn: Đông, Đoài, Nam, Bắc. Đây là làng duy nhất ở Trường Yên chia thôn theo các hướng cổ truyền Việt Nam. Trung tâm xã Trường Yên thuộc làng này.

Về vị trí so với kinh đô Hoa Lư xưa thì làng cổ Yên Thành nằm ở phía bắc của thành Đông. Trong sơ đồ kinh đô Hoa Lư thì thành Đông là nơi đặt cung điện trung tâm, thành Tây là khu hậu cung, thành Nam là khu vực phòng thủ quân sự.
Nhờ ở vào vị trí đặc biệt mà làng Yên Thành có rất nhiều di tích của cố đô Hoa Lư và lưu giữ nhiều phong tục tập quán cổ truyền. Đình Yên Thành là nơi sinh hoạt của làng. Các di tích khác do làng quản lý gồm: đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Cổ Am và phủ Chợ.
Vùng núi đá Tràng An còn được gọi là thành Nam của cố đô Hoa Lư (hai vòng thành kia là thành Đông và thành Tây). Tràng An nằm trên nhiều xã trong đó có hai thôn Tràng An và Trường Sơn của xã Trường Yên.
Tràng An là một vùng non nước, mây trời hoà quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây... Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, nước chảy ra từ trần hang làm không khí trong hang mát lạnh.

Theo số liệu thống kê 2007, tại Tràng An có chừng hơn 310 loại thực vật bậc cao, một số thuộc diện quý hiếm như sưa, lát, nghiến, phong lan, hoài sơn, kim ngân, bách bộ, rau sắng, v.v. Tràng An có chừng 30 loài thú, hơn 50 loài chim, trong đó một số loài thú quý hiếm như sơn dương, báo gấm, chim phượng hoàng.
Không giống như ở Tam Cốc, Tràng An có thể tạo thành hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn.

Khu vực Tràng An được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi hình cánh cung giữa vùng chiêm trũng ngập nước đã trải qua thời gian dài biến đổi địa chất tạo thành. Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng An xưa là một vùng biển cổ, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên. Những khe nứt sinh ra do sự vận động đó dần dần hình thành các dòng chảy trong hang động đá vôi. Khu sinh thái hang động Tràng An như một "bảo tàng địa chất ngoài trời".
Tràng An có hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên hết sức đa dạng, có tuổi từ 32 triệu năm đến 6.000 năm. Dưới chân các núi đá vôi, nhiều nơi còn có các hàm ếch, là dấu tích của biển. Chính vì vậy vùng núi đá vôi Hoa Lư – Ninh Bình được gọi là “Hạ Long trên cạn”. Dưới con mắt các nhà khoa học tự nhiên, khu vực này mang giá trị của một "Hạ Long cạn", cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghiên cứu cho thấy, vỏ trái đất khu vực Tràng An – Tam Cốc có lịch sử phát triển địa chất từ 245 triệu năm đến nay gồm 6 hệ tầng tuổi Trias và hệ tầng Đệ Tứ. Khối karst cổ Tràng An – Tam Cốc mang đặc điểm nhiệt đới điển hình: những dãy núi đá hoặc khối đá vôi sót cao 150 - 200m có đỉnh dạng tháp, vòm, chuông và sườn vách dốc đứng. Phần rìa khối là các thung lũng bằng phẳng dễ úng ngập vào mùa mưa. Đặc điểm này tạo cảnh quan nhiều dãy núi đá vôi thấp trùng điệp bao quanh các thung lũng là những hồ nước nối tiếp nhau, vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Trong hệ thống hang động karst đặc sắc nhất là loại "hang sông" nằm ngang xuyên qua lòng các dãy núi lớn, ngập nước thường xuyên. Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thống kê, riêng khu Tràng An có 50 hang nước và 50 hang khô tập trung thành cụm với cấu tạo theo tầng lớp và liên hoàn do dấu vết thời kỳ biển tiến, biển thoái nên nước xâm thực, liên thông các hang động với nhau. Ở đây là các thung được nối liền với nhau bởi các hang động xuyên thủy. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi khác (ST).
In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!