Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Công binh xưởng Trung Trữ


Vào tháng 10-1946, ông Binh Cường lính thợ của Pháp bỏ ngũ về quê đã chế thử một quả lựu đạn, ném nổ thành công. Tháng 11-1946 Uỷ ban Hành chính xã Trung Sơn quyết định thành lập tổ sản xuất lựu đạn để trang bị cho du kích của xã. Gồm các ông: Binh Cường, Đinh Trố, Đinh Tuý, Đội Xứng, Đinh Boa, Đinh Ngữu, Bùi Tuyển, Đinh Ngọc Nãi, Vũ Rơi. Địa điểm sản xuất đặt ở nhà ông Đinh Diếu, xã điều cho hai bễ lò rèn của ông Phoọng và ông Nhung. Nguyên liệu là xoong, nồi, cuốc cùn, liềm hái…do đội Thiếu niên Cứu quốc thu nhặt, quyên góp. Ban đầu lò nấu đặt ngoài trời, đốt bằng than củi, gang không chảy.
Sau chuyển về 3 gian nhà tranh chuyên chăn tằm ươm tơ của bà Ký Kiểm, gang chảy nhưng có khả năng cháy nhà. Sau đó chuyển về nhà bà Lý Thức lợp ngói. Một tháng đúc được 150 vỏ lựu đạn.Ông Lương Nhân tỉnh uỷ viên, uỷ viên Quân sự (sau này là Thiếu tướng Cục trưởng Cục Hậu cần) về xem xét và quyết định thành lập xưởng sản xuất vũ khí của tỉnh Ninh Bình đặt tại chùa Trung Trữ. Điều 10 người đến nâng cao tay nghề tại Công binh xưởng K1 trung đoàn 34 đặt tại hang Luồn xã Trường Yên. Mời ông Ninh Văn Tràng thợ cả nghề đúc Tổng Xá – Ý Yên – Nam Định cùng 2 thợ, đem theo nồi nấu gang, vật liệu làm khuôn vào giúp. Ông Tài Quy chủ xưởng sửa chữa Ô tô duy nhất của Thị xã Ninh Bình lúc bấy giờ ủng hộ 1 máy nổ, 2 cỗ máy tiện, máy khoan và toàn bộ dụng cụ êtô, đe búa… Tỉnh huy động 3 thuyền ván đinh (loại 50 tấn) chuyên chở toàn bộ ống gang dẫn nước sạch bóc dỡ (tiêu thổ kháng chiến) từ Thị xã Ninh Bình về Trung Trữ làm nguyên liệu sản xuất vũ khí.Đến tháng 2 năm 1947 số thợ lên đến 50 người, gồm 40 là người Trung Trữ, sản xuất tại xưởng, ăn ngủ tại nhà mình và 10 thợ từ Tổng Xá và K1 đến đều ăn nghỉ tại nhà bà Lý Thức. Bà nuôi 10 thợ này trong 3 tháng ròng rã.Ngày 10 -2 -1947 lô lựu đạn đầu tiên 200 quả ra lò. Anh Đinh Trố ném thử tại chân núi Thuyền Rồng, lựu đạn nổ ngay khi đập làm nát bàn tay (bị nhiễm trùng, anh đã hy sinh).Điều chỉnh lại, ngày 20-2-1947 ông Vũ Xứng ném thử ở sau đình bị thương cụt bàn tay.Lần thử thứ 3, ngày 10-3-1947 Đinh Thợng xung phong ném thử tại vườn Bái, thành công mỹ mãn..Đến ngày Pháp đánh ra Ninh Bình (23-3-1947) xưởng đã sản xuất được 2.500 quả lựu đạn, 300 quả mìn cung cấp cho bộ đội, du kích trong tỉnh.`
Do xưởng sản xuất đặt tại chân núi Chùa chỉ cách bốt giặc Hoàng Đan 2 km nên tháng 5-1947 Tỉnh quyết định chuyển xưởng về làng Văn Lâm thuộc vùng núi Tam Cốc xã Ninh Hải, mang tên K2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!