Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Bùi ngùi về cố đô Hoa Lư

Bụi thời gian phủ lên những gì còn sót lại song đứng giữa đền vua Đinh, vua Lê vẫn không khỏi bùi ngùi về một Hoa Lư xưa. Ngày nắng, thành quách, núi non nơi cố đô hiện rõ giữa bầu trời trong xanh giúp ta cảm nhận thêm được sự hùng vĩ của mảnh đất này.
Từ Hà Nội đi 100 cây số là đến cố đô Hoa Lư, kinh đô của nước Đại Cồ Việt cách đây hơn 1000 năm.

Quang cảnh sông nước, núi non vừa hùng vĩ, vừa hữu tình nơi đất cố đô.

 
Uy nghi thành quách.

Những ngọn núi đá vôi nhấp nhô uốn theo dòng Hoàng Long. Những thửa ruộng chia ô như bàn cờ đang xanh thì con gái. Thế đất Hoa Lư với núi cao bao quanh gần như kín ba mặt Tây, Nam, Đông tạo nên những thành lũy vô cùng vững chắc.

Nơi đây còn hai di tích quan trọng là đền vua Đinh và đền vua Lê được xây dựng vào thế kỷ 17 với nghệ thuật điêu khắc trên gỗ đá. Con đường vào đền vua Đinh được che mát bởi hai hàng phượng vĩ bên đường.

Cổng vào đền vua Đinh Tiên Hoàng.

 
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng.

Phía trước đền Đinh là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa. Trên núi có lăng mộ vua Đinh. Đền Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo.Trong đó, đặc sắc nhất là nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17. Hiện đền còn lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm.

Những bức tường rêu phong màu thời gian.

Vào đền, du khách sẽ thấy cột đền đá ghi câu đối có nghĩa: "Nước Đại Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo; Hoa Lư là kinh đô Đại Cồ Việt cũng như Tràng An là kinh đô nhà Hán vậy". Trên đây là lời của Tống Cảo của sứ thần Trung Quốc đời Tống khi sang xứ nước ta ở Kinh thành Hoa Lư cũ.


Phía trước đền là sập đá.


 
Hai con nghê chầu cũng được tạc bằng đá xanh nguyên khối. 

Bước vào sân đền, du khách sẽ thấy long sàn bằng đá tảng và hai con nghê chầu cũng được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Vào hậu cung, du khách sẽ thấy tượng thờ vua Đinh được đúc bằng đồng đặt trên tảng đá xanh.

Ngô Quyền có công chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, mang lại độc lập cho Tổ quốc. Nhưng sau đó đất nước lại rơi vào tình trạng loạn 12 xứ quân. Lúc đó, người anh hùng lấy bông lau Đinh Bộ Lĩnh đã có công dẹp loạn và thống nhất lại đất nước, đem lại bình yên cho dân tộc.

Đền vua Lê Đại Hành ...
 
... Với cùng một lối kiến trúc như đền vua Đinh Tiên Hoàng.

Đền vua Lê cách đền vua Đinh 300 m cũng có chung một cấu trúc. Đền vua Lê qui mô nhỏ hơn nên không gian trong đền khá gần gũi. Cách đền vua Lê 200 m, là chùa Nhất Trụ, được xây từ đời vua Lê Đại Hành, trước cửa chùa có cột đá hình tám cạnh, khắc bài kinh Lăng Nghiêm do nhà vua làm để dâng nhà Phật.

Bia đá chạm voi giờ nằm giữa cây cỏ.
 
Đền thờ người anh hùng đánh Tống, bình Chiêm.
 
Nét cũ chỉ còn mờ ảo như những dòng chữ khắc. Tương truyền rằng một người phụ nữ mơ thấy hoa sen nở trong bụng rồi bẩm thai, sau sinh ra Vua Lê Đại Hành, người sau này đánh Tống, bình Chiêm, 1 lần nữa đưa nước Việt về cảnh thái bình, trăm họ an cư lạc nghiệp.

Tất cả đều mang sự rêu phong của thời gian.
 
Về Hoa Lư, du khách còn được ghé thăm những ngõ đá đặc trưng.
 
Hay cưỡi trâu, phất cờ lau như vua Đinh ngày xưa.

Về với Hoa Lư là về với miền đất cố đố, miền đất cội nguồn với hàng trăm di tích, thắng cách làm say lòng du khách (tinmoi.vn)./.
In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!