Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Tiếng mõ Sộp ngày 29 – 6 – 1931


Trung Trữ là đất hiếu học. Thời Minh Mệnh, ông Bùi Quốc Trinh học giỏi nhưng nhà nghèo. Ông chuyên giã gạo thuê lấy tiền ăn học. Sau khi đỗ đạt làm quan Án Sát, về quê ông tặng 4 xóm 4 cối đá giã gạo. Ông mua mấy chục mẫu ruộng làm đất “học điền”, xây nhà “học xá” để làm lớp học và hội họp. Noi gương ông, con cháu đều hiếu học. 

Năm học 1925 – 1926 cả tổng La Mai chỉ có 1 trường tiểu học La Mai. Số học sinh Trung Trữ đông hơn La Mai và các làng khác, các bô lão trong làng làm đơn xin với Tuần phủ Ninh Bình cho chuyển trường về Trung Trữ hoặc mở thêm trường mới. Năm học 1926 – 1927 trường Tiểu học Trung Trữ được thành lập tại đình Trung Trữ. Thầy giáo Nguyễn Văn Quế người Sơn Tây được điều về đây dạy học. Thầy Quế đã tuyên truyền ảnh hưởng của Quốc Dân đảng ở Trung Trữ, khơi dậy lòng yêu nước, căm ghét Pháp xâm lược trong nhân dân. Thầy đã gây dựng được 1 tổ gồm 8 người, là các ông: Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Bùi Hồng Ân, Đinh Hữu Toại, Bùi Bổng, Vũ Khôi, Đinh Thế Hân, Vũ Xương.Đánh hơi thấy phong trào yêu nước, thực dân Pháp cho tay sai theo dõi, tháng Ba năm 1929 chúng bắt thầy giáo Quế khi thầy đi công tác ở Thị xã Ninh Bình. Sau đó chúng điều thầy giáo Quế lên Cao Bằng dạy học. Cuối năm 1929 thầy giáo Phạm Quang Thẩm được điều về dạy học ở trường Tiểu học Trung Trữ. Phạm Quang Thẩm đã mang ánh sáng Cách mạng về đây. Phạm Quang Thẩm quê làng Chi Phong, tổng Thái Phú, huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Đồng chí Lưu Văn Uý công nhân mỏ than Mạo Khê, bị mất việc đã cùng Phạm Quang Thẩm về Trung Trữ cùng Phạm Quang Thẩm tuyên truyền cách mạng. Do chưa bắt được liên lạc với tổ chức Đảng nên các đồng chí chưa biết chủ trương lựa chọn những người tích cực trong Thanh niện cách mạng đồng chí hội để tổ chức vào đảng Cộng sản. Đồng chí Phạm Quang Thẩm thành lập tổ chức cách mạng gồm 6 người. Đó là: Phạm Quang Thẩm, Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Bùi Hồng Ân, Đinh Hữu Toại, Đinh Thế Hân (và Vũ Xương kết nạp sau).Vào khoảng tháng 12 năm 1930 đồng chí Nguyễn Doãn Chấp (tức giáo Mã, Lý Đình Rù, Hai Nghệ…) quê Thanh Hóa, Tỉnh uỷ viên Ban chấp hành tỉnh đảng bộ Nam Định phụ trách thôn bộ bắt liên lạc với Phạm Quang Thẩm. Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lựa chọn những hội viên tích cực của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tổ chức một chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng, gồm 5 người: Phạm Quang Thẩm, Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Đinh Hữu Toại, Bùi Hồng Ân, do đồng chí Phạm Quang Thẩm làm bí thư.Đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Gia Khánh và cũng là một trong các chi bộ thành lập sớm ở Ninh Bình. Từ chi bộ Trung Trữ cơ sở cách mạng lan truyền sang các thôn Thanh Khê, Bạch Cừ huyện Gia Khánh, Thượng Hòa, Địch Lộng huyện Gia Viễn. Chi bộ đã lấy hang Miếu Nội Trung Trữ làm nơi thành lập. Đồng chí Phạm Quang Thẩm đã viết lên vách hang đá hai chữ “Việt Cường” bút danh của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp – nêu cao tinh thần tự cường của dân tộc. Từ đây hang miếu Nội còn có tên là hang Việt Cường – tên gọi của các đồng chí cách mạng.Sau đó chi bộ thành lập các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Phụ nữ giải phóng. Đồng chí Phạm Quang Thẩm lấy hang “Giai nhân” ở núi Chùa làm nơi đọc sách báo của thanh niên.Sau khi đã thống nhất và chắp nối các tổ chức cách mạng ở vùng nông thôn hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định, Tỉnh uỷ Nam Đinh quyết định ra tờ báo bí mật phục vụ chỉ đạo phong trào cách mạng ở vùng nông thôn, lấy tên là “Hưởng ứng” với ý nghĩa là hưởng ứng phong trào Xô Viết nghệ Tĩnh. Đầu năm 1931 Tỉnh uỷ Nam Định đã chuyển cơ sở in báo từ thôn An Cừ huyện Ý Yên về hang Miếu Nội Trung Trữ. Đồng chí Phạm Quang Thẩm chịu trách nhiệm nội dung, bài vở do Tỉnh uỷ chỉ đạo. Tổ in ấn do đồng chí Lưu Văn Uý làm tổ trưởng, và các đồng chí Nguyễn Viễn, Đinh Hữu Toại, Nguyễn Ninh.Báo “Hưởng ứng” cùng với nhiều tờ truyền đơn, tài liệu tuyên truyền cách mạng được ấn hành, phong trào cách mạng ở Trung Trữ được đẩy mạnh hơn nhiều. Nhân dịp kỷ niệm ngày Lê Nin từ trần 21 – 4 chi bộ Trung Trữ đã tổ chức cắm cờ búa liềm có đề 5 chữ “Đông Dương Cộng sản đảng” trên núi Nhội và trụ cầu Gián Khẩu. Đồng thời rải truyền đơn khắp các ngả đường từ làng ra đường cái. Năm chữ Đông Dương Cộng sản đảng do đồng chí Nguyễn Ninh viết bằng tay trái ở hang miếu Nội. Tổ cắm cờ núi Nhội gồm có Nguyễn Kiện, Nguyễn Ninh, Nguyễn Tốn. Tổ cắm cờ ở cầu Gián Khẩu gồm có Đinh Thạnh, Nguyễn Viễn, Đinh Hữu Toại và thiếu niên Đinh Văn Khoáng. Kế hoạch cắm cờ đã thành công rực rỡ.Các tài liệu, báo chí của đảng được truyền tay, thơ ca cách mạng được truyền miệng trong nhân dân. Phong trào luyện tập võ, tập quyền khá rộng rãi. Một số người đánh dao bảy, rèn dao quắm làm vũ khí chuẩn bị lên đường tranh đấu ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.Tháng 4 năm 1931, chuyển sang in báo “Dân cày” tờ báo của Tỉnh uỷ Nam Định phát hành từ 1-1- 1929. Tờ báo “Dân cày” in được 1 số ở Trung Trữ thì phong trào bị khủng bố. Tổ in thu nhỏ hoạt động không in báo cho tỉnh, chỉ in truyền đơn tuyên truyền.Ngày 6-5-1931, Tri huyện Gia Khánh về trường Tiểu học Trung Trữ bắt đồng chí Phạm Quang Thẩm. Cơ sở đảng không bị lộ, phong trào vẫn phát triển.Vụ chiêm năm 1931, hạn hán kéo dài, mùa màng thiệt hại nặng, sưu cao thuế nặng, đời sống của nhân dân ngày càng cùng quẫn. Trước tình hình đó Đảng bộ Tỉnh Ninh Bình triệu tập hội nghị liên huyện Gia Viễn, Gia Khánh, Nho Quan họp tại nhà ông Đinh Văn Đợt thôn Trung Trữ, bàn thực hiện chủ trương của Tỉnh Đảng bộ vận động quần chúng lên đường đấu tranh ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hội nghị nhất trí mục tiêu của cuộc đấu tranh là chống sưu cao thuế nặng để nhân dân đỡ khổ. Tư tưởng chỉ đạo là phải kiên quyết, dùng hình thức đấu tranh hợp pháp để đạt mục đích mà địch không có cớ đàn áp. Vì vậy phải nhẫn nại vận động nhân dân làm đơn và kéo lên Tỉnh xin khất thuế.Để tập dượt quần chúng qua đấu tranh trực diện với kẻ thù, làm cho họ tin vào sức của mình, tin vào đảng, bước đầu phải lãnh đạo nông dân đấu tranh trực diện với chủ ruộng, đòi tăng kì được công gặt, lấy cớ phải tăng công gặt mới có tiền nộp thuế cho Nhà nước. Thực hiện mục tiêu đấu tranh đòi giảm bớt sưu cao cho dân, Đảng bộ Ninh Bình nêu khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, như “khất thuế”, “ khất sưu”, xin “nộp dần”, xin “phân trưng” (tức nộp dần, nộp một nửa cho đến khi nộp hết trong một thời gian nhất định).Cuộc đấu tranh đòi tăng công gặt ở Trung Trữ trở nên quyết liệt, khi chủ ruộng và nông dân xô xát trên đường làng. Lý trưởng được thuyết phục trước, đã khéo léo khuyên nhủ chủ ruộng rút về nhà. Phần đông điền chủ đã chấp nhận tăng công gặt, nhưng còn một số ngoan cố làm đơn kiện lên Hội đồng hương lý. Sáng ngày 20 – 5 (4-4 Tân Mùi) Hội đồng Hương lý họp tại đình Trung Trữ bàn vấn đề công gặt. Chi bộ đưa một số nông dân ra đình đấu tranh làm áp lực chính trị, đồng thời giao nhiệm vụ cho hội viên nông hội đỏ có chân trong Hội đồng hương lý đấu tranh với bọn hương lý ngoan cố. Cuối cùng Hội đồng hương lý lập biên bản xác nhận công gặt từ 4 gánh lấy 3 đon lên mức 4 gánh lấy 1 bó. ( tức 8 bó lấy 1 bó).Có kinh nghiệm của cuộc đấu tranh đòi tăng công gặt, thực hiện chủ trương của đảng bộ Ninh Bình “Phát động cao trào đấu tranh chống thuế vào tháng 6 – 1931”. Tối ngày 28-6-1931 (13-5Tân Mùi) các chiến sĩ cách mạng họp nông dân tại điếm xóm Đông bàn kế hoạch sáng sớm hôm sau đi biểu tình chống thuế. Chi bộ chọn khẩu hiệu “khất sưu” cho phù hợp với tình hình. Trong cuộc họp này chi bộ đã vận động nông dân làm đơn khất sưu với lý do mất mùa, tiền công rẻ mạt, đời sống khó khăn, không công ăn việc làm. Theo kinh nghiệm của xã Vân Trình nông dân kí đơn vòng tròn từ dưới lên để địch không phát hiện người đứng đầu đơn mà bắt bớ. Có 177 người kí vào đơn. Hội nghị cử ra ban đối chất, ban trật tự, có bộ phận liên lạc trong và ngoài. Thống nhất yêu cầu, mức độ đấu tranh, đảm bảo thắng lợi. Hội nghị nhất trí lấy tiếng mõ gốc cây sộp trước cửa Miếu Nội làm hiệu lệnh.Sáng sớm ngày 29 tháng 6 năm 1931, ông Nguyễn Ngôn đánh 3 hồi 9 tiếng mõ Sộp, từng tốp từ ngõ xóm tập trung tại điếm xóm Đông, lên đường kéo về Tỉnh “khất thuế”. Đoàn có 300 người. Đến cầu Huyện nông dân các làng Thanh Khê Hạ, Áng Ngũ, Đại Áng… cũng tham gia. Đoàn biểu tình lên tới 500 người. Đoàn đến Đới Nhân, Tri huyện Phạm Lệ cho lính ngăn lại không nổi, liền về tỉnh kêu Tuần phủ và Chánh sứ. Viên Chánh sứ Morlo sai Tuần phủ Phan Đình Hòe và Cẩm Tây đem lính đón đường giải tán “đám biểu tình”. Gần đến Thị xã Ninh Bình, đoàn biểu tình bị bọn lính có vũ trang chặn lại, Cẩm tây, Tuần phủ không chịu nhận đơn. Hai bên giằng co căng thẳng. Tên Cẩm tây hô lính giương súng dọa bắn. Đoàn biểu tình cứ đi, ông Bùi Xích phanh áo ngực và hô: “Đây! cứ bắn đi! Dù chết cũng không lui”. Ông Bùi Hoa Hạnh bị Cẩm Tây hành hung, ông dùng võ suýt quật ngã tên này, nhưng bị lính bắt dẫn về nhà pha. Lập tức có tiếng hô: “Ta đi cả vào nhà pha, chết đống hơn sống một người”. Cuối cùng Tuần phủ Phan Đình Hòe đứng ra hứa sáng mai sẽ về đình Trung Trữ giải quyết.Sáng ngày 30-6-1931 chánh sứ Ninh Bình Từ Nguyên Mạc về đình Trung Trữ tìm người cầm đầu. Dân lại kéo về đình thêm đông. Thấy vậy, Từ Nguyên Mạc bảo dân làm đơn khác kí tên tại chỗ, rồi nhận đơn đem về Tỉnh.Kết quả cụ thể năm ấy được giảm 10% tiền sưu ( tức 0,25đ bằng 18 kg thóc). Mấy ngày sau, Từ Nguyên Mạc cho tay sai về Trung Trữ bắt đi 21 người. Không có bằng chứng gì, chúng vẫn mở phiên toà xử án tù 11 người từ 6 tháng đến 1 năm hoặc án treo. Khoảng tháng 9 năm 1931 đồng chí Nguyễn Doãn Chấp bị bắt tại Ý Yên trên đường đi công tác. Phong trào ở Trung Trữ mất liên lạc. Đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt gần hết. Phong trào cách mạng ở Trung Trữ tạm lắng xuống!Nhân dân Trung Trữ lấy ngày 29 tháng Sáu làm ngày truyền thống quê hương. Và, ngày này cũng là ngày truyền thống của nông dân huyện Hoa Lư.
Cụ lão thành cách mạng Lưu Văn Úy (1908-1984) người làng Chi Phong tỉnh Thái Bình cùng đồng chí Phạm Quang Thẩm hoạt động cách mạng thời kì 1930-1931, năm 1963 về thăm Trung Trữ cụ có thơ :
Trung Trữ danh lam thắng cảnh hay
Ninh Giang lịch sử cũng nơi này
Một chin ba mươi năm có Đảng
Tung bay cờ đỏ sáng từ đây 
Huyện lệ quan Tây đều bó gối 
Địa chủ cường hào phải khoanh tay
Bộ mặt làng thôn nay đổi mới
Đồng quê bát ngát rạng trời mây.

In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!