Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Tháng Tám trên quê hương cách mạng

Quê hương Ninh Giang đổi mới từng ngày. Ảnh: MạnhCường
Ninh Giang đổi mới từng ngày.
(NBĐT) - Những âm thanh của cuộc sống hiện tại và tiếng vọng của những ngày thu tháng Tám năm 1945 như đang giao hoà, trở thành niềm tự hào và hành trang quý giá cho lớp lớp các thế hệ người dân Ninh Giang  (Hoa Lư) trên con đường xây dựng quê hương ngày một trù phú, ấm no.
Những ngày tháng Tám lịch sử, về Ninh Giang, đâu đâu chúng tôi cũng thấy xóm làng trù mật, những cánh đồng lúa xanh mướt, thẳng cánh cò bay, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, đường làng khang trang, trường học rộn ràng không khí chuẩn bị cho năm học mới.
 Về Ninh Giang lần này, chúng tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện cùng cụ Bùi Quang Hiển, cán bộ lão thành cách mạng ở thôn Trung Trữ. Năm nay đã ở tuổi 91, song cụ Hiển còn minh mẫn. Cụ là một trong số những nhân chứng lịch sử từng tham gia giành chính quyền năm 1945. Trong câu chuyện với chúng tôi, cụ Hiển bồi hồi nhớ lại những ngày tham gia hoạt động cách mạng. Ngày đó, làng Trung Trữ nghèo đói lắm, trừ các nhà địa chủ, hương lý, còn cả làng phải đi làm thuê, làm mướn. Quanh năm lam lũ mà chẳng đủ gạo ăn, ngày Tết vẫn phải thổi cơm độn khoai, sắn. Sưu cao, thuế nặng, cổ hai tròng áp bức, người dân Trung Trữ cũng như bao vùng quê nghèo khác đã vùng lên đấu tranh đòi quyền có cơm ăn, áo mặc. Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, phong trào cách mạng ở Ninh Bình ngày càng lan rộng, từ vùng núi Nho Quan đến vùng đồng bằng Gia Viễn, Gia Khánh, Yên Mô. Trung Trữ vốn là cái nôi của phong trào cách mạng, một trong 3 nơi thành lập chi bộ sớm của huyện Gia Khánh (nay là Hoa Lư), do đó phong trào cách mạng ở đây phát triển mạnh mẽ. Giữa năm 1944, nhiều đoàn thể cứu quốc được thành lập.
Cánh đồng lúa mướt xanh (Cổng đồng)
Cụ Hiển lúc đó là một thanh niên yêu nước, đã được các đồng chí cán bộ Việt Minh giác ngộ và kết nạp vào tổ chức Thanh niên cứu quốc. Nhiệm vụ của cụ cùng các đồng chí trong tổ thanh niên cứu quốc là bí mật rải truyền đơn, dán áp phích tuyên truyền và bảo vệ cán bộ cách mạng.
Cụ Hiển nhớ lại, khí thế lúc đó sục sôi lắm, khởi đầu là Trung Trữ, sau đó là tất cả các thôn La Mai, La Vân, Bãi Trữ cũng tiến hành khởi nghĩa thắng lợi. Chỉ trong một ngày, xã Ninh Giang đã hoàn toàn giải phóng, chính quyền về tay nhân dân. Trong khí thế sục sôi của những ngày khởi nghĩa, sáng ngày 20-8-1945 dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, các đoàn thể cứu quốc, tự vệ chiến đấu cùng quần chúng nhân dân xã Ninh Giang tay cầm gậy gộc, giáo mác, cờ đỏ sao vàng hoà cùng đoàn quân cách mạng của các địa phương khác kéo về tỉnh lỵ, huyện lỵ giành chính quyền về tay nhân dân. Cụ Hiển có mặt trong dòng người tham gia biểu tình khởi nghĩa giành chính quyền.
Núi Chùa làng Trữ
Câu chuyện của người cán bộ lão thành Bùi Quang Hiển thêm sống động khi nhắc đến sự đổi thay của quê hương Ninh Giang. Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, truyền thống quật cường của quê hương luôn là niềm tự hào và là hành trang quý giá đối với lớp lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi đây. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, người dân Ninh Giang đã và đang làm chủ khoa học công nghệ, làm giàu ngay trên đồng đất quê hương mình. Đồng chí Bùi văn Hải, Bí thư đảng uỷ xã Ninh Giang phấn khởi cho chúng tôi biết: Vừa qua, Ninh Giang là một trong 3 xã của huyện Hoa Lư được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Đây là điều kiện thuận lợi để Ninh Giang tiếp tục phát huy nội lực, tiến xa hơn trên chặng đường phát triển.
Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Ninh Giang đã đoàn kết, năng động và giành nhiều kết quả mới trong phát triển KT-XH. Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, đưa giống lúa có giá trị hàng hoá cao vào sản xuất. Năng suất, sản lượng lúa tăng cao qua các năm. Năm 2005 đạt 10,8 tấn/ha; năm 2009 đạt 12,41 tấn/ha; năm 2010 đạt 13,1 tấn/ha. Vụ đông xuân năm nay toàn xã gieo cấy 325,36 ha, trong đó diện tích cấy lúa cao sản, lúa chất lượng cao là 110 ha; năng suất lúa bình quân đạt 73,35 tạ/ha.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ về sản xuất vụ đông, Ninh Giang đã phát triển trồng ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau màu các loại. Vụ đông năm 2009-2010, toàn xã trồng 168,72 ha, trong đó có 157,72 ha đậu tương, sản lượng vụ đông quy thóc đạt 335 tấn. Cùng với trồng trọt, xã đã mở rộng, phát triển và đa dạng hoá các loại con nuôi có giá trị hàng hoá cao. Đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều hộ nông dân có thu nhập bình quân hàng năm từ 70 đến 100 triệu đồng. Nhằm giải quyết việc làm cho lao động lúc nông nhàn, trong 5 năm (2005-2010), xã đã mở 7 lớp dạy nghề thêu ren, khâu chăn bông, móc hộp xuất khẩu, may mặc cho 450 người. Các ngành nghề khác như sản xuất vật liệu xây dựng, chất đốt, xay xát, vận tải được duy trì và phát triển, hàng năm giải quyết việc làm cho 300-350 lao động.
Cùng với phát triển kinh tế, diện mạo nông thôn cũng có nhiều khởi sắc với các công trình phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” như trạm Y tế xã trị giá 1,9 tỷ đồng; trường học trị giá trên 2,7 tỷ đồng, trường Mầm non đang được đầu tư xây dựng trị giá 4,5 tỷ đồng, đường giao thông 2,1 tỷ đồng; lắp đặt đường cấp nước sạch cho 3 thôn trị giá 2,5 tỷ đồng... Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên về mọi mặt. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 4,3% theo tiêu chí cũ. Hàng năm, toàn xã có trên 90% số hộ đạt Gia đình văn hoá, 8/8 thôn, xóm giữ vững khu dân cư tiên tiến, 5/5 làng văn hoá và 2/3 cơ quan văn hoá.
Kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội tạo tiền đề để Ninh Giang bước vào một giai đoạn phát triển mới với quyết tâm thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nên diện mạo, nhịp sống mới trên quê hương giàu truyền thống cách mạng. MC
In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!