Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Trận chống càn đầu tiên của du kích Trung Trữ


Đến đầu năm 1948 xã Trung Sơn có một trung đội du kích 35 người (Trung Trữ 32, Bãi Trữ 1, Phong Phú 2), một đại đội dân quân (bao gồm cả Bạch đầu quân ở 3 thôn) gần 200 người, một đội cứu thương 10 người (có 6 nữ), một đội tiếp tế 8 người và một tổ quân báo liên lạc 6 người. Trung đội du kích được xã cấp 2 mẫu ruộng để sản xuất tự túc lương thực, mua vải may trang phục thống nhất. Biên chế thành 3 tiểu đội, đứng chân chủ yếu tại thôn Trung
Trữ. Xóm Đông 1 tiểu đội do anh Ngô Chung làm tiểu đội trưởng, xóm Tây 1 tiểu đội do anh Vũ Như Quyến làm tiểu đội trưởng, xóm Nam 1 tiểu đội do anh Đinh Thế Thư trung đội phó kiêm tiểu đội trưởng. Ông Nguyễn Ninh xã đội trưởng kiêm trung đội trưởng du kích. Trang bị có 4 súng trường, mấy trăm quả lựu đạn, gần 100 quả mìn muỗi, 3 quả bom cải tiến thành địa lôi, còn lại là dáo mác, mã tấu, kiếm… do từng đội viên tự sắm. Trung đội du kích có nhiệm vụ chính là chiến đấu giữ làng và sẵn sàng cơ động đi chiến đấu do huyện đội điều động nếu được huấn luyện tốt các nội dung võ thuật, dùng kiếm, đao, kiếm, dáo, mác… đâm chém bù nhìn, tập sử dụng lựu đạn, chôn địa lôi, gài mìn muỗi, tập sử dụng súng và xạ kích, tập các động tác vận động: đi khom, bò, lăn…, tập chiến thuật du kích.Giữa năm 1948 tham gia đại hội “luyện quân lập công” do Liên khu 3 tổ chức, trung đội du kích Trung Sơn đoạt giải nhất khối du kích xã được Liên khu thưởng 1 khẩu súng trường .Đại đội dân quân do các bậc trung và cao niên tự nguyện tham gia. Tổ chức trung đội ở thôn, tiểu đội ở xóm. Trang bị chủ yếu là gậy, dao quắm, đinh ba… Nhiệm vụ chính là đôn đốc dân làng sơ tán, tản cư, giữ gìn an ninh, chữa cháy, bảo vệ tài sản khi dân đi tản cư.Tổ liên lạc quân báo của xã đội có 6 đội viên là thiếu niên được tuyển chọn gồm Đinh Văn Truyên sau này đổi tên là Đinh Hữu Nam, Đoàn Văn Cánh (xóm Nam), Bùi Đức Vượng, Vũ Bính (xóm Tây), Ngô Văn No (Ngô Quang Triên). Đinh Tỉnh (xóm Đông). Đinh Văn Truyên là tổ trưởng. Mỗi đội viên được trang bị 2 quả lựu đạn, 1 dao găm (tự rèn).Xã Trung Sơn nói chung, làng Trung Trữ nói riêng không xây dựng làng kháng chiến như La Mai. Ở các ngả đường từ ngoài vào làng đều làm cổng chống bằng tre khá vững chắc, lập các trạm gác hàng ngày mỗi trạm gác có 2 dân quân canh gác, kiểm tra giấy tờ. (Đội viên thiếu niên được yêu cầu tham gia nếu cả 2 dân quân chưa biết chữ). Làng Trung Trữ đã chuẩn bị chiến đấu: Đục tường làm đường cơ động nhà thông nhà để dân quân du kích vận động được nhanh, bí mật khi đánh địch. Một trong những con đường đó mà người kể chuyện này đã đi lại nhiều lần khi chiến sự diễn ra: từ chùa men theo chân núi – miếu ngoại (nay là trường Tiểu học) men theo bờ tre – vượt ngòi cạn qua đường vào sân vườn nhà ông Tràng – nhà cụ Tế Ản – nhà ông chánh Xế – nhà ông Ỉnh (Kế) – nhà cụ Sờng – nhà ông Thơ Côn – nhà ông Lang Chư – nhà ông Súy – nhà ông Thiệp (Cọc) – từ đường họ Ngô – nhà ông Ớm – nhà bà Quơn – nhà anh Trạo – nhà chú Vinh – nhà cụ Goanh (anh Diếu) – nhà cụ Lý Cửu – nhà chú Hượn – nhà chú Dưỡng rồi vượt con ngòi cạn và qua đường vào sân vườn nhà ông Túc nơi đóng quân của tiểu đội du kích xóm Đông. Trung đội du kích đào các hầm bí mật. Mỗi hầm chỉ một số đội viên biết để ẩn nấp khi làng xóm bị càn quét ác liệt. Sau này tôi được biết tiểu đội du kích xóm Đông có 2 hầm: một hầm ở vườn xoan nhà cụ Goanh (Diếu) một hầm ở sân vườn nhà ông Ộp; xóm Tây có 2 hầm: một ở sân vườn nhà anh Sanh, một ở vườn tre nhà bác Kỷ (Ỷ). Mỗi hầm đều có 2 cửa: cửa vào có nắp đạy là chum vại hoặc thúng tro đi giải hoặc mâm bún (bằng đá để vò vải sợi trong công đoạn dệt), cửa ra thông ra ao. Trên đường làng đều có dự kiến trước địa điểm để khi giặc vào, dân quân du kích chặt cây, xếp đá hộc, đặt chướng ngại vật, gài mìn muỗi…có chỗ gài vỏ lựu đạn dòng dây thép từ đống chướng ngại vật lộ ra ngoài để lừa địch “có mìn” phải dừng lại tháo gỡ, chậm bước tiến, tạo cơ hội cho du kích chặn đánh.Hai lần quân Pháp từ Nam Định theo đường sông đánh ra Ninh Bình. Lần thứ nhất vào cuối tháng Ba năm 1947, chúng bị chặn đánh mạnh ở bến Sanh – chùa He (Yên Khánh) chùa Bát, cầu Lim (TX Ninh Bình). Địch lấy Gián Khẩu làm bàn đạp đánh lên Nho Quan, nhưng 1 tầu bị tổ Badôca của Bùi Hữu Thức chỉ huy bắn cháy, chúng phải lui quân về Nam Định. Cuộc tấn công này, địch nhằm thăm dò lực lượng và khả năng kháng chiến của quân và dân ta.Sau thất bại trong chiến dịch Thu Đông năm 1947 đánh lên Việt Bắc (15/10 đến 19/12 năm 1947) quân Pháp quay lại đồng bằng mở rộng vùng chiếm đóng địa bàn lắm của người đông, đánh phá triệt hạ các cơ sở kháng chiến của ta. Để hỗ trợ cho lực lượng mở rộng vùng chiếm đóng ra Lê Xá (Bình Lục – Hà Nam); Chanh Chè (Thanh Liêm – Hà Nam; Cổ Đam ( Ý Yên – Nam Định). Ngày 17 tháng 1 năm 1948 địch dùng tầu chiến và ca nô chở 200 quân theo sông Đào, sông Đáy lên chốt giữ Gián Khẩu. Ban ngày cho tầu chạy dọc sông Đáy qua Khuốt đến Kẽm Trống thì quay lại Gián khẩu ngủ qua đêm. Mờ sáng ngày 3/2/1948 chúng bao vây và tiến công triệt phá làng kháng chiến La Mai. Hoàn tất cuộc hành quân này chúng lại rút về Nam Định.Lần thứ ba địch đánh ra vùng tự do Ninh Bình với mục đích triệt phá tiềm năng kháng chiến của ta, đánh phá triệt để các cơ sở sản xuất vũ khí của ta đặt ở vùng núi đá Văn Lâm, Vũ Lâm, Trường Yên. Mọi người đều biết tháng Ba năm 1947 địch đánh ra Ninh Bình lần thứ nhất, một xưởng sản xuất vũ khí của ta đặt tại nhà Bà Lý Thức và Chùa Trữ vẫn tồn tại, vì vậy Trung Trữ cũng là mục tiêu tấn công lần thứ 3 này của địch. Ngày 9/12/1948 địch huy động 1 binh đoàn hơn 2.000 quân gồm cả lính đánh ở địa bàn rừng núi đánh ra Ninh Bình. 1 đại đội hơn 150 tên chốt ở Gián Khẩu. Nhân dân xã Trung Sơn được lệnh tản cư. Du kích và 1 bộ phận dân quân triển khai chuẩn bị chiến đấu. Những vị trí dựng chướng ngại vật bắt đầu xếp đá, dựng đồ vật, chặt cây. Bom (địa lôi) được gài sẵn ở đầu Cầu Gỗ (xóm Đông), cống Đá Dựng (xóm Tây), Ngã tư cây gạo (xóm Nam). Một đài quan sát đặt trên đỉnh núi Chùa do 2 đội viên liên lạc – quân báo Ngô Văn No và Bùi Đức Vượng đảm nhiệm. hàng ngày 2 anh dùng chiếc ống nhòm bội số 8 (do ông Thông Đĩnh tặng xã đội) thay nhau theo dõi địch ở Gián Khẩu và sông Hoàng Long, nếu phát hiện thấy địch di chuyển quân vào làng thì gõ kẻng báo động, dùng loa báo cho dân làng, du kích biết và báo cáo với xã đội trưởng đặt sở chỉ huy ở sân Chùa để chỉ huy du kích sẵn sàng đánh địch.Khoảng 7 giờ sáng ngày 19/12/1948 đài quan sát báo cáo với xã đội có hơn 100 tên địch (106 tên) rời khỏi xóm Đáy – Gián Khẩu theo đường đồng Màu đang tiến về hướng cây đa Văn liễu. Các chiến sĩ dân quân đi đôn đốc những người dân còn lại chạy về khu vực nhà ông Vươn (xóm Nam) khi địch đến thì lội đồng sang Thanh Khê. Các chiến sĩ Du kích đưa các quả mìn đã cài sẵn vào tư thế chờ nổ, chiếm lĩnh vị trí đánh địch. Khi địch qua ngòi Vuông đến gò Con Cá, chúng không tiến theo đường Giữa Đồng đánh vào Trung Trữ mà đánh vào Bãi Trữ. Khoảng 9 giờ sáng đài quan sát báo cáo: từ làng Bãi Trữ, theo đường Đồng Hầu chúng hình thành 2 cánh. Cánh 1 có 45 tên qua nghĩa trang Bãi Trữ theo đường Đồng Hầu tiến về chòm cụ Ởm, ông Xuân; cánh 2 có 60 tên theo đường sát trại ông Tổng Bạch tiến về bến Hàng (bãi rác xóm Tây). Tổ trưởng quân báo – liên lạc Đinh Văn Truyên được xã đội trưởng giao nhiệm vụ xuống xóm Đông lệnh cho tiểu đội trưởng Vũ Như Quyến (mới lên thay tiểu đội trưởng Ngô Chung đi nhận nhiệm vụ khác). “Địch vào Trung Trữ từ hướng xóm Tây – phải có kế hoạch đánh địch từ xóm Tây sang”. Nhận lệnh, Vũ Như Quyến giao nhiệm vụ cho tiểu đội phó Ngô Tuấn tiếp tục chỉ huy tiểu đội, rồi trực tiếp dẫn các anh Đinh Suổng, Vũ Quyện và tổ trưởng quân báo xách túi đựng lựu đạn và mìn muỗi theo đường bí mật chạy về hướng xóm Tây, đến sân nhà ông Thiệp thì nghe tiếng nổ địa lôi ở hướng cống Đá Dựng và tiếng súng nổ từ phía nhà cụ Ởm, ông Xuân. Biết địch đã vào làng, 4 người bảo nhau khiêng chiếc cũi lợn nhà ông Thiệp cùng các dụng cụ cày bừa, cuốc ra đường lập một vật cản nữa và chôn một qủa mìn muỗi dưới vật cản này. Làm xong cả tổ chạy ngược lại sân nhà ông Ớm, bà Quơn chui tường sang sân nhà bà Đỡ (bà Phợn) để chặn đánh địch khi chúng đến ngã ba trước cổng nhà ông Lý Ngẫy. Địch không tiến về phía nhà ông Túc, ông Khuế vì gặp chướng ngại vật cản đường. Chúng ngoặt về phía điếm xóm Đông. Bốn du kích lưng đeo mã tấu, hai tay cầm lựu đạn chui tường về sân nhà cụ phó Lổng đợi địch. Sau khi qua chòm cụ Ởm, ông Xuân, địch chia thành 2 mũi. Mũi 1 qua cổng ông Lý Ngẫy về điếm xóm Đông, mũi 2 qua cổng nhà anh Sanh đến ngã ba nhà anh Trắc (Bút) vòng về phía điếm xóm Đông. Trên đường đi chúng phải dò giẫm, khắc phục chướng ngại vật lại bị tổ xạ kích của các anh Ngô Văn Truyện,  Ky và Lê Văn Vy theo lệnh của xã đội trưởng bố trí ở sau Miếu Ngoại bắn vào sườn bọn địch nên chúng tiến rất chậm. Khoảng giữa trưa thì hai toán quân tiến từ 2 mũi gặp nhau ở sân điếm xóm Đông. Chúng nổ súng từng loạt ra xung quanh để uy hiếp du kích, xì xồ nói với nhau những gì không ai nghe hiểu. Bất thình lình theo lệnh của Vũ Như Quyến 8 quả lựu đạn từ tay 4 chiến sĩ du kích từ sân nhà cụ phó Lổng tung ra rơi trúng sân điếm chỗ có đông quân địch nhất. Bị đánh bất ngờ những tên còn sống nổ súng loạn xạ, những tên bị thương kêu rống lên. Tổ du kích luồn tường về phía sân nhà bà Lở sãn sàng đánh địch nếu chúng tiến đến ngã ba ông Phoong (rẽ sang chòm họ Ngô). Nhưng địch đã mất hết tinh thần, gom quân dìu khiêng những tên bị thương quay lại phía đường Đồng Hầu rút sang Bãi Trữ.Cánh quân địch qua trại ông Tổng Bạch sau khi đến Bến Hàng triển khai đội hình, không dám đi trên đường, chúng dàn hàng ngang lội ruộng tiến vào làng. Chiến sĩ du kích Bùi Mâu kéo căng sợi dây thép nối quả mìn tới chỗ anh ngồi có nguy cơ bị địch phát hiện, anh quyết định kéo dây cho nổ – một ánh lửa lóe sáng, một đám khói bùng lên và một tiếng nổ kinh hoàng làm cả cánh quân địch khựng lại đổ sập xuống mặt ruộng, rồi quay đầu tháo chạy tán loạn. bỏ lại hòm đựng 30 quả lựu đạn. Gần trưa chúng tập hợp lại quân, bị chỉ huy thúc ép chúng dò dẫm quay lại, hơn chục tên đột nhập vào làng, phá cổng nhà bà Lý Thức và nhà anh Vũ Như Giản sục tìm chẳng lấy được gì bèn bắn chết mấy con lợn moi lấy tim gan rồi chuồn nhanh, rút khỏi làng.Khoảng 1 giờ rưỡi chiều tiếng loa từ trên đỉnh núi Chùa vang đi: “Địch đang rút quân về Gian Khẩu mang theo 2 cáng thương. Chiều nhân dân quay về đã khá đông. Xã đội trưởng Nguyễn Ninh xuống thực địa xem xét, ông chứng kiến nhiều vũng máu, nhiều cuộn bông băng đỏ còn vương vãi vất lại trên sân điếm xóm Đông, ở cổng nhà ông Thiệp. Một hố bom khá sâu ở mố cống Đá Dựng, hai phiến đá bắc cống vỡ ra nhiều mảnh. Hòm lựu đạn chiến lợi phẩm được tiểu đội trưởng Bùi Kỷ giao lại cho Xã đội trưởng. không một nóc nhà nào bị đốt, không một người dân nào bị giết, không một chiến sĩ du kích nào bị thương vong. Du kích còn chặn đánh liên tục gây cho địch nhiều thương vong, ta thu chiến lợi phẩm 1 hòm lựu đạn 30 quả” Đó là kết luận của Xã đội trưởng báo cáo với Chủ tịch xã. Khoảng 6 giờ chiều Xã đội trưởng quay về sân Chùa gặp cụ Lý Sảng đang chờ. Cụ xin ủng hộ du kích 3 con dê trong đàn dê 20 con chăn thả trên núi Chùa. Ông xã đội mời cụ vào xơi nước và cảm ơn cụ.Hôm sau tôi (Ngô Văn No) được giao nhiệm vụ xuống Thư Điền gửi báo cáo cho huyện đội. Tôi được biết Huyện đội trưởng, huyện đội phó xuống Văn Lâm, Vũ Lâm, Trường Yên nắm tình hình chiến đấu ngày hôm qua của bộ đội và du kích chiến đấu rất ngoan cường diệt hàng trăm tên giặc bảo vệ xưởng KI và K2 an toàn. Những nhân viên của huyện đội và nhân dân Thư Điền nói nhiều về gương chiến đấu của Thiếu niên Đinh Xuân Trình 15 tuổi làm nhiệm vụ quan sát trên đỉnh núi, bị bọn lính Ta Bo (lính đánh rừng) bao vây bắt được, Trình không đầu hàng, anh buông quả lựu đạn mỏ vịt đã rút chốt giết chết mấy tên lính Ta Bo. Trình cũng anh dũng hi sinh. Nghe chuyện tôi liên hệ đến nhiệm vụ ở đài quan sát của tôi và Bùi Đức Vượng ngày hôm qua. Tôi và Vượng đều cùng tuổi với Đinh Xuân Trình.Hai hôm sau chú Thuông báo tin dân xóm Đáy mới chôn một thằng Tây đen bị thương vào cổ, trên đường rút về căn cứ bị đồng bọn bỏ lại. Vậy là trận đánh ngày 19/12/1948 du kích Trung Trữ đã làm chết và bị thương nhiều tên địch, thu 1 hòm lựu đạn.Câu chuyện tôi kể lại hôm nay, vì là người trực tiếp tham gia trận đánh này nên nhiều sự kiện tôi vẫn nhớ như in. Vào những năm từ 2002 đến 2008 mỗi lần về quê, có điều kiện tôi lại hỏi thêm các nhân chứng trực tiếp tham gia trận đánh về các sự kiện mà hồi đó tôi chưa biết ( ví như địa điểm các hầm bí mật). Các anh Ngô Văn Truyện, các chú Ngô Tuấn, Vũ Như Quyến, Đinh Hữu Suổng đã cung cấp nhiều sự kiện quan trọng và chính xác. Tuy nhiên trận đánh đã diễn ra trên 60 năm. Hai năm sau (1950) tôi đi bộ đội nên không được chứng kiến các trận đánh rất oanh liệt sau này của du kích làng ta. Nhưng trận đánh 19/12/1948 là trận đầu du kích Trung Trữ đánh thắng giặc. Chiến công này thật oanh liệt, cần được ghi lại truyền cho các thế hệ con cháu thêm tự hào về du kích làng ta, tự hào về truyền thống đánh giặc giữ làng của ngườiTrung Trữ.Tháng 10 năm 1951, địch chia thành 3 mũi tấn công vào Trung Trữ cướp của, đốt nhà, giết người. Địch bị đánh bất ngờ trên đường làng, ngõ xóm, ở nhiều điểm và bị thương vong nặng nề phải rút chạy, mang theo nhiều cáng thương.Tháng 2 năm 1953, trong chiến dịch Tây nam Ninh Bình, địch lại cho quân càn làng Trung Trữ, Bãi Trữ. Một mặt Du kích đã bố trí trận địa chờ địch vào là đánh. Mặt khác trên đài chỉ huy ngọn núi Chùa đồng chí Đinh Thế Thư bình tĩnh dùng loa sắt chỉ huy (đánh nghi binh) làm cho địch hoang mang rút chạyTháng 3 năm 1953, địch bắn đại bác vào làng giết hại thầy giáo Bùi Hữu Lượng cùng 6 học sinh đang giờ dạy học trên lớp và 4 người dân. Ngày 24 tháng Ba âm lịch (1953) là ngày giỗ của hàng chục gia đình trong làng có người thân bị giặc Pháp giết hại.Nhưng, quân dân Trung Trữ đã anh dũng chiến đấu đánh giặc giữ làng, nêu cao nhiều gương dũng cảm, mưu trí và hi sinh anh dũng. Như anh du kích Đinh Thế Phạn bám sát địch, dùng lựu đạn đánh sát địch, Đinh Thế Thư mưu trí đánh nghi binh địch, Bùi Quyện với thanh mã tấu quần nhau với địch quanh đống rơm, trước khi rút an toàn xuống hầm bí mật.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Trung Trữ có 135 thanh niên đi bộ đội, 26 liệt sĩ. Thôn Trung Trữ và 8 gia đình được tặng bằng “Có công với nước”, 2 gia đình được Tổng bộ Việt Minh tặng “Đồng tiền vàng”.




In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!