Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Ninh Bình: Tập trung chăm sóc lúa mùa

(Ninh Bình điện tử) - Vụ mùa năm 2011, mặc dù có những khó khăn ban đầu về thời tiết, khí hậu khung thời vụ eo hẹp..., nhưng với sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao, quyết liệt của các cấp, các ngành nên gieo cấy lúa mùa của cả tỉnh diễn ra nhanh.

Đến ngày 29-7, cơ bản các địa phương trong tỉnh cơ bản đã gieo cấy xong lúa mùa với diện tích gieo cấy là 38.969,8 ha, (có 2.006 ha gieo thẳng) đạt 101,1% kế hoạch đề ra.
Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ lúa. Đã có 35.817 ha lúa mùa được chăm sóc đợt 1, đạt 92,9% diện tích lúa gieo cấy. Nhìn chung thời tiết, khí hậu khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, lại được chăm bón kịp thời nên lúa hồi xanh bén rễ nhanh, phát triển khá đồng đều. Theo đồng chí Phạm Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Công tác chăm sóc cần phải được tiến hành sớm, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật với phương châm “Nặng đầu, nhẹ cuối”; bón đủ, bón cân đối lượng phân cần thiết cho lúa. Đặc biệt chú ý đảm bảo đủ nước cho lúa phát triển thuận lợi nhưng cũng phải đề phòng úng ngập khi mùa mưa bão đang ở trong thời kỳ cao điểm.
Đồng chí Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho rằng: Đặc điểm của thời tiết khí hậu trong vụ mùa là nóng, ẩm, mưa nhiều… thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại lúa phát triển. Vụ mùa năm nay lại “gối” vào vụ đông xuân trước nên sâu bệnh có nhiều cơ hội lưu trú, di chuyển, di trú sang và đây có thể là vụ sản xuất mà sâu bệnh phát sinh, phát triển mạnh. Các đối tượng gây hại đáng chú ý là rầy nâu và rầy lưng trắng; sâu cuốn lá nhỏ; sâu đục thân lúa 2 chấm... Đối với các loại bệnh, do vụ mùa thường hay gặp mưa, giông, gió, bão và sau đó thì bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn sẽ phát sinh, phát triển và lây lan mạnh ở trên tất cả các trà lúa, giống lúa. Bệnh hại nặng ở những diện tích bón thừa đạm, bón muộn đạm, bón không cân đối các loại phân và những giống mẫn cảm. Thời kỳ cao điểm của bệnh là vào trung tuần tháng 8 đến thượng tuần tháng 10. Bệnh khô vằn gây hại trên tất cả các trà lúa, giống lúa giai đoạn từ phân hoá đòng đến trỗ bông và hại nặng ở diện tích cấy dày, thiếu nước, bón thừa đạm, bón phân không cân đối. Bệnh lùn sọc đen gây hại cục bộ trên các trà lúa và gây hại nặng ở các giống: LT2, Bắc thơm số 7; Quy mô, mức độ hại tương đương với vụ mùa trước…
 Do đó, trong thời gian tới, nông dân trong tỉnh cần tập trung và làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ lúa mùa: Chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời… để có được một vụ mùa bội thu.
Đinh Chúc
In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!