Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Ninh Giang khắc phục tình trạng khan hiếm lao động nông thôn


(NBĐT) - Ở địa phương thuần nông như xã Ninh Giang (Hoa Lư) đang gặp thực trạng thiếu lao động nông thôn. Vào thời vụ, nhiều gia đình bỏ tiền thuê lao động làm việc đồng áng mà còn không tìm được người. 
Ông Phúc ở thôn La Mai, xã Ninh Giang năm nay ngoài 60 tuổi. Mặc dù con cái đã trưởng thành song ông bà vẫn cấy 4 sào ruộng. Tiếng là làm nông nghiệp, nhưng từ vài năm nay, do tuổi đã cao, sức khỏe lại yếu nên ông bà chẳng ra đến đồng. Mọi việc từ làm ruộng, cày cấy, làm cỏ lúa đến thu hoạch lúa… ông bà đều phải thuê người làm. 
 Ông cho biết: Vào thời vụ, cũng là lúc những hộ không có lao động như gia đình tôi lo lắng tìm người làm thuê. Giá tiền thuê cấy, gặt cũng tăng dần theo từng năm và từng thời điểm. Trước đây, chỉ khoảng 50.000 đồng/công thì nay đã tăng lên khoảng 150.000 đồng, như vụ đông xuân vừa qua thì tiền công còn trên 200.000 đồng. Cũng xót ruột đấy, nhưng được việc là tốt rồi. Nhiều nhà bỏ tiền thuê mà còn không tìm được người làm. Đó cũng là trường hợp của chị Hằng ở xóm 1. Chị kể: Chồng tôi đi làm ăn xa. Tôi ở nhà bán hiệu thuốc tây và làm vài sào ruộng. Từ vài năm nay, việc đồng áng hầu như tôi phải khoán gọn cho thợ. Vụ đông xuân vừa rồi, do xã trùng khung thời vụ với các địa phương khác nên tôi không thuê được người cấy. Mạ thì đã gieo rồi, không lẽ đành để ruộng hoang? Chẳng còn cách nào, tôi đành cho người em họ cấy. Vậy là, không những phải “miễn phí” dược mạ, mà chị Hằng còn phải bỏ tiền túi ra thuê máy làm đất để cho người khác cấy. Câu chuyện của ông Phúc, chị Hằng không còn là điển hình ở xã Ninh Giang. Bà Bùi Thị Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Giang cho biết: Việc thiếu lao động nông thôn ở Ninh Giang những năm gần đây càng trở nên trầm trọng. Qua khảo sát, trong tổng số 80% hộ gia đình làm nông nghiệp, chỉ có 40% hộ gia đình có lao động làm nông nghiệp, còn lại là phải thuê người làm. Nhiều gia đình buộc phải cấy vì không tìm đâu ra người có nhu cầu để cho thầu. Xã hiện có 2ha đất phúc lợi (còn gọi là đất 5%). Trước đây, nhiều người (nhất là những gia đình trẻ) ít ruộng, có nhu cầu thầu diện tích đất này để cấy lúa với mức sản lượng là 60 kg/sào. Tuy nhiên, năm nay, mặc dù xã cho cấy ăn không nhưng cũng ít người nhận làm. Phân tích nguyên nhân của thực trạng trên, bà Sâm cho biết: Sau khi có được hạt thóc thì người nông dân phải tính đến những khoản trang trải cho hạt lúa như: tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê phương tiện chở lúa, tuốt lúa… chưa kể đến phải đối diện với “điệp khúc” được mùa mất giá, được giá mất mùa. Vì vậy, mà nhiều người dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Thậm chí có gia đình cho thầu, cho mượn hoặc bán hẳn ruộng cho người khác sản xuất để làm những nghề tuy gọi là phụ nhưng lại có mức thu nhập cao hơn từ làm ruộng. 

 Hiện, xã Ninh Giang có hơn 3.000 người trong độ tuổi lao động. Thời gian qua, việc xây dựng các KCN, CCN ở các vùng lân cận như Gia Viễn, Yên Khánh… đã thu hút một lượng lao động trẻ rất lớn. Ngay trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp may mặc đang hoạt động, thu hút trên 400 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Đối với những lao động trong độ tuổi từ 40-45 tuổi, khó xin được việc tại các công ty thì đi làm thuê. ở xã, có hẳn một nhóm lao động chuyên đảm nhận công việc làm vệ sinh nhà cửa thuê cho các gia đình ở thành phố Ninh Bình với mức thù lao 150 nghìn đồng/người/ngày công. Thế nên, ở Ninh Giang mới có thực trạng, lao động trên đồng ruộng bây giờ chủ yếu lại là… người già và trẻ em. Ninh Giang có 325 ha đất nông nghiệp. Xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, xã đã quan tâm thiết thực đến sản xuất nông nghiệp. 
Cụ thể, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, xã đã đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ cho việc tưới tiêu, đảm bảo sản xuất. Hàng năm, Đảng uỷ quan tâm củng cố Ban chỉ đạo sản xuất và xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế gắn với các mục tiêu cụ thể. Trong đó, một số nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết về sản xuất vụ mùa, vụ đông; Nghị quyết về việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng… Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn đầu tư sản xuất, Đảng bộ xã đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho bà con nông dân như: Hàng năm mua phân bón trả chậm cho các hộ nông dân khó khăn để đầu tư sản xuất; phối hợp với HTX nông nghiệp và các đoàn thể tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; các nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân cũng được triển khai một cách minh bạch đến bà con nhân dân… 
 Tuy nhiên, những sự đầu tư này sẽ không thực sự hiệu quả nếu xã Ninh Giang không sớm tìm ra lời giải cho bài toán thiếu lao động nông thôn. Tuy nhiên, trong lúc địa phương cần thời gian để nghiên cứu tìm giải pháp lâu dài, thì thiết nghĩ trước mắt, địa phương cần thực hiện có hiệu quả chủ trương “dồn điền đổi thửa”. Bởi có như vậy, địa phương mới có thể áp dụng được cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp-một giải pháp quan trọng nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng như hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!