Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Hoa Lư đẩy mạnh việc dạy nghề cho lao động nông thôn


Làm đá mỹ nghệ ở Ninh Vân. Ảnh: Phạm Trường
Đến thăm lớp dạy nghề đính hạt cườm được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hoa Lư phối hợp với Doanh nghiệp Mỹ Tâm tổ chức tại xã Ninh An, chúng tôi thấy khá đông phụ nữ tuổi trung niên tham gia học nghề.

Chị Nguyễn Thị Ngẫm (thôn Xuân Mai) đang miệt mài bên khung vải, nắn nót đính từng hạt cườm sao cho đúng mẫu vẽ trên vải, chị cho biết:
Tôi đã học được 6 buổi và cũng nắm bắt được một số kỹ thuật cơ bản của đính hạt cườm. Nhìn chung, nghề này kỹ thuật đơn giản, những người có tuổi như chúng tôi có thể học và làm được nghề. Thường ở nông thôn sau thời điểm mùa màng bận rộn thì chị em có nhiều thời gian nhàn rỗi, nếu có nghề trong tay, vừa có thêm thu nhập cho gia đình, vừa có việc làm ổn định cũng thuận lợi. Được biết, lớp dạy đính hạt cườm tổ chức tại xã Ninh An thu hút 30 học viên tham gia. Trong thời gian học nghề, người học được hỗ trợ về nguyên liệu thực hành, sản phẩm làm ra nếu đạt tiêu chuẩn, chất lượng sẽ được thu mua nên những học viên học nghề rất phấn khởi, tin tưởng sau khi có nghề trong tay sẽ có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Cùng với lớp dạy đính hạt cườm, nhiều lao động ở xã Ninh An còn được tham gia lớp dạy nghề trồng nấm, là nghề còn mới ở địa phương. Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo xã Ninh An, được biết: Ninh An là địa phương có nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú. Toàn xã có 5 doanh nghiệp chế tác đá mỹ nghệ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập từ 2,5- 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã có 115 phương tiện vận chuyển, máy làm đất, máy xay xát, máy tuốt lúa, phục vụ nhu cầu của người dân, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Với thuận lợi là xã nằm gần Quốc lộ 1A nên xã còn có 226 hộ gia đình làm nghề kinh doanh, buôn bán cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những ngành nghề, dịch vụ kể trên phần lớn thu hút lao động là nam giới nên số lao động là phụ nữ, nhất là phụ nữ trung niên, hết thời gian bận rộn với việc nhà nông thì còn nhiều thời gian rảnh rỗi cần có thêm việc làm. 2 lớp dạy nghề đính hạt cườm và trồng nấm được tổ chức tại xã sẽ mở ra cơ hội việc làm và thu nhập cho lao động nữ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 1,5%- 2% trong năm nay.
Đối với huyện Hoa Lư, từ đầu năm đến nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở quan tâm đẩy mạnh. Huyện đã giao cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động địa phương. Căn cứ vào nhu cầu của người lao động, điều kiện thực tế của mỗi địa phương, các lớp học nghề do huyện tổ chức đều thu hút được sự tham gia của nhiều lao động và sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 11 lớp dạy nghề, mỗi lớp học nghề thu hút từ 70-100 lao động tham gia, tập trung chủ yếu vào các nghề: Khâu chăn bông, thêu ren, đá mỹ nghệ, trồng nấm, may công nghiệp... Nét mới trong công tác đào tạo nghề năm nay của Hoa Lư là đã gắn với thực tế ngành nghề ở mỗi địa phương như: Dạy nghề làm đá mỹ nghệ tại xã Ninh Vân, nghề khâu chăn bông ở xã Ninh Mỹ... Giữ vai trò nòng cốt trong công tác đào tạo nghề là Trung tâm dạy nghề của huyện. Trung tâm đã chủ động phối hợp, liên kết với nhiều đơn vị đào tạo nghề để tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động địa phương gắn với giải quyết việc làm sau học nghề. Các doanh nghiệp tham gia dạy nghề đều cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm làm ra cho người làm nghề hoặc giải quyết việc làm cho người lao động ngay tại doanh nghiệp. Ngay trong quá trình học và khi trở về sau lớp đào tạo nghề, nhiều lao động còn tích cực truyền nghề cho những người có nhu cầu trong thôn, xóm. Do đó, các nghề được tổ chức dạy với số lượng học viên không nhiều nhưng đã lan tỏa rộng ở các khu dân cư, đến được với người có nhu cầu học và làm nghề. Năm nay, toàn huyện có 2.600 lao động được giải quyết việc làm, vượt so với kế hoạch đề ra là 2.000 lao động.
Bùi Diệu


In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!