Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Ninh Giang: Phát triển nông nghiệp toàn diện


Nông dân Hoa Lư thu hoạch lúa mùa

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới của xã Ninh Giang (Hoa Lư), vẫn chọn sản xuất nông nghiệp là hướng đột phá. Vì thế, xã đã từng bước đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, xây dựng thêm nhiều mô hình điểm với mục đích là đưa nông nghiệp của xã phát triển toàn diện. 

Xác định nông nghiệp là thế mạnh hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ninh Giang đã không ngừng đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây lúa để có năng suất, chất lượng tốt nhất. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đã đầu tư xây dựng hơn 4 km kênh cứng, tiến hành nạo vét hơn 3.000 km kênh mương. Đặc biệt, với việc đưa vào hoạt động 2 trạm bơm: Quán Vinh và Bà Loán vào năm 2009, không chỉ đảm bảo tưới, tiêu cho 340 ha lúa của xã sản xuất tốt 2 vụ lúa/năm, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trồng cây vụ đông.
Trong năm 2010, xã đã tổ chức được 10 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa và rau màu cách sử dụng phân bón hợp lý, kỹ thuật trồng cây vụ đông, cách phòng trừ sâu bệnh… thu hút đông đảo bà con tham gia. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp bà con nâng cao hiểu biết về KHKT, hướng tới năng suất lao động cao, chất lượng tốt. Người dân cũng đã được hướng dẫn cách làm nghề nông một cách khoa học, lựa chọn nghề sản xuất ra loại sản phẩm có giá trị cao, thị trường tiêu thụ rộng... Nhờ đó, thời gian qua cơ cấu mùa vụ, cây trồng được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều cây trồng có năng suất, chất lượng được đưa vào canh tác như: lúa cao sản, đậu tương, khoai tây, ngô… Nếu như năm 2009, toàn xã mới có 50 ha lúa chất lượng cao thì vụ đông xuân năm 2010, diện tích cấy lúa cao sản đã tăng lên 109 ha. Năng suất lúa tăng từ 10,8 tấn/ha (năm 2005) lên 13 tấn/ha (năm 2010).
Thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 01 của Huyện ủy về sản xuất cây vụ đông, nhân dân trong xã đã tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện đảm bảo diện tích theo kế hoạch. Vụ đông năm 2010, bà con trong xã đã mở rộng diện tích trồng cây vụ đông lên 178,72 ha, chủ yếu là đậu tương, rau màu, ngô…, như vậy, mặc dù diện tích trồng lúa giảm (do thu hồi phục vụ một số dự án trên địa bàn), nhưng nhờ tăng diện tích lúa cao sản, lúa tái sinh và mở rộng diện tích trồng cây vụ đông nên tổng sản lượng lương thực có hạt vẫn ổn định. Vụ đông xuân vừa qua, tổng sản lượng đạt 2.447tấn; ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm địa phương, xã đã triển khai nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ cá, cải tạo ruộng trũng để nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, mô hình chuyển đổi ruộng cao, khó khăn về nước tưới sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đồng chí Tống Vạn Tường, Chủ tịch UBND xã cho biết, mấy năm trước, thu hoạch lúa xong thì bà con không biết làm gì, trong khi đồng đất thì để hoang hóa. Sau khi xã phổ biến kỹ thuật trồng rau xanh, nhiều gia đình trồng thử nghiệm và đã có thu nhập khá.
Ngoài tập trung phát triển cây lúa, thời gian qua xã Ninh Giang còn đẩy mạnh đa dạng hóa các loại con nuôi. Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, xã hết sức chú trọng tới công tác tiêu độc, khử trùng, thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, do vậy nhiều năm liền trên địa bàn xã không để xảy ra dịch bệnh. Nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển chăn nuôi, trong vòng 5 năm trở lại đây, Hội Nông dân xã đã khai thác từ các nguồn vốn vay cho 290 hộ vay với số tiền là 2 tỷ đồng. Từ một địa phương làm ăn nhỏ lẻ, giờ đây Ninh Giang đã nổi lên thành một xã phát triển mạnh ngành chăn nuôi với nhiều mô hình tập trung, an toàn theo hình thức công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, toàn xã có 17 trang trại nuôi lợn, gà công nghiệp với số lượng lên tới hàng nghìn con. Mới đây, xã đã triển khai thí điểm dự án nuôi cá rô đồng cho 5 hộ với số lượng 30.000 con...
Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa ngành nông nghiệp phát triển toàn diện của xã Ninh Giang trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi diện mạo của vùng quê thuần nông, thể hiện rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 4,3% (theo tiêu chí cũ).
Nguyễn Hùng

In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!