Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Hoa Lư thi tập



(NXBGDVN) - Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội,năm 2010 NXB Giáo Dục xuất bản Hoa Lư thi tập của tác giả Hoàng Quang Thuận. Tập thơ (gồm 121 bài thơ) thấm đượm một tình yêu sâu sắc và chân thành đối với vùng đất của các hang động kỳ ảo giữa những đỉnh núi đá trầm mặc mây mù bao phủ, với những ngọn núi thiêng, những con suối trong lành được gọi là long mạch. Thế giới ấy là nuớc Đại Việt xưa, nay gọi là Việt Nam.

Hoa Lư thi tập lấy cảm hứng từ một lần tác giả đặt chân tới đất Hoa Lư, nơi hơn 1000 năm trước Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân đã định đô và xây dựng vương triều phong kiến nhà Đinh. Hoa Lư gắn với chiến tích Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, Lê Hoàn phá Tống, đánh đuổi ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập non trẻ của đất nước. Khí thiêng sông núi ngàn năm hội tụ, tạo nên mối nhân duyên khiến tác giả cảm tác và trong một khoảng thời gian rất ngắn đã viết xong Hoa Lư thi tập.



Sau Thi Vân Yên tử, bây giờ là Hoa Lư thi tập; Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận muốn tặng cho chúng ta những phút chấn động linh giác của một nhà khoa học. Đó là những câu thơ nhuốm vị thiền đưa ta vào cõi phiêu linh. Chứng tích và sự tích, xưa và nay, hư và thực, tất cả đã đan quyện vào nhau sau lớp vỏ thời gian. Tác giả vừa đóng vai người dẫn chuyện, vừa là một người lĩnh xướng kéo ta lúc thì gần lại với cảnh, khi thì lại lùi rất xa về với tiền nhân.
Cứ như thế trong buớc đi u tịch, ta vừa gặp lịch sử, lại vừa gặp chính ta. Âm điệu thơ, như một sự chú ý không muốn có những thay đổi đột biến, nó giữ nhịp như tiếng mõ điểm sương, như giọng ngâm kinh vẳng ra từ biết bao thăng trầm của thế sự.
Một tâm hồn luôn rung động với quá khứ hẳn đầy trách nhiệm với hiện tại; say mê với cảnh sắc, càng đắm đuối với con người. Những con người ở vào giao điểm bản lề hai triều đại Đinh - Lê thực là đẹp. Nghĩa càng sâu nặng, tình càng sâu lắng.
Có những trang sử kiêu hùng thúc giục lòng ta bừng bừng khí thế sục sôi lên đường ra trận; cũng có những trang sử thi như Hoa Lư thi tập ngàn năm sống dậy ùa về làm người đọc rơi lệ, cảm xúc rưng rưng về một thời hoa lệ, một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng lẫm liệt oai hùng, một chiến công trong muôn ngàn chiến công hiển hách của dân tộc Việt thắm hồng thêm trang sử tinh hoa:

Ngàn năm đất nuớc bao binh lửa
Sử sách bi hùng máu thắm trang

(Hoàng Long Giang)

Tuẫn tiết theo vua bảy danh thần
Lòng trung vì nghĩa tiếc gì thân
Khói hương nghi ngút đền phủ khống
Ngàn năm con cháu mãi tri ân

(Đền Phủ Khống)
Tập thơ là một chuỗi hình ảnh, sự kiện, tư tưởng của triều đại vua Đinh. Có thể nói, mỗi bài thơ là một trang sử; song ở đây Hoa Lư thi tập không phải dạng thông sử viết theo tiến trình lịch sử chi tiết, cụ thể mà trong thi tập này, sự kiện đã được “thi hoá” nên nhẹ nhàng như một làn gió thoảng, trong mát như mạch suối nguồn, có sức truyền cảm mạnh.
Khi thì bừng bừng khí thế, lẫm liệt oai phong:

Sào Khê dòng chảy hướng Nam sông
Vua Đinh tập luyện thuỷ quân thần
Dẹp tan loạn giặc mười hai sứ
Để lại ngàn sau ngọn cờ hồng

(Sào Khê)

Binh hùng tướng mạnh kéo từng đoàn
Lê Hoàn ra trận lên ngôi báu

(Vua Lê ra trận)
Có khi lại êm đềm, dịu ngọt, yên bình như một bức tranh quê:Bóng ai câu cá bên sườn núi
Có phải người xưa hoá ngư ông
Tiều phu mải miết đi tìm củi
Mây vàng che mát cả dòng sông

Không gian tịch mịch đến nao lòng trước sự hoang phế của một thời cực thịnh mà dư âm còn vang mãi đến muôn ngàn sau:
Tiên Long núi tháp dựa áng Sơn
Ngàn năm mưa gió tháp đâu còn
Cực thịnh một thời nơi núi biếc
Đền vàng tháp ngọc thủơ vàng son

(Chùa Kim Cương)
Nếu Hoàng Quang Thuận chỉ trở về cố đô vì mục đích thưởng ngoạn, thoả mãn trí tò mò thì ắt sẽ không khám phá những điều siêu nhiên kỳ bí, những chứng tích còn lưu dấu nơi vùng đất tứ linh của kinh thành cổ được, mà phải có sự am hiểu, đặc biệt là sự rung động về “cái hồn” còn phảng phất nơi đây trong từng phiến đá, viên gạch, mái chùa, gốc cây, ngọn cỏ:

Quạnh quẽ am xưa ánh dương tà
Phong quang thay đổi tiếng quạ xa
Ngọc am chùa báu mờ sương lạnh
Cây ổi trước chùa đã đơm hoa.

(Chùa Bà Ngô)
Thơ Hoàng Quang Thuận là chữ nghĩa nhưng không là chữ nghĩa, là vô thức mà không hẳn vô thức. Thơ anh là những đợt sóng ngược xuôi, ngang dọc của trí tuệ. Mỗi hình ảnh, mỗi thể hiện đều có sự sâu thẳm. Lại lắm khi lời chữ tự động cuốn nhau đi như bị dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, tạo ra một trường gợi tưởng hơn một ý tuởng. Và trong dòng tâm thức ấy, người ta chợt nhận ra một điều từ cõi thế: Bóng đổi thay bởi hình thay đổi. Huyễn cảnh đổi thay bởi như thị vô thường:

Ngàn năm thế sự bao thay đổi
Còn lại ngang trời một cánh mây

Dù trải qua dâu bể, dù vật đổi sao dời thì cũng còn lại ngang trời một áng mây bay. Mây cũng là một thực thể sống động, huyền ảo, bồng bềnh, cái bao la của vũ trụ, vẻ bát ngát vô biên của mây trời đủ để bảo chứng, tường tận về một thời mà tinh thần nhân văn cao đẹp xiết bao. Đó là một chứng đắc tâm linh vượt lên tất cả mọi chứng đắc tâm linh.
Toàn bộ tập thơ gồm 121 bài dành trọn để nói về một cố đô xưa hoa lệ và những con người hào sảng. Thơ anh vừa có sự kỹ càng cụ thể của nhân chứng lịch sử; vừa có đường nét màu sắc của hội hoạ; bố cục, ánh sáng của nhiếp ảnh; âm thanh tiết tấu của âm nhạc và sự bay bổng, tinh tế của thơ ca.

In bài này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!