Lễ hội cố đô Hoa Lư 2012 là một lễ hội lớn nhất trong năm ở Ninh Bình, Lễ hội năm nay gắn với sự kiện Đinh Tiên Hoàng đế lên ngôi vào năm Mậu Thìn 968 lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, Lê Hoàn lên ngôi vào năm Canh Thìn 980 mở ra đại thắng quân Tống xâm lược trên sông Bạch Đằng và 1060 năm ngày sinh của Thái hậu Dương Vân Nga – bậc quốc sắc
thiên hương – Hoàng hậu 2 vua, mẫu hậu 3 vua trong lịch sử Việt Nam.
thiên hương – Hoàng hậu 2 vua, mẫu hậu 3 vua trong lịch sử Việt Nam.
Đây cũng là một sự kiện văn hóa chào mừng hoạt động kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình và được Bộ Văn hóa thể thao du lịch đưa vào sự kiện mở đầu của các tỉnh thành Bắc Trung Bộ trong năm du lịch quốc gia 2012 – Huế với chủ đề “Du lịch di sản”.
Là lễ hội truyền thống (đầu tháng 3 âm lịch) tại khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư để tưởng niệm công lao của các nhân vật lịch sử được nhân dân thờ tại đây mà tiêu biểu là hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Lễ hội diễn ra tại khu di tích lịch sử văn hoá cố đô Hoa Lư huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Lễ hội trước đây còn có tên là lễ hội Trường Yên, lễ hội Cờ lau.
"Ai là con cháu rồng tiên
Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về
Về thăm đền cổ Đinh Lê
Non xanh, nước biếc bốn bề như xưa".
Lịch sử: Lễ hội Cố đô Hoa Lư là lễ hội cổ truyền, có lịch sử từ khi Hoa Lư trở thành Cố đô. Lễ hội còn có tên là lễ hội Cờ Lau vì có phần hội với trò diễn tái hiện cảnh Đinh Bộ Lĩnh với trò chơi "Cờ lau tập trận". Từ năm 2006, tỉnh Ninh Bình đề nghị đổi tên "Lễ hội Trường Yên" thành "Lễ hội Cố đô Hoa Lư". Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư là một lễ hội cấp tỉnh. Đây là một lễ hội hướng về cội nguồn dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Lễ hội Cố đô Hoa Lư được mở vào mùa xuân, có thể vào ngày sinh của Đinh Bộ Lĩnh (15/2 âm lịch), hoặc đầu tháng 3 bắt đầu từ 6/3 đến 10/3 âm lịch (Tương truyền, ngày 10/3 là ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, ngày 8/3 là ngày mất của vua Lê Đại Hành).
Không gian lễ hội: hầu hết các di tích tại khu di tích cố đô Hoa Lư như đền và lăng mộ vua Đinh, vua Lê, nhà bia tưởng niệm vua Lý, sông Hoàng Long, chùa Nhất Trụ, chùa Ngần Xuyên, đền Phất Kim .v.v.
Phần lễ: Lễ Rước nước: Mở đầu là lễ Rước nước, Đoàn người khởi hành từ đền vua Đinh đến kiệu Long Đình trên có đặt một cái ché để đựng nước Thánh đến bên sông Hoàng Long thì dừng lại lấy nước vào ché đem về đền. Cuộc rước được chuẩn bị khá công phu. Trước ngày khai hội, ở sông Hoàng Long chọn một cây tre lớn. Trên ngọn tre có treo một dải phướn màu vàng, ghi lời chú. Nội dung những lời chú đại lược là Thần dân, con cháu trăm họ luôn nhớ ơn rồng vàng ở sông này đã cứu giúp vị Hoàng Đế nhà Đinh; Cầu mong thần sông giữ cho dòng nước mát hiền hoà, phù trợ cho dân tránh mọi điều ác dữ…Đoàn rước đi theo thứ tự dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc các loại, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường nhạc bát âm, phường trống. Tiếp đến là một kiệu bát cống lớn có hương án do tám nam thanh niên trong trang phục lính tráng nhà Đinh xưa khoẻ mạnh khiêng, tiếp theo là các vị quan khách, đại biểu trung ương, địa phương. Rồi tiếp đến là những kiệu bát cống có tán do các trinh nữ mang các lễ vật. Đoàn người đi sau là các bô lão, những đội tế nữ quan của nhiều địa phương xa gần, nhân dân và du khách.
Lễ tế: Ngay sau khi đoàn rước nước trở về sân khấu trung tâm lễ hội, tại đàn tế của khu di tích là nơi khởi điểm phần lễ tế. Sau lời diễn văn khai mạc là màn trống hội Hoa Lư, các màn diễn tái hiện lịch sử trọng đại diễn ra tại kinh đô Hoa Lư xưa như: sự kiện lên ngôi hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn; đánh thắng giặc Tống; dời đô về Thăng Long và kết thúc là màn thả rồng bay lên cho tới hết buổi sáng khai mạc. Lễ tế được tiến hành sau đó cả ban ngày và ban đêm ở cả đền vua Đinh và vua Lê với nội dung ca ngợi công đức của hai vị vua, sau đó khách hành hương vào thắp hương tưởng niệm và tri ân ngưỡng tượng thờ, các công trình điêu khắc và kiến trúc xưa. Tham gia lễ tế có nhiều đoàn trong vùng.
Phần hội: Phần hội có các trò chơi dân gian đặc sắc như cờ lau tập trận, đua thuyền, múa gậy, cờ người, xếp chữ, ném còn, thi hát chèo, vật, viết chữ nho .v.. Cơ bản các trò chơi ở lễ hội cố đô Hoa Lư giống với các trò của các lễ hội dân gian Việt Nam khác. Ở đây có một số trò chơi hội đặc trưng, tiêu biểu như: Cờ lau tập trận là trò diễn dân gian nhằm diễn tả lại những buổi tập dượt, rèn luyện của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh tuổi niên thiếu và trò chơi kéo chữ. Tham gia màn diễn trò Cờ lau tập trận gồm 60 em thiếu niên 13-15 tuổi. Em khôi ngô nhất được chọn đóng Đinh Bộ Lĩnh, đội mũ bình thiên bằng rơm, tay cầm bông lau có tán vàng, tán tía. Quân Thung Lau, Thung Lá có chiêng, trống cái, thanh la, đứng hai bên múa hát đối đáp và diễn cảnh vua Đinh cầm cờ lau tập trận. Hội diễn thể hiện ý chí của Đinh Bộ Lĩnh và ba quân.Xếp chữ Thái Bình: màn diễn xếp chữ Thái Bình để tưởng nhớ niên hiệu mà vua Đinh đặt khi lên ngôi, đây cũng là tên gọi của đồng tiền Thái Bình đầu tiên ở Việt Nam. Tham gia màn này có 120 thiếu nữ mặc áo tứ thân màu xanh, tay cầm cờ, theo nhịp trống giục 3 tiếng một mà chạy kéo chữ. Hàng thứ nhất kéo chữ Thái, chạy vòng lên phía trước kéo xuống thành nét “thanh”, rồi lại vòng lên phía tay trái kéo xuống thành nét “mác”, cuối cùng chạy vòng lên phía tay phải kéo xuống tạo thành nét “chấm”. Vậy là thành chữ “Thái”. Trong khi đó, ở hàng thứ 2, các em chạy và kéo chữ “Bình”. Cả hai hàng hạ cờ làm nổi rõ hai chữ “Thái bình”. Người đẹp kinh đô Hoa Lư: Từ năm 2005 trở đi Ninh Bình đã quyết định chọn dịp lễ hội để tổ chức cuộc thi "Người đẹp kinh đô Hoa Lư" nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Người đẹp kinh đô Việt Nam". Các vòng loại đã diễn ra trước đó, vòng chung kết diễn ra tại sân khấu lễ hội Hoa Lư. Hội thi hát chèo: Là cái nôi sản sinh nghệ thuật sân khấu chèo, vào dịp lễ hội Hoa Lư, hội thi hát chèo diễn ra với sự tham gia của nhiều cá nhân, các đoàn nghệ thuật trong vùng. Riêng sự kiện dời đô và màn trống hội Thăng Long thường do đoàn chèo Hà Nội đảm nhiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn cùng đồng hành với Vầng trăng làng Trữ!