Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Vua Lê Đại Hành

Đền thờ vua Lê Đại Hành tại Hoa Lư, Ninh Bình 
     Lê Đại Hành tên thật là Lê Hoàn quê ở Thanh Hóa. Cũng có thuyết nói Lê Hoàn quê ở Hà Nam. Cho nên ở Thanh Hóa cũng như ở Hà Nam còn có nhiều dấu tích và thời niên thiếu của Lê Hoàn. Trong cuộc đời 64 năm của Lê Hoàn (941-1005) có tới 37 năm gắn bó với kinh đô Hoa Lư,

kể từ khi xây dựng kinh đô Hoa Lư (968-1005) và 34 năm kể từ khi Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân cho đến khi mất (971-1005). Nếu kể cả thời gian đầu, Lê Hoàn đi theo Nam Việt Vương Liễn, con cả vua Đinh, chỉ huy hai nghìn quân, tham gia dẹp loạn mười hai sứ quân, thng nhất đất nước thì thời gian Lê Hoàn gắn bó với vùng đất Ninh Bình ngày nay còn hơn thế nữa, sử sách không cho biết rõ, nhưng các di tích đã phản ánh ít nhiều về điều đó. 
Hiện nay, có 10 di tích thờ Lê Hoàn trên đất Ninh Bình :
1, Đền vua Lê Hoàn, xã Trường yên, huyện Hoa Lư.
2, Đình Yên Trạch, xã Trường yên, huyện Hoa Lư.
3, Đình Trung Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư.
4, Đền Đồng Bến, phường Đông Thành, thị xã Ninh Bình.
5, Đền Thượng Ngọc Lâm, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô.
6, Đình Quảng Công, xã Yên Thái, huyện Yên Mô.
7, Đình Từ Đường, xã Yên Thái, huyện Yên Mô.
8, Đền Nội Thị Lân, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh.
9, Đình Ngọc Nhị, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan.
10, Đình Ngọc Ba, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan
Vậy Lê Hoàn theo Việt Nam Vương Đinh Liễn từ khi nào? Sử cũ không ghi, chỉ biết rằng Xương Văn, Xương Ngập ở triều đình Cổ Loa đem quân đánh động Hoa Lư năm 951, hàng tháng trời không thắng đã treo Đinh Liễn đang làm con tin lên cây sào dọa rằng "nếu không hàng sẽ giết Liễn", thì lúc ấy Đinh Liễn còn nhỏ. 
 Ngày nay ở nơi Đinh Bộ Lĩnh xây dựng căn cứ ban đầu ở hai bờ tả ngạn, hữu ngạn sông Bôi vùng động Hoa Lư có nhiều truyền thuyết về Lê Hoàn đã có mặt ở đây. Truyền thuyết kể rằng khi trưởng thành, Lê Hoàn từ Tanh Hóa ra Thanh Liêm (Hà Nam) thăm mộ ông và đi theo Đinh Liễn. Như vậy có thể vào các năm 959, 960 Lê Hoàn đã 18, 19 tuổi. Hiện nay đình Ruối, thôn Ngọc Ba xã Gia Thủy, huyện Nho Quan ở hữu Ngạn sông Bôi thờ Lê Hoàn và Đinh Bộ Lĩnh, với truyền thuyết là các ông đã luyện quân ở đây. Như vậy, Lê Hoàn đã có mặt ở động Hoa Lư, căn cứ ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh. Từ động Hoa Lư, Lê Hoàn đã cùng với Đinh Bộ Lĩnh tiến lên dẹp loạn mười hai sứ quân thống nhất đất nước. Ngôi đền rất quan trọng ở Cố đô Hoa Lư là đền thờ Lê Hoàn, tương truyền được xây dựng trên nền cung điện của kinh đô Hoa Lư. 
Theo truyền thuyết, thì sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (Hà Nội) nhân dân ta đã xây dựng đền vua Lê Đại Hành. Nhưng có lẽ lúc đầu chỉ có một ngôi đền thờ chung cả Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Dương hậu hay Dương Văn Nga. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết từ thời Lê Sơ trở về trước, nhân dân làm đền thờ, đặt tượng cả ba vị cùng ngồi. Như vậy có thể hiểu là tượng ba vị trong một ngôi đền. Thời Đinh - Lê - Lý - Trần, phật giáo chiếm ưu thế và dần dần trở thành quốc giáo, thì chưa nảy sinh quan hệ phê phán quan hệ của Lê Hoàn với Dương Văn Nga. 
Về sau do phân xã, tách thôn thành Trường Yên và Trường Yên Hạ, người ta mới chia thành hai đền là đền Thượng và đền Hạ. Làng Yên Thượng làm đền Thượng hay đền vua Đinh thờ Đinh Tiên Hoàng và các con của Ông. Làng Yên Hạ làm đền Hạ hay đền vua Lê thờ vua Lê Đại Hành, Lê Ngọa Triều và Thái hậu Dương Văn Nga. Hai làng chăm lo tu sửa đền riêng của làng mình, dần dần hai đền có nhiều điểm khác nhau. Đền thời Hậu Lê, nhất là từ thời Lê Thánh Tông (1460-1297) trở đi, lấy Nho giáo làm quốc giáo, với thuyết quân thần, phụ tử, người ta mới phê phán Lê Hoàn là "cướp ngôi" nhà Đinh. Với thuyết "tam tòng tứ đức" người ta mới phê phán Dương Văn Nga không chung thủy với Đinh Tiên Hoàng và mới có thuyết rước tượng bà từ đền vua Đinh sang đền vua Lê. Điều này còn được thể hiện ở đình Trung Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư: làng Trung Trữ do nhân dân Trường Yên chuyển ra lập làng mới vào thể kỷ XV. Khi xây dựng làng mới, nhân dân Trung Trữ đã xây dựng một ngôi đình thờ chung cả Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Thái hậu Dương Văn Nga. Về sau khi tạc tượng, người ta vẫn để cả tượng Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Dương Văn Nga cùng ngồi chỉ đặt tượng của Lê Đại Hành và Dương Văn Nga lui xuống một chút. Có thể ở lại ít đến, nên quan điểm bình dân của nhân dân đã được bảo lưu: Người ta cho rằng chồng chết lấy chồng khác là việc bình thường. 
Có trường hợp cả dân Trường Yên thượng và Trường Yên hạ đi xây dựng làng mới, nhưng khi chỉ dân Trường Yên hạ thì người ta chỉ lập đền thờ riêng Lê Hoàn như ở làng cũ của mình. Đó là vào thế kỷ XV, một bộ phận dân Yên Hạ đi lập làng mới ở Ngọc Lâm (nay thuộc xã Yên Lâm, huyện Yên Mô) họ đã lập ngôi đền thờ Lê Hoàn đúng kiểu cách "nội công ngoại quốc" như ở Trường Yên. Trong 25 năm làm vua ở kinh đô Hoa Lư (980-1005), Lê Hoàn có hai võ công lớn là "kháng Tống" năm 981 và "bình Chiêm" năm 982. Chiến trường chống Tống xảy ra ở Bạch Đằng, Chi Lăng và tây Kết, không xảy ra ở vùng đất Ninh Bình nên không để lại dấu vết gì. Nhưng Ninh Bình là nơi xuất binh, trên đường hành quân của Lê Hoàn. 
Năm 981, Lê Hoàn đã xuất phát từ kinh đô Hoa Lư theo sông Sào Khê ra sông Hoàng Long vào sông Đáy, xuôi xuống phía Nam đến cửa biển Đại Ác ra biển hay theo dòng sông nhỏ; sau gọi là sông Đào, sang sông Hồng để đi đánh Tống. Do đó, ở thôn Thị Lân, xã Khánh Ninh, huyện Yên Khánh, nay là thị trấn Yên Ninh gần sông Đáy có đền Nội thờ Lê Hoàn vì ông đã đi đánh Tống qua đây. Đến Đồng Bến thuộc thôn Phúc Am, nay thuộc phường Đông Thành, thị xã Ninh Bình thờ Lê Hoàn. 
Ngày xưa ở bên bờ sông Vân vẫn có đền Thượng, thuộc thôn Phúc Am, xã Ninh Thành, trong đền có đôi câu đối: 
Khước Tống khải ca lưu thử địa 
Tiếp Đinh chính thống thụ vu thiên. 
(Nghĩa là: Khúc ca thắng Tống còn truyền ở đất này/ nối tiếp nền chính thống của nhà Đinh hợp với mệnh trời) 
Sau khi chống Tống một năm, năm 982, Lê Hoàn lại xuất phát từ sông Sào Khê ra sông Hoàng Long vào sông Đáy, rẽ vào sông Vân, xuôi xuống sông Trinh Nữ, qua cửa bể Thần Phù để vào nam đánh Chiêm Thành. 
Dấu tích cuộc hành quân này còn có nhiều truyền thuyết ở vùng cửa bề Thần Phù, nay là thôn Thần Phù, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ở thôn Quảng Công và thôn từ Đường, xã Yên Thái, huyện Yên Mô có hai ngôi đình thờ Lê Hoàn với ý nghĩa là ông đã đi đánh Chiêm Thành qua đây. Như vậy là tỉnh Ninh Binh, nơi đã gắn bó gần cả cuộc đời Lê Hoàn, có các di tích ghi lại sự nghiệp xây dựng kinh đi Hoa Lư, xây dựng Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền, củng cố nền thống nhất quốc gia và dấu tích của hai lần võ công "kháng Tống, bình Chiêm" của ông./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!