Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Mười năm đánh Mỹ chi viện Miền Nam



Sau hòa bình lập lại việc đầu tiên là khai hoang phục hóa đảm bảo sản xuất kịp thời vụ. Sửa chữa xây đắp lại các cầu cống, đường xá bị phá hoại trong kháng chiến, đảm bảo giao thông và phát triển kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung Trữ đã trải qua các đợt vận động long trời chuyển đất: “Cải cách ruộng đất” và “Hợp tác hóa nông nghiệp” Cải cách ruộng đất thắng lợi, nông dân được chia ruộng đất vô cùng biết ơn Đảng, Bác Hồ.
Thực hiện Nghị quyết 10 của TW Đảng về sửa sai, các đảng viên bị nghi oan, bị đình chỉ sinh hoạt được phục hồi đảng tịch và chức vụ công tác.. Một số gia đình bị quy sai được xuống thành phần. Sau sửa sai, nhân dân đoàn kết, càng tin tưởng đường lối của Đảng ra sức sản xuất, tiết kiệm xây dựng đời sống và phát triển các phong trào thi đua thực hiện nếp sống mới. Năm 1959, Trung Trữ xây dựng 3 Hợp tác xã nông nghiệp ở quy mô xóm: Đông Phương Hồng, Hồng Kỳ và Nam Tiến, có 91% số hộ vào làm ăn tập thể. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình phát động phong trào mang tên “Hòn Khoai – Quang Trung” thắt chặt kết nghĩa Ninh Bình – Bạc Liêu, đấu tranh thống nhất nước nhà. Năm 1960, kỉ niệm 30 năm đời ta có Đảng, Trung Trữ đắp con đường “Ba Mươi” nối làng với Quốc lộ 1A. Đường rải đá cấp phối, hai bên trồng xà cừ. Con đường giải phóng đôi vai, đi lên Xã hội chủ nghĩa. Khi giặc Mĩ leo thang phá hoại Miền Bắc, đường 30 được mở rộng nâng cấp thành đường chiến lược, xe tải hạng nặng qua lại lên xuống cầu phao Văn Thân tránh cầu Gián Khẩu bị máy bay Mĩ đánh sập. Vừa sản xuất vừa phục vụ chiến đấu và chiến đấu, Quân và dân xã Ninh Giang cùng bộ đội bắn rơi 3 máy bay Mĩ. Có biết bao gương hi sinh anh dũng, chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm. Điển hình là nữ anh hùng Bùi Thị Thiêm và anh hùng Bùi Xuân Quý. Chị Bùi Thị Thiêm, đẹp người đẹp nết đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, tận tụy chăm sóc, cứu chữa thương bệnh binh dưới mưa bom bão đạn trong những năm kháng chiến. Chị được phong tặng danh hiệu Anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở đời thường, tuy cuộc sống vật chất của gia đình gặp nhiều khó khăn, chị luôn hòa đồng cùng bà con xóm làng xây dựng quê hương, nuôi dạy con cháu trưởng thành.
Về Bùi Xuân Quý, báo Công an Nhân dân viết như sau: Liệt sĩ Bùi Xuân Quý đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1985. Cho đến giờ, đồng đội nhân dân vẫn nhớ, vẫn cảm phục tinh thần anh dũng, kiên quyết tấn công tội phạm của anh. Theo các nhân chứng kể lại thì quãng gần mười giờ đêm ngày 9/5/1984, một tên cướp với vũ khí nóng là 5 quả lựu đạn mỏ vịt, sau khi thực hiện hai vụ tống tiền không thành, đã đột nhập vào Xí nghiệp Cung ứng vật tư xây dựng. Tại đây, tên cướp đã khống chế bảo vệ xí nghiệp, lấy được một khẩu súng trường K44 với đầy đủ đạn dược. Nhận được tin báo, Trung úy Bùi Xuân Quý cùng tổ truy lùng siết chặt vòng vây. Một cán bộ trong tổ bảo vệ xí nghiệp định dẫn tổ truy lùng tiếp cận đối tượng, song vì sợ anh chưa quen đối phó với tên cướp có vũ khí nguy hiểm nên Trung uý Quý đã ngăn lại và vượt lên trước. Mặc dù trời tối, song bằng linh cảm nghề nghiệp, anh Quý đã xác định được chỗ tên cướp ẩn náu, báo cho đồng đội. Lợi dụng trời tối, tên cướp bất ngờ nổ súng làm anh Quý trọng thương. Tổ truy lùng kêu gọi tên cướp ra hàng, song hắn vẫn rất ngoan cố. Tình thế buộc anh em phải dùng lựu đạn cay khống chế, tiêu diệt tên cướp, giải thoát cho anh bảo vệ xí nghiệp và tiếp cận đưa Quý đi cấp cứu. Vì vết thương quá nặng, trên đường tới bệnh viện, Trung uý Quý đã hy sinh. Anh đi vào bất tử.
Tổng kết hai cuộc Kháng chiến, làng Trung Trữ có: 523 Bộ đội, 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 27 Lão thành Cách mạng, 2 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, 124 Liệt sĩ, 159 Thương binh, 8 gia đình được tặng bằng “Có công với nước”, 2 gia đình được tặng “Đồng tiền vàng”./.

In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!